Giữ nét xưa trong hiện đại

"Ngày xưa khách du lịch Châu Âu rất thích đến làng Văn Lâm. Họ thường chọn ở trong những ngôi nhà cổ đặc trưng vùng Bắc Bộ 3 gian 2 trái và tham gia trải nghiệm cuộc sống, tìm hiểu văn hóa, được nấu cơm bằng bếp củi, được làm nghề cùng người dân... nhưng bây giờ cuộc sống đã thay đổi từng ngày. Những nếp nhà cũ không còn, tập tục, nếp sống cũ cũng dần phôi pha theo thời gian. Những thứ lẽ ra phải là di sản cần được giữ gìn nay chỉ còn trong ký ức... nghĩ mà xót xa", bà Vũ Thị Hồng Yến, một người dân thôn Văn Lâm, Ninh Hải, Hoa Lư chia sẻ.

Không còn những nét cổ kính của một ngôi làng cổ tuổi đời hàng trăm năm, sự phát triển của các hoạt động du lịch trong những năm gần đây đã biến Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) trở thành phố thị.

Những ngôi nhà như khối bê tông khổng lồ xếp gần nhau, nhìn trên cao xuống mật độ xây dựng dày đặc, thiếu không gian xanh.

Những ngôi nhà như khối bê tông khổng lồ xếp gần nhau, nhìn trên cao xuống mật độ xây dựng dày đặc, thiếu không gian xanh.

Người dân vẫn tiếp tục xây dựng

Người dân vẫn tiếp tục xây dựng

Người dân tận dụng mọi diện tích để xây dựng làm những con ngõ chỉ 2 xe máy tránh nhau cũng khó khăn

Người dân tận dụng mọi diện tích để xây dựng làm những con ngõ chỉ 2 xe máy tránh nhau cũng khó khăn

Mặc dù thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng hơn trong việc phát triển, bảo tồn các làng nghề truyền thống như làng nghề thêu ren Văn Lâm, cói Kim Sơn, mộc Phúc Lộc, đá Ninh Vân... nhằm đảm bảo duy trì và phát triển mang đến bản sắc riêng của từng địa phương nhưng yếu tố kiến trúc cảnh quan vẫn chưa được thực sự chú trọng.

Làng nghề gỗ Phúc Lộc

Làng nghề gỗ Phúc Lộc

Rất nhiều làng, hay vùng nông thôn có bề dày truyền thống và giá trị lịch sử, văn hóa cần được bảo tồn. Trước làn sóng đô thị hóa ở nông thôn hiện nay, người dân vẫn đang loay hoay tự giải quyết mọi vấn đề theo cách nhìn và cách nghĩ của họ. Nhiều làng quê đã từng là không gian đẹp đã đi vào phim ảnh bị thay đổi đến ngỡ ngàng theo chiều hướng tiêu cực, chỉ để lại sự ngậm ngùi, tiếc nuối.

Khoảng 20 năm trở lại đây, các vùng nông thôn trong tỉnh đã có những thay đổi lớn lao, phương thức sản xuất xưa không còn, nông dân giàu lên, các mặt của đời sống văn hóa có nhiều đổi khác, kiến trúc nhà ở cũng vậy.

Một ngôi nhà có kiến trúc lai tạp ở Trường Yên (Hoa Lư)

Các khu công nghiệp, khu đô thị mới ngày càng được mở rộng, thu hẹp dần nhiều cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Những nhà xưởng, nhà cao tầng kiên cố, khu giãn dân với từng dãy nhà phân lô, mái lợp tôn đầy màu sắc thay thế dần những vườn cây, ao cá, nếp nhà bình dị.

Đánh giá về tình trạng kiến trúc nhà ở nông thôn hiện nay, ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh cho rằng: Kiến trúc nông thôn Ninh Bình hiện nay chưa thể hiện được bản sắc riêng. Đa số người dân khu vực nông thôn thường tự tham khảo các mẫu nhà ở khắp nơi về, rồi tự căn chỉnh, thêm bớt và tùy sức xây dựng theo sở thích của từng hộ gia đình, điều kiện tài chính của từng gia đình. Chẳng mấy đoái hoài gì tới tương hợp, hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên chung quanh.

Cũng theo ông Dũng, nguyên nhân của những tồn tại trên chủ yếu do thu nhập bình quân của các hộ không đồng đều, việc xây dựng chủ yếu là tự phát, chắp nối, thiếu sự tham gia của các cá nhân, tổ chức về thiết kế kiến trúc. Cùng với việc gia tăng về dân số, chia tách hộ khiến diện tích về đất ở của các hộ gia đình ngày càng trở nên chật hẹp, không đủ không gian, diện tích để xây dựng các căn nhà theo kiến trúc truyền thống. Mặt khác, kinh phí đầu tư xây dựng thường lớn hơn các công trình nhà khung bê tông cốt thép thông thường.

Ngoài ra, sự tham gia của các hội nghề nghiệp trong đánh giá, tư vấn định hướng quản lý và phát triển quy hoạch, kiến trúc nông thôn còn hạn chế dẫn đến việc chưa có sự thống nhất về hình thức kiến trúc, một số hình thức kiến trúc mới chưa phù hợp với cảnh quan nông thôn truyền thống.

Đến nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới ở các xã trên địa bàn tỉnh đạt 100%. Tuy nhiên, thực tế kiến trúc nhà ở nông thôn đang là "khoảng trống" trong các đề án quy hoạch. Việc quy hoạch dường như chỉ tập trung vào những chỉ số phát triển kinh tế, hoặc theo kiểu cứng hóa hạ tầng"điện - đường - trường - trạm" mà bỏ quên cái cốt lõi của nông thôn là cấu trúc làng, không gian làng.

Một homestay bị bỏ hoang trên địa bàn xã Ninh Xuân

Một homestay bị bỏ hoang trên địa bàn xã Ninh Xuân

Ông Hà Đức Kim, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp của xã đã bị thu hẹp rất nhiều, vì vậy, để phát triển kinh tế ở địa phương thì lựa chọn duy nhất của chúng tôi là phát triển dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, 90% diện tích của xã Ninh Xuân thuộc vùng lõi của di sản Quần thể danh thắng Tràng An nên đến nay chúng tôi vẫn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Người dân vẫn đang làm một cách tự phát, thiếu đồng bộ.

Câu chuyện xây dựng nhà ở kết hợp với kinh doanh du lịch đang là vấn đề được tỉnh hết sức quan tâm. Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng: Trước đây, cuộc sống của người dân trong vùng di sản rất khó khăn, nhu cầu nhà ở không cao. Tuy nhiên từ khi du lịch phát triển, nhu cầu kinh doanh du lịch tăng cao, không chỉ người dân địa phương mà nhiều nơi khác cũng về mua đất để xây dựng các khu homestay, nhà hàng, dich vụ thương mại... Sự "phát triển nóng" của dịch vụ du lịch ở một số nơi dẫn đến nhiều vụ việc vi phạm về xây dựng trong vùng di sản, làm phá vỡ kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên, thiếu đi tính bền vững.

Toàn cảnh khu du lịch Tam Cốc

Theo bà Vũ Thị Hồng Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH thêu Minh Trang: Khi phát triển du lịch, điều đầu tiên chúng ta phải tính đến là yếu tố văn hóa. Do vậy, khi quy hoạch các khu du lịch, tôi mong muốn các cơ quan chức năng phải có quy hoạch các khu dân cư đi kèm, bao gồm cả khu dân cư hiện hữu và khu dân cư mới phục vụ mục đích phát triển dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý, cấp phép xây dựng, có thể hỗ trợ các khuôn mẫu nhà, làm sao cho đồng bộ, đảm bảo về tiện ích sử dụng, màu sắc, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Mặc dù Theo quy định của Luật Kiến trúc năm 2019, Nghị định số 85/2020/NĐ CP ngày 17/7/2020 hướng dẫn thi hành Luật kiến trúc, UBND các huyện có trách nhiệm lập, ban hành Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn để làm cơ sở quản lý và thực hiện theo quy hoạch nông thôn được phê duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn được phê duyệt, gây khó khăn cho công tác quản lý kiến trúc nông thôn, đặc biệt là việc quản lý kiến trúc tại khu vực trung tâm các xã nông thôn.

Chúng ta không thể hình dung hết được trong 10-20 năm nữa với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì kiến trúc nông thôn sẽ có hình hài như thế nào, nhất là khi tỉnh Ninh Bình xác định một trong những sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh là du lịch kết hợp với nông nghiệp.

Một góc xã Khánh Dương, Yên Mô

Quá trình đô thị hóa biến các làng quê thành phố thị (ảnh trái: xã Yên Từ, Yên Mô; ảnh phải: xã Ninh Giang, Hoa Lư).

Trăn trở với điều này ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng: nếu người dân không xác định được vai trò chủ thể của mình trong việc giữ gìn bảo vệ các giá trị truyền thống, cứ tiếp diễn tình trạng xây dựng tràn lan, không theo quy hoạch, định hướng thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ mất đi bản sắc, mất đi các di sản mà bấy lâu cha ông chúng ta dày công vun đắp. Khi khách du lịch không còn mặn mà với chúng ta nữa, người dân sẽ làm gì với những khối bê tông?" .

Trong khi chúng ta chưa có thống nhất được quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, ông Nguyễn Cao Tấn đề xuất: Cần có một đội "thiết kế sống" trực tiếp hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở trong vùng di sản thì sẽ rất hiệu quả. Ví dụ như khi người dân có nhu cầu nhà ở thì đội thiết kế vào xem xét không gian, cảnh quan và trực tiếp hỗ trợ người dân thiết kế mô hình hợp lý nhất để hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đủ công năng để kết hợp làm dịch vụ du lịch, đồng thời đảm bảo quy định về nhà nước.

Một số homestay trên địa bàn huyện Hoa Lư

Hiện, Sở Du lịch cũng đang xây dựng phương án bảo tồn di sản. Trong đó sẽ có quy hoạch cụ thể cho người dân làm du lịch theo hình thức homestay với một mô hình chuẩn, nhằm giảm áp lực về điều kiện nhà ở cũng như là định hướng phát triển du lịch theo đúng quy định về bảo tồn di sản.

Cũng chung quan điểm này ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Viện Trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh khẳng định: Nếu địa phương nào có nhu cầu thì Viện kiến trúc quy hoạch sẵn sàng hỗ trợ thiết kế một vài mẫu nhà phù hợp cho người dân ở khu vực nông thôn. Vấn đề đặt ra là chính quyền địa phương phải đứng ra kết nối, đảm bảo mẫu thiết kế được người dân tôn trọng thực hiện.

Theo ông Lê Quang Lực, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh: Việc bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cũng là vấn đề đặt ra trong xây dựng NTM giai đoạn tới đây. Để làm tốt công tác này, không thể chỉ từ một quyết định hành chính mà cần phải có một chủ trương tổng thể, trong đó không thể thiếu vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng để cùng tham gia giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp ở mỗi làng quê là rất quan trọng.

"Tới đây, chúng tôi đang tính toán xây dựng mô hình du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững".

Ngôi nhà cổ của gia đình bà Vũ Thị Lý, xóm 5 , xã Đồng Hướng, Kim Sơn

Mọi ý tưởng quy hoạch và kiến trúc ở nông thôn chỉ đạt được hiệu quả khi người nông dân được thuyết phục, có lòng tin và tự nguyện bắt tay vào thực hiện. Chính vì vậy, ông Cao Trường Sơn, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Mặc dù đối với nông thôn, ta không thể áp đặt một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà và không gian làng truyền thống. Bởi, mỗi vùng sẽ có sắc thái riêng nhờ địa thế, tập quán sống khác nhau. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thông qua quy hoạch khống chế không gian kiến trúc nông thôn- ví dụ các yêu cầu về đặc thù vật liệu xây dựng ở phần tường rào, tầng 1, mật độ xây dựng tối đa, khoảng lùi, chiều cao tối đa để đảm bảo kiến trúc cảnh quan chung.

Bên cạnh đó, việc thiết lập quy hoạch tổng thể cho không gian làng phải dựa trên cơ sở thực tế từng địa phương, cũng như việc tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự hợp lý cho nông thôn hiện đại, sẽ giúp cho không gian làng truyền thống tìm thấy được vị trí của mình trong sự phát triển ở tương lai.

Giữa ồn ào phố thị, những ngôi nhà 3 gian, 5 gian, mái ngói vảy, hệ cửa gỗ với bậc tam cấp và hiên nhà rộng rãi... hay những cây đa, giếng nước, mái đình... luôn chứa đựng cả một bầu trời ký ức, đem đến cho chúng ta cảm giác yên bình.

Đặc biệt, nơi đây còn duy trì được lễ hội Báo Bản truyền thống với hàng loạt các hoạt động sôi nổi như: "Dạ hội văn nghệ", rước kiệu, múa rồng, múa lân, đánh cờ, võ vật, tổ tôm ... Một số hộ dân đã biết tận dụng các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương để phát triển du lịch.

Nằm cuối một con ngõ nhỏ giữa làng Nộn Khê, ngôi nhà của anh Ích, chị Dần (xóm Thượng, thôn Nộn Khê) nhỏ nhắn, giản dị. Căn nhà được xây dựng theo lối kiến trúc tuyền thống vùng nông thôn Việt Nam với những mảng tường gạch bạc màu sương gió, căn bếp nhỏ nằm tách biệt phía trái nhà nhìn ra khoảng sân thoáng đãng và mảnh vườn đầy hoa trái và một cái ao nhỏ tím rợp hoa bèo tây. "Du khách nước ngoài đến đây không vì sự tiện nghi hiện đại mà muốn tìm kiếm nét văn hóa truyền thống của làng quê Việt Nam" - anh Phạm Văn Ích nói.

Trở về với Cố đô Hoa Lư, nơi đây, hồn cốt của một kinh đô cổ không chỉ là lăng tẩm, đền đài mà một số người dân vẫn lưu giữ qua những nếp nhà. Căn nhà của ông Nguyễn Ngọc Hiếu, thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, Hoa Lư có tuổi đời hàng trăm năm, kết cấu 5 gian hoàn toàn bằng gỗ lim, bộ cửa 12 cánh, cột kèo được chạm khắc trang trí hoa văn tỉ mỉ, gian giữa là nơi thờ tự, gian bên trái kê bộ trường kỷ dùng để tiếp khách rồi đến không gian dành để làm nghề phụ, gian bên phải là buồng ngủ, ...

Mặc dù cuộc sống đã có nhiều sự đổi thay, những ngôi nhà cao tầng, những căn biệt thự đã dần thay thế cho những ngôi nhà truyền thống. Thế nhưng đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những con người trẻ, hiện đại đem lòng yêu tha thiết những nếp nhà xưa.

Anh Nguyễn Đức Cương, thôn Thanh Hạ, xã Ninh Hòa, Hoa Lư đã quyết định xây dựng một ngôi nhà theo phong cách truyền thống trên chính mảnh đất cha ông để lại. Với anh Nguyễn Đức Cương "Ngôi nhà không chỉ là niềm tự hào của gia đình mỗi khi có dịp con cháu sum vầy mà thể hiện sự tri ân của lớp người trẻ ngày nay muốn lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống".

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-giu-net-xua-trong-hien-dai/d20220928143811151.htm