Giữ nước là kiến tạo một Việt Nam thịnh vượng, trường tồn
Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng trong Khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong: 'Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước'. Lời dạy thiêng liêng ấy là 'kim chỉ nam' cho mỗi người dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, giữ nước không chỉ là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn là củng cố sức mạnh tổng hợp của đất nước trước những biến động toàn cầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu dâng hoa tưởng nhớ ơn công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” khu vực ngã năm Đền Giếng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng ngày 5/2/2025. (Ảnh: ND)
Giữ nước - trách nhiệm đưa đất nước “vươn mình”
Trong chiến tranh, giữ nước gắn liền với bảo vệ từng tấc đất, từng ngôi làng, bảo vệ sự sống của từng con người trước sự xâm lược của kẻ thù, bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn của lãnh thổ. Thắng lợi của các cuộc kháng chiến trường kỳ, “gian lao mà anh dũng”, với sự hy sinh của bao thế hệ là minh chứng sống động cho tinh thần giữ nước của mỗi người Việt Nam.
Sau kháng chiến, giữ nước còn là bảo vệ nền độc lập, khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh. Nhiệm vụ giữ nước không chỉ là bảo vệ lãnh thổ mà còn là duy trì sự ổn định, xây dựng và phát triển các cơ sở hạ tầng. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, giữ nước còn là giữ vững chủ quyền kinh tế, văn hóa, bảo vệ các giá trị truyền thống, là củng cố và nâng cao vị thế, sức mạnh tổng thể của quốc gia.
Thế giới đang trải qua những “cơn sóng triều cường” về địa chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ. Những xung đột quốc tế, tranh chấp chủ quyền, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và những thách thức an ninh phi truyền thống đang tác động sâu sắc đến Việt Nam. Giữ nước đòi hỏi thích ứng với các xu hướng phát triển toàn cầu, giữ vững tinh thần đoàn kết trước những thay đổi khó lường, phát huy sức mạnh nội tại, tận dụng tối đa ngoại lực để vươn lên - vượt lên trong một thế giới nhiều biến động.
Xây dựng đất nước cũng là giữ nước, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Giữ nước không chỉ là duy trì ổn định mà còn là đưa đất nước vươn lên, tạo thế và lực mới trong khu vực và thế giới. Muốn vậy, Việt Nam phải chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động, không chỉ đi theo xu hướng toàn cầu mà còn phải tạo ra những giá trị riêng biệt, khẳng định được vị thế. Giữ nước là không để tụt hậu, là kiến tạo một Việt Nam vững mạnh, hiện đại, thịnh vượng. Giữ nước là trách nhiệm, sứ mệnh phải đưa đất nước “vươn mình”, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Muốn giữ nước phải bồi đắp sức mạnh nội sinh
Để làm được điều đó, trước tiên, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, lãnh thổ. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, các tranh chấp chủ quyền, an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp, việc giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, “chủ quyền trên không gian mạng” là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân.

Phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong” tại khu vực ngã năm Đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
Bên cạnh đó, mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cần nâng cao ý thức về chủ quyền biên giới, biển đảo, không để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc lan tỏa, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và ý thức bảo vệ chủ quyền qua các nền tảng truyền thông, mạng xã hội là một cách để giữ nước trong thời đại mới. Giữ nước không chỉ là bảo vệ biên giới “cứng” mà còn phải ngăn chặn các nguy cơ “mềm” từ những vấn đề an ninh phi truyền thống như tội phạm mạng, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu...
Một đất nước chỉ có thể vững mạnh khi có nền kinh tế độc lập, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế không chỉ giúp nâng cao đời sống Nhân dân mà còn là yếu tố quan trọng để củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia, tăng cường quan hệ đối ngoại. Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào về kinh tế, nhưng vẫn còn những thách thức cần vượt qua, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế.
Giữ nước trong thời đại mới càng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp, cá nhân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, không có các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế hay cạnh tranh không lành mạnh.
Trong thế kỷ 21, sức mạnh của một quốc gia không chỉ được đo bằng diện tích lãnh thổ hay dân số mà còn ở trình độ, sự phát triển của khoa học - công nghệ. Đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ tiên tiến chính là “chìa khóa” để Việt Nam vươn lên, tránh tụt hậu so với các nước phát triển. Việc làm chủ công nghệ, không lệ thuộc nước ngoài về công nghệ là “chìa khóa” để Việt Nam vươn lên, đồng thời nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy nền kinh tế số.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức khi nguồn lực dành cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế, nhất là công nghệ cơ bản, công nghệ lõi, khả năng sáng tạo chưa cao. Do đó, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học cần nhanh chóng có chiến lược bài bản để phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và các giải pháp số hóa trong sản xuất, quản lý và điều hành. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ để tạo ra những sản phẩm “Made in Vietnam” có khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Tham nhũng, lãng phí cũng là một trong những nguy cơ lớn có thể làm suy yếu đất nước từ bên trong. Khi nguồn lực quốc gia bị thất thoát, lòng tin của Nhân dân vào chính quyền sẽ bị suy giảm. Do đó, giữ nước còn là nhiệm vụ của mỗi cá nhân trong việc đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã và đang triển khai mạnh mẽ công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí với nhiều kết quả tích cực. Mỗi người dân cần có trách nhiệm hơn nữa trong giám sát, phản biện, không thờ ơ trước các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
Môi trường là yếu tố sống còn đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên đang là những thách thức nghiêm trọng. Giữ nước trong bối cảnh hiện nay không chỉ là bảo vệ lãnh thổ mà còn là bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta và thế hệ tương lai. Điều này đòi hỏi phải có chính sách quản lý tài nguyên hợp lý, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Mỗi người dân, từ những hành động nhỏ như giảm sử dụng túi nilon, tiết kiệm nước, trồng cây xanh đến tham gia các phong trào bảo vệ môi trường đều đang góp phần vào sự nghiệp giữ nước.
Giữ nước không chỉ là giữ đất, giữ người mà còn là giữ hồn dân tộc. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng để phát triển đất nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ nghệ nhân, nhà nghiên cứu trong việc gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khuyến khích sáng tạo để văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển, lan tỏa trong thời đại mới. Giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, lòng tự hào dân tộc cũng là cách để giữ nước từ gốc rễ.
Lời dạy của Bác Hồ về trách nhiệm giữ nước đã và vẫn là “kim chỉ nam” cho mỗi người dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giữ nước là trách nhiệm chung của toàn dân, từ việc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, khoa học - công nghệ, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường đến bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi mỗi người Việt Nam đều có ý thức và hành động thiết thực để giữ nước, đất nước ta sẽ ngày càng vững mạnh, hùng cường, xứng đáng với công lao dựng nước, giữ nước của cha ông.