Giữ nghề đan lát truyền thống của đồng bào H'Mông

Gắn bó với nghề đan lát truyền thống đã hơn 40 năm, giờ ông Mùa A Vừ, người dân tộc H'Mông ở bản Loọng Luông, xã Mường Phăng, TP Ðiện Biên Phủ (Ðiện Biên) vẫn say mê với nghề, đặc biệt là đan lu cở, một vật dụng đặc trưng của đồng bào H'Mông ở Ðiện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung. Mục đích của việc duy trì nghề với ông Mùa A Vừ không chỉ là để cải thiện đời sống gia đình mà còn nhằm truyền dạy nghề cho thế hệ con cháu, hỗ trợ dân làng giữ nghề truyền thống mà ông cha để lại.

 Ðan lu cở là công việc hằng ngày của ông Mùa A Vừ.

Ðan lu cở là công việc hằng ngày của ông Mùa A Vừ.

Gắn bó với nghề đan lát truyền thống đã hơn 40 năm, giờ ông Mùa A Vừ, người dân tộc H’Mông ở bản Loọng Luông, xã Mường Phăng, TP Ðiện Biên Phủ (Ðiện Biên) vẫn say mê với nghề, đặc biệt là đan lu cở, một vật dụng đặc trưng của đồng bào H’Mông ở Ðiện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung. Mục đích của việc duy trì nghề với ông Mùa A Vừ không chỉ là để cải thiện đời sống gia đình mà còn nhằm truyền dạy nghề cho thế hệ con cháu, hỗ trợ dân làng giữ nghề truyền thống mà ông cha để lại.

Chiều hè oi ả, nhưng ông Mùa A Vừ vẫn miệt mài bên những sợi nan, sợi mây. Nhìn những ngón tay chai sần chi chít sẹo thoăn thoắt gài mối, siết nan tôi cũng phần nào hiểu nỗi khó nhọc của người làm nghề. Trò chuyện với chúng tôi, ông Vừ cho biết, khi 15 tuổi, ông đã được cha dạy nghề, bắt đầu từ việc vào rừng chọn cây tre, cây mây, đến công đoạn phơi, chẻ nan, vuốt nan rồi sau cùng mới là đan lát. Mỗi công đoạn đều có một quy trình mà nếu không kiên trì thì không theo được. Trong số các sản phẩm đan lát của đồng bào nơi đây, lu cở là sản phẩm được dùng như một phương tiện vận chuyển rất quan trọng và không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người H’Mông. Mỗi gia đình dân tộc H’Mông đều có ít nhất một chiếc lu cở để ở nhà làm vật cất giữ quần áo và tài sản. Lu cở cũng là vật đựng đồ tiện lợi cho bà con đi làm nương hay xuống chợ. Bởi thế mà, lu cở còn là tài sản được người H’Mông lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc được dùng làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình.

Theo ông Vừ, giá một chiếc lu cở bằng mây tre khá cao, dao động từ 350 nghìn đến 400 nghìn đồng/cái, là bởi đan lu cở không chỉ khó mà còn mất nhiều thời gian. Không tính công lấy tre, chẻ mây, một người thạo nghề như ông cũng mất gần chục ngày ngồi đan mới hoàn thiện một chiếc, còn với người mới làm nghề thì phải từ hai đến ba tháng mới xong. Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, khiến cho nghề đan lát truyền thống đang dần mai một. Thay cho chiếc lu cở làm bằng mây tre, nhiều người H’Mông lại dùng những sản phẩm tương tự nhưng nguyên liệu là nhựa, i-nốc hoặc nhôm, rất dễ mua ngoài chợ, giá lại rẻ hơn nhiều so với lu cở mây tre truyền thống. Chính vì vậy, số người biết đan lu cở ngày càng ít. Cả bản Loọng Luông giờ chỉ mình ông Vừ biết đan.

Giới thiệu cho chúng tôi xem những chiếc lu cở nhiều kích cỡ được xếp gọn theo hàng bên trái gian bếp, ông Mùa A Vừ chia sẻ: "Ðây là những sản phẩm đầu tiên tôi học làm, không đẹp bằng bây giờ, tôi giữ làm kỷ niệm và cũng để nhắc nhở bản thân về lời dặn của ông cha: Là người H’Mông cần biết làm các vật dụng truyền thống của người H’Mông, để con cháu tự hào với nghề của dân tộc mình. Hiểu được tâm ý, tấm lòng của ông Vừ, các con ông đều dành thời gian giúp ông chẻ nan và học nghề. Thoạt đầu, họ chỉ nghĩ học để ông Vừ vui, song dần dần họ làm được nhiều vật dụng cho nên thấy thích thú và hứng khởi hơn với nghề này. Người trẻ trong bản thấy ông ngồi đan cũng không ngại ngần hỏi tác dụng từng đồ vật, ông Vừ đều dành thời gian giải thích và hướng dẫn họ cách làm. Nhiều người học ông Vừ đã biết làm các vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày, cho nên bây giờ các gia đình trong bản đều dùng vật dụng bằng mây tre và nhà nào cũng có lu cở.

Bài, ảnh: Lê Lan và Ðỗ Hương

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/44801002-giu-nghe-dan-lat-truyen-thong-cua-dong-bao-h%E2%80%99mong.html