Giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình

Việt Nam xây dựng sức mạnh quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Chính sách quốc phòng của Việt Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thực hiện phương châm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược.

Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào thực hiện nghi thức chào cột mốc trong buổi tuần tra song phương. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào thực hiện nghi thức chào cột mốc trong buổi tuần tra song phương. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Xây dựng tiềm lực từ bên trong

Được sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp xây dựng Quân đội theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng đã có bước đột phá về trang bị, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Quân đội đã thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, khắc phục hậu quả của chiến tranh; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường, cứu hộ, cứu nạn; chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các Chương trình, dự án lớn của quốc gia như: “Xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói, giảm nghèo”, thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị địa phương, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Nhiều năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã triển khai xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân ở từng khu vực và trên địa bàn cả nước; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đảng, Nhà nước, Quân đội tích cực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở mang tính lưỡng dụng đáp ứng kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới.

Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được xây dựng thông qua việc củng cố vững chắc hệ thống chính trị để làm hạt nhân lãnh đạo, quản lý, tập hợp và huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp quốc phòng; xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Ý thức trách nhiệm của toàn dân đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được nâng cao. Nhân dân đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết và không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, hệ thống pháp luật liên quan đến quân sự - quốc phòng ngày càng được hoàn thiện. Đảng đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, đường lối quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, như “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”; “Chiến lược Quân sự Việt Nam”; “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”...

Nhà nước đã xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quân sự - quốc phòng, như: Luật Quốc phòng; Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Dân quân tự vệ; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Cảnh sát biển Việt Nam... Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã được thông qua với số phiếu tán thành cao. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đóng góp và thảo luận tích cực xung quanh dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Đây là những bước tiến quan trọng, nhằm thể chế hóa đồng bộ các quan điểm của Đảng, nhất là những tư duy, quan điểm mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản quy phạm pháp luật - cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng.

Tích cực hội nhập quốc tế về quốc phòng

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nêu rõ: Thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập, củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước.

Là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ, đồng thời tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, đối ngoại quốc phòng tiếp tục khẳng định là kênh quan trọng đóng góp vào quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần trực tiếp xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam đã có quan hệ, hợp tác về quốc phòng với các đối tác chủ chốt, phù hợp với các quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện, tập trung vào những lĩnh vực phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Các chuyến thăm chính thức Việt Nam của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lực lượng Quân đội các nước đã thể hiện sự quan tâm, quan hệ hợp tác tích cực trên lĩnh vực quốc phòng của các quốc gia đối với Việt Nam.

Bên cạnh hợp tác quốc phòng song phương, Việt Nam còn tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương trên kênh quốc phòng ASEAN (ADMM/ADMM+), kênh hợp tác quân sự ASEAN, kênh hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN) và một số diễn đàn đa phương khác, trong đó có thể kể đến một số chương trình quan trọng như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM hẹp); Hội nghị các quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN (ACDFIM), Các cuộc họp nhóm giữa kỳ ARF về xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa (ISG-CBM&PD), Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, Diễn đàn Hương Sơn...

Đến nay, Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã trải qua 7 lần tổ chức với những kết quả tốt đẹp, góp phần cụ thể hóa "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" ; đồng thời thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các đơn vị bảo vệ biên giới hai nước, tăng cường đối ngoại nhân dân, giúp cho nhân dân hai nước có thêm cơ hội giao lưu văn hóa, tiếp xúc, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, áp dụng khoa học vào sản xuất... Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất vào ngày 14/12 tại khu vực cột mốc ngã ba biên giới (tỉnh Kon Tum/Việt Nam, Attapeu/Lào và Ratanakiri/Campuchia).

Là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, năm 2023, Việt Nam đã cử lực lượng Quân đội và Công an tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Sau gần 10 năm triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 786 lượt cán bộ, nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở cả hình thức cá nhân và đơn vị. Các lực lượng của Việt Nam được triển khai luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trên cương vị, chức trách được giao, được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ hòa bình ASEAN và đã tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị. Cùng với đó, Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì Chương trình đánh giá năng lực cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023); chủ trì tổ chức Diễn tập song phương về gìn giữ hòa bình với Ấn Độ. Các hoạt động không chỉ góp phần nâng cao năng lực về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho lực lượng của Việt Nam mà còn cho thấy cơ chế phối hợp hiệu quả trong lĩnh vực này với các nước đối tác, nhằm đóng góp chung cho sứ mệnh bảo vệ hòa bình thế giới, cũng như bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/giu-nuoc-tu-som-tu-xa-bang-bien-phap-hoa-binh-20231222145819219.htm