Giữ nghề làm tương

Nằm ở ngoại ô thành phố Việt Trì, xã Tân Đức xưa nay thuộc khu Đoàn Kết và khu Thành Công, phường Minh Nông không chỉ được biết đến là vùng có diện tích trồng rau an toàn lớn của thành phố, nhiều năm qua, nơi đây còn có nghề làm tương, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giảm nghèo và thay đổi diện mạo của vùng đất ven đô.

Phường Minh Nông hiện có hơn 20 hộ làm tương lâu năm.

Phường Minh Nông hiện có hơn 20 hộ làm tương lâu năm.

Đi trên những con đường bê tông trải dài lượn quanh xóm làng, chỉ cần thấy sân nhà nào để đầy những chum, vại sành là biết gia đình ấy có nghề làm tương. Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà có khoảng sân rộng, thoáng đãng có tới vài chục chiếc chum, vại sành xếp thẳng hàng, ngăn nắp dưới cái nắng thu dịu nhẹ. Mới chỉ bước chân đến cổng, mùi thơm ngọt của tương đã đủ đánh thức vị giác, khứu giác của những vị khách “đường đột” tới nhà như chúng tôi.

Vừa tiếp chúng tôi, vừa liên tay mở nắp chum khuấy tương, bà Phạm Thị Hương Giang - một trong những hộ làm tương lâu năm tại đây chia sẻ: “Nghề làm tương phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, trời càng nắng thì tương càng ngẫu và thơm. Trước đây, tương chỉ làm được vào mùa hè, mùa đông không có nắng rất khó làm, dễ bị “đổ tương”. Hàng ngày, phải mở nắp chum, khuấy đều và cho thêm nước vào tương, trời nắng thì phơi, trời mưa thì phải đậy thật kín để nước mưa không lọt vào làm tương bị ủng”.

Tương vốn là thứ gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người dân Việt, nhất là ở các làng ven sông lại càng không thể thiếu tương để chế biến các món cá, tép đánh bắt được từ sông. Cùng với đời sống sinh hoạt hằng ngày, nghề làm tương đã tồn tại gần nửa thế kỷ ở nơi đây theo hình thức “cha truyền con nối” và được làm theo lối thủ công, không sản xuất ồ ạt nên giữ được vị ngon, đậm đà.

Trước đây, bà con chủ yếu làm tương để phục vụ đời sống hằng ngày của gia đình và bán nhỏ lẻ ở các chợ quê trên địa bàn thành phố, “tiếng lành đồn xa”, tương của người dân ngày càng được nhiều người biết đến. Các công đoạn làm tương đòi hỏi tỉ mỉ và cẩn thận, từ lựa chọn nguyên liệu đến ướp mốc, ngả tương. Nhờ kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều năm nên các hộ trong làng đã sản xuất được tương quanh năm mà vẫn đảm bảo về chất lượng.

Hiện nay, hai khu có hơn 20 hộ làm tương với giá bán 40.000-45.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm, các hộ chế biến được từ 5-7 tấn tương, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh, thành lân cận như Vĩnh Phúc, Hà Nội...

Đặc biệt mới đây, phường Minh Nông đã thành lập và ra mắt Hợp tác xã tương nếp Tân Đức là một bước đệm tạo đà phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định thương hiệu tương Tân Đức. Hợp tác xã được thành lập trên cơ sở liên kết các hộ gia đình tại địa phương đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến tương nếp truyền thống, bao tiêu 70-80% sản lượng tương cho các thành viên, đồng thời đối với các đơn hàng cung cấp số lượng lớn, ổn định lâu dài Hợp tác xã sẽ đứng ra ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Do đặc thù, Tân Đức xưa là địa phương có bình quân đất đai rất thấp nên để mưu sinh người dân luôn nhạy bén, tính toán tìm hướng đi cho phù hợp với khả năng điều kiện một vùng ven đô đất chật, người đông. Cũng nhờ có nghề làm tương đã giúp người dân có thêm thu nhập tạo sự đa dạng trong phát triển ngành nghề kinh tế tại địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, góp phần vào sự đổi thay, phát triển của thành phố ngã ba sông.

Vy An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giu-nghe-lam-tuong-218117.htm