Giữ 'nhựa xanh' trên đất Phượng hoàng

Lâm Bình được mệnh danh như một 'Hạ Long trên cạn' của Tuyên Quang. Ấn tượng của khách du lịch khi đến với mảnh đất này là màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng. Làm sao để giữ được trọn vẹn từng gốc cây, ngọn cỏ chính là lời thề không phản bội lại rừng của những người gác rừng nơi đây.

Tự hào miền “xanh như lá”

Ông Nguyễn Hữu Tình, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình cho biết, cả huyện có gần 40 nghìn ha rừng phòng hộ, nằm ở 8 xã. Điểm khác ở Lâm Bình là phần lớn diện tích rừng phòng hộ nằm bao phủ quanh khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang. Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình có 1 trạm, 1 chốt bảo vệ rừng trên khu vực hồ, mỗi đơn vị có 4 cán bộ.

Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình Tề Văn Giáp cứ mỗi tuần 2 lần đi tuần tra, bảo vệ trên khu vực hồ thủy điện cùng với anh em. Anh Giáp chia sẻ, đi tuần bằng thuyền có cái hay, cũng có cái dở. Cái hay, cái thú vị là mình cảm nhận được hết hương vị của rừng, của nước, nhưng cái dở là những trận gió, bão ập đến bất thường, nếu không có kinh nghiệm, thuyền có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Anh Giáp chia sẻ, giờ anh em ở các chốt, trạm đều được mệnh danh là những chuyên gia dự báo thời tiết rồi.

Nếu đang đi tuần mà thấy trời chuyển sang âm u, lá cây trên bờ lật ngược thì ắt sẽ có gió to kèm theo sóng lớn, lúc này, việc cần làm là khẩn trương đưa thuyền vào gần bờ và tìm những khe ngách để trú, khi nào nhìn mặt hồ sóng chỉ còn lăn tăn mới có thể tiếp tục di chuyển. Cũng có những khu rừng, để đặt chân đến cũng phải mất nửa ngày, có khi đến cả ngày trời đi bộ. Như khu rừng phòng hộ Mã Xà Phìn (Phúc Yên), khu rừng phòng hộ Phìn Sông, Bọ Choáng, Giảng Trí, Lèng Pèng (Khuôn Hà), hay những khu rừng ở đỉnh Bọ Giáp, Bọ Chít (Thượng Lâm)… Anh Giáp chia sẻ, vất vả là vậy, nhưng chỉ cần được ngắm 1 nhánh lan rừng e ấp, hay tận mắt thấy những cá thể voọc đen má trắng trong những chuyến tuần rừng ấy, là mọi mệt mỏi đều tan biến hết.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình tuần tra, bảo vệ rừng.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình tuần tra, bảo vệ rừng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình hiện chỉ có 28 biên chế. Tính ra, mỗi biên chế phải quản lý, bảo vệ gần 1,5 nghìn ha rừng. Anh Tình chia sẻ, với chừng ấy diện tích, nếu chỉ dựa vào lực lượng của Ban quản lý sẽ rất khó giữ rừng được nguyên vẹn. Để rừng được bảo vệ ổn định, Lâm Bình đã giao khoán gần 13 nghìn ha cho người dân bảo vệ theo Nghị định 75 của Chính phủ. Số tiền mỗi năm người dân nhận được xấp xỉ 5 tỷ đồng.

Thôn Nặm Chá, xã Lăng Can là một trong 28 thôn bản của Lâm Bình được giao khoán, bảo vệ hơn 800 ha rừng phòng hộ trên địa bàn. Thôn như một thung lũng, được bao bọc bởi rừng đại ngàn. Từ lòng chảo ấy nhìn lên bốn bề, vẫn thấy những cây nghiến, cây trai già sừng sững chở che bản làng. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nặm Chá Nguyễn Văn Na bảo, xác định Nặm Chá là vùng đệm cho những điểm du lịch xung quanh của Lăng Can, Khuôn Hà, Phúc Yên… nên việc giữ được rừng, bảo vệ được “lá phổi xanh” là nhiệm vụ trọng tâm, thôn đã thành lập 10 tổ tuần tra, bảo vệ rừng. Ông Na bảo, đều đặn mỗi tuần, ông cùng những người khác trong thôn vào rừng kiểm tra xem có ai đặt bẫy thú hay khai thác trộm gỗ rừng không. Nếu có bẫy thì bà con thu bẫy đem về, còn nếu gặp người khai thác trộm gỗ rừng, sẽ khuyên nhủ và báo với chính quyền.

Từ năm 2013, Lâm Bình cũng xây dựng Phương án hợp đồng bảo vệ rừng phòng hộ lưu vực hồ thủy điện Tuyên Quang cho 53 hộ gia đình tại 3 xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên quản lý, bảo vệ.

Anh Tráng A Dính, thôn Hợp Thành, xã Khuôn Hà được giao quản lý 88 ha rừng thuộc khu vực Phạc Mạ chia sẻ, ngoài nhận khoán bảo vệ rừng, mình cũng tận dụng chăn nuôi lợn, bò và thả mấy con trâu nữa. Anh Dính bảo, có hỗ trợ hay không thì mình vẫn phải giữ rừng. Màu xanh của rừng của núi giờ đã “ăn” vào máu mình rồi, mình phải quyết tâm gìn giữ, bảo vệ, không được chặt phá rừng bừa bãi và càng không được để người ở nơi khác vào rừng khai thác.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình Nguyễn Hữu Tình chia sẻ, nhờ sự chung tay của cộng đồng, mà 9 tháng năm 2019, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình phát hiện, xử lý 6 vụ khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, giảm 9 vụ so với cùng kỳ năm trước.

Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình kiểm tracây nghiến cổ thụ tại xã Khuôn Hà.

Thanh âm của rừng

Rừng phòng hộ ở Lâm Bình hiện còn nhiều loại gỗ và thực vật quý hiếm như: Pơ mu, thông, nghiến, trai, đinh, sến, dổi, các loài lan kim tuyến và một số dược liệu quý hiếm như cây một lá, thất diệp nhất chi hoa, chè hoa vàng; các loài động vật như voọc đen má trắng, vượn, khỉ, hươu, lợn rừng, mèo rừng, cu li, cầy, nhím… Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND huyện Lâm Bình đã thông qua Nghị quyết quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, làm cơ sở để tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát triển các loài, sinh cảnh bị suy thoái và phát triển các nguồn gen quý hiếm, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.

Đầu năm 2019, sau những chuyến nghiên cứu, làm việc của các nhà khoa học, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình đã đưa về trồng 50 cây chè hoa vàng để theo dõi sinh trưởng, phát triển, đồng thời lưu giữ bộ gen quý cho nghiên cứu khoa học về lâu dài.

Tuy nhiên, với những người giữ rừng phòng hộ ở Lâm Bình, vẫn còn những thanh âm trầm lắng. Người dân ở Lâm Bình chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên rừng nên đôi khi vẫn xảy ra tình trạng một số người dân sử dụng các loại súng, bẫy tự chế để săn bắt động vật hoang dã. Bên cạnh đó, vùng rừng giáp ranh của Lâm Bình với các huyện bạn lại rất rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nên để phát hiện, ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã quý hiếm trái phép chưa được kịp thời. Không chỉ vậy, hiện tại khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang vẫn chưa phủ sóng điện thoại, nên mỗi chuyến tuần rừng, nếu phát hiện sự cố bất thường, anh em đều phải “tùy cơ ứng biến”. Anh Tề Văn Giáp, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình cho biết, nếu xử lý được thì anh em tự xử lý, lập biên bản giữ nguyên hiện trường, nhưng anh bảo, về lâu dài, đây cũng không phải là giải pháp tối ưu, vì nếu gặp những đối tượng manh động, thì rất cần sự có mặt kịp thời từ phía các đơn vị liên quan mới có thể xử lý được.

Lâm Bình đang trở thành điểm đến yêu thích của những khách du lịch yêu thiên nhiên. Cả một vùng đồi núi trập trùng thăm thẳm xanh màu lá, là lý do khiến khí hậu nơi đây rất trong lành. Nguồn “nhựa xanh” này sẽ không thể còn mãi, nếu không có sự góp sức bảo vệ của tất cả những người con nơi đất Phượng hoàng tìm về làm tổ nơi này.

Ghi chép: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/giu-nhua-xanh-tren-dat-phuong-hoang-124413.html