Giữ nhịp ổn định giá xăng dầu trước biến động năng lượng
Sau những biến động trong 6 tháng đầu năm, thị trường xăng dầu thế giới được dự báo sẽ bước vào một thời kỳ ổn định hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Đợt tăng giá dầu gần đây trên thị trường toàn cầu, có lúc vượt mốc 80 USD/thùng do căng thẳng địa chính trị leo thang tại Trung Đông, đã tác động không ít tới nỗ lực kiểm soát lạm phát của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặc dù giá dầu sau đó đã hạ nhiệt về mức 65 - 70 USD/thùng, nhưng thị trường dự báo vẫn còn nhiều diễn biến khó lường.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tính đến kỳ điều hành ngày 26/6/2025, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 26 kỳ điều chỉnh giá trên các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Trong đó, số lần điều chỉnh tăng nhiều hơn số lần giảm, phản ánh đúng xu hướng tăng ròng của giá thế giới. Tuy nhiên, giá hầu hết các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 3,10 - 5,08%.
Sự thành công này được các chuyên gia nhận định đến từ việc sử dụng linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách. Việc điều hành bám sát diễn biến thị trường đã đảm bảo tính minh bạch, trong khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và các công cụ thuế, phí đã hoạt động như một “bộ đệm” hiệu quả.
Động thái của Bộ Tài chính khi tiếp tục đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho năm 2026 cho thấy tư duy chính sách chủ động, góp phần kiểm soát lạm phát.

Nhiều lĩnh vực của kinh tế rất nhạy cảm với biến động giá dầu thế giới. Ảnh minh họa: Internet
Dù vậy, áp lực tại từng thời điểm vẫn rất lớn. Theo tính toán của TS. Vũ Thị Hồng Nhung - Khoa Kinh doanh tại Đại học RMIT Việt Nam, nhóm giao thông bao gồm dịch vụ vận tải chiếm khoảng hơn 9,6% rổ CPI của Việt Nam.
Nhóm thực phẩm và dịch vụ ăn uống chiếm khoảng 33,5%, là nhóm mặt hàng tiêu tốn nhiều năng lượng, khiến giá cả rất nhạy với biến động chi phí nhiên liệu. Ngoài ra, chi phí logistics hiện chiếm 10 - 15% chi phí sản xuất ở nhiều ngành…
Theo phân tích của chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, thị trường xăng dầu thế giới 6 tháng cuối năm 2025 phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình thuế quan từ Mỹ và căng thẳng Trung Đông. Dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ ở mức trung bình từ 65 - 75 USD/thùng cho năm 2025.
Nhiều chuyên gia nhận định, khi giá dầu toàn cầu tăng, chi phí nhiên liệu trong nước bị tác động nhanh chóng, lan qua các lĩnh vực vận tải, logistics, sản xuất và ảnh hưởng đến giá cả tiêu dùng.
Vì thế, nếu không có các biện pháp chính sách đủ mạnh làm “đệm đỡ”, nền kinh tế sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những "cú sốc" đột ngột.
Để giảm bớt tác động, TS. Phan Thanh Chung - giảng viên Kinh tế tại Đại học RMIT nhấn mạnh, Việt Nam cần một chiến lược chính sách 2 chiều: biện pháp ngắn hạn để ứng phó tức thời và cải cách dài hạn để nâng cao khả năng tự phục hồi trước biến động năng lượng.
Cụ thể là trong ngắn hạn, Chính phủ có thể cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các nhóm dễ bị tổn thương và các ngành then chốt. Việc giảm thuế môi trường và thuế nhập khẩu nhiên liệu có thể giúp giảm giá bán lẻ. Đồng thời, cần tăng cường Quỹ bình ổn giá xăng dầu để có công cụ điều tiết khi giá tăng đột biến. Thêm nữa, cần hỗ trợ cho các ngành sử dụng nhiên liệu nhiều như logistics và thủy sản để giảm chi phí đầu vào.
Về phía chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nên giữ lập trường thận trọng, cân bằng giữa mục tiêu kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng. Đảm bảo doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận tín dụng giá rẻ để ứng phó với chi phí năng lượng là rất quan trọng.
Trong khi đó, kiểm soát giá tạm thời đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như giao thông công cộng và thực phẩm cơ bản cũng sẽ giúp ngăn chặn hiệu ứng lạm phát lan tỏa.
Về dài hạn, TS. Phan Thanh Chung cho rằng, vấn đề mấu chốt là cải cách cơ cấu. Đó là phải đa dạng hóa nguồn năng lượng bằng cách đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và năng lượng sinh khối sẽ giúp giảm phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu.
Cùng với đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, khuyến khích xe điện, mở rộng thăm dò dầu khí trong nước và xây dựng kho dự trữ dầu chiến lược là những bước đi cần thiết để tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Việc đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng đô thị sẽ giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu trong dài hạn.