Giữ nguyên phương thức thi THPT quốc gia đến năm 2020

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 17-7 ở 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 17-7 ở 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Đồng chủ trì điểm cầu Đà Nẵng là TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT) cùng 2 Giám đốc ĐH Vùng: ĐHĐN và ĐH Huế.

Đề thi THPT Quốc gia 2019 đảm bảo tính phân hóa, phân loại tốt

Đồng quan điểm ý kiến đóng góp tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các đại biểu đến từ 28 trường ĐH& 4 trường CĐ khu vực miền Trung - Tây Nguyên ở điểm cầu Đà Nẵng đều thống nhất cao báo cáo tổng kết công tác tổ chức coi thi, chấm thi và chuẩn bị tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2019 do TS Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ GD ĐH- trình bày. Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc, chuyên nghiệp. Kết quả kỳ thi đã phản ảnh đúng thực chất chất lượng giáo dục phổ thông. Đặc biệt, nhiều đại biểu ở điểm cầu Đà Nẵng đánh giá rất cao đề thi THPT Quốc gia năm nay. TS Lê Anh Phương - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) nhận xét: “Căn cứ vào phổ điểm các môn thi cho thấy, đề thi năm nay đã đáp ứng yêu cầu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa là căn cứ để các trường đại học tổ chức xét tuyển sinh”.

Hiệu trưởng Trường ĐH SP Huế cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa Sở GD-ĐT với các trường ĐH trong công tác thi, đặc biệt là việc Bộ GD-ĐT giao các trường ĐH đảm trách nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm. Với trách nhiệm được giao này, các trường ĐH đã tổ chức triển khai chấm thi trắc nghiệm nghiêm túc, nắm vững quy trình mới, bảo mật cao, hoàn thành đúng kế hoạch Bộ GD-ĐT đề ra.

TS Lê Anh Phương đề nghị Bộ nên tục phát huy hình thức này trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, TS Lê Anh Phương cũng cho rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện do có quá nhiều văn bản chỉ đạo nên gây chồng chéo, tạo ức chế đối với các trường cũng như cán bộ coi thi. Nên xem kỳ thi THPT Quốc gia là một trong những công việc bình thường, diễn ra hàng năm của ngành GD-ĐT, để kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng hơn. Ông cũng đề nghị Bộ sớm công bố điểm sàn đối với các trường đào tạo ngành sư phạm và sức khỏe để các trường có thể tiếp nhận những thí sinh có điểm thi cao.

Đồng tình ý kiến về việc Bộ GD-ĐT nên tiếp tục duy trì hình thức phối hợp giữa các trường ĐH và các Sở GD-ĐT trong tổ chức thi THPT quốc gia trong những năm tiếp theo, ông Lê Công Toàn- Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng - bổ sung thêm, Bộ nên có sự điều chỉnh về tỉ lệ cán bộ tham gia như thế nào cho phù hợp...

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT) đọc báo cáo tổng kết công tác tổ chức coi thi, chấm thi và chuẩn bị tuyển sinh ĐH, CĐ tại điểm cầu Đà Nẵng.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT) đọc báo cáo tổng kết công tác tổ chức coi thi, chấm thi và chuẩn bị tuyển sinh ĐH, CĐ tại điểm cầu Đà Nẵng.

Giữ nguyên phương thức thi

Tuy đồng thuận cao với đánh giá của Bộ về kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, nhưng theo Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình, Bộ nên xem xét lại phương thức xét tốt nghiệp THPT. Theo ông, với cơ cấu xét tốt nghiệp theo tỉ lệ 70% điểm thi THPT và 30% điểm học bạ sẽ dễ dẫn đến việc học lệch ở HS bậc THPT. Nên thay đổi cơ cấu tỉ lệ về 50/50 như trước đây. Đồng tình ý kiến này, bà Nguyễn Thị Anh Đào- Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á- cho rằng, nên nghiên cứu, xem lại về tỉ lệ này để làm sao phát huy được các năng lực về kỹ năng của HS bên cạnh kiến thức.

“Nếu kết quả học 3 năm THPT chỉ tham gia 30% trong việc xét tốt nghiệp THPT thì các trường sẽ dành nhiều thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức cho HS chứ không có nhiều cơ hội để HS được rèn luyện các kỹ năng khác, khó có thể hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện, phát triển năng lực HS”- bà Nguyễn Thị Anh Đào chia sẻ thêm.

Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia là kỳ thi để đánh giá chuẩn đầu ra của HS phổ thông về mặt kiến thức, kỹ năng sau khi học hết 12 năm. “Cơ cấu tỉ lệ 70/30 là để đánh giá theo quá trình và chuẩn đầu ra. Tỉ lệ này đã được Bộ khảo sát, đánh giá trước khi đi đến quyết định chọn tỉ lệ này. Nếu như để tỉ lệ 50/50 thì ý nghĩa kỳ thi THPT quốc gia chưa cao. Từ cơ cấu tỉ lệ 70/30 qua thực tế cho thấy, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2019 cao (94,06%) nhưng không cao như các năm trước, thấp hơn 4-5%, thậm chí có tỉnh chỉ đạt 70% thôi. Điều đó phản ánh gần đến thực chất của sự học. Cần hiểu kỳ thi này không phải chỉ thuần túy để công nhận tốt nghiệp, lại càng không phải để phục vụ cho ĐH, CĐ. Đây chỉ là cơ sở để các trường chọn. Các trường ĐH, CĐ vẫn còn nhiều phương thức xét tuyển khác. Xin được nhắc lại, kỳ thi này là nhằm để đánh giá chuẩn đầu ra đối với HS THPT. Vì thế, phương thức thi sẽ ổn định đến năm 2020. Bộ đang chỉ đạo nghiên cứu khảo sát để có lộ trình cho những năm tiếp theo sau 2020”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đánh giá rất cao việc phân tích kỹ phổ điểm từng môn, đánh giá chất lượng từng môn để nhấn mạnh đến việc giáo dục toàn diện đối với phổ thông. Cũng từ việc phân tích phổ điểm năm nay, Bộ trưởng cho biết sẽ tổ chức một hội nghị nhằm phân tích tại sao môn Sử và Ngoại ngữ lại thấp nhất để “trước khi vào năm học có sự quán triệt đối với các giáo viên các trường về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới chương trình”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ thêm.

P.THỦY (ghi)

Là người tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT, tham dự tại điểm cầu Đà Nẵng, GS.TSKH Bùi Văn Ga– nguyên Thứ trưởng Bộ GĐ-ĐT- nhận xét: “Công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đều được đánh giá tốt; kết quả kỳ thi đánh giá đúng thực chất chất lượng của HS phổ thông. Còn nhớ, trước đây, chúng ta đã từng thực hiện “nói không với tiêu cực trong thi cử”, làm thi rất nghiêm và kết quả THPT chỉ đạt khoảng 70% (lệch rất lớn so với con số 90% trước đó). Năm nay công tác coi thi, chấm thi được siết chặt nhưng kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt 94,06%, không lệch nhiều so với những năm trước đây. Điều này chứng tỏ kết quả, chất lượng giáo dục phổ thông càng ngày càng được cải thiện rất là đáng kể. Đây là một thành công rất lớn của ngành GD-ĐT. Nên nhận định như vậy để xã hội thấy được điều này”.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/138_209508_giu-nguyen-phuong-thuc-thi-thpt-quoc-gia-den-nam-2.aspx