'Giữ ổn định 3,5 triệu ha đất để trồng lúa là quá lớn'

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương cho rằng, việc giữ diện tích lớn như vậy mang nhiều ý nghĩa về khía cạnh an ninh lương thực nhưng chưa thực sự cải thiện đời sống nông dân.

Không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa

Chiều 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Phát biểu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình), ĐBQH Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng) và nhiều ý kiến đại biểu khẳng định quan điểm quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, vì vậy phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững; bảo đảm tính liên vùng, liên tỉnh; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn. Đặc biệt phải bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh lương thực;...

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận.

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga thảo luận.

Theo đó, hiện nay quy hoạch đất trồng lúa cơ bản giữ được ổn định diện tích 3,5 triệu ha đất trồng lúa. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trên thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và về mặt kinh tế có thể hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Do đó, các đại biểu nhấn mạnh, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa.

Khẳng định vai trò quan trọng của đất trồng lúa, cũng như chỉ ra những hạn chế làm suy giảm, thu hẹp diện tích đất trồng lúa, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) nhấn mạnh: “Chỉ bảo vệ được diện tích đất trồng lúa mới bảo đảm vững chắc được an ninh lương thực quốc gia. Tôi bày tỏ lo ngại khi thời gian qua nhiền diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp khiến lao động nông nghiệp bị thất nghiệp; nhiều dự án thu hồi đất trồng lúa rồi bị treo, rất lãng phí;... Chúng ta phải làm quy hoạch thế nào để hạn chế thấp nhất tình trạng mất diện tích đất lúa”.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Đoàn Cần Thơ) quan tâm về quy hoạch đất trồng lúa đến năm 2025 -2030. Theo đại biểu này, trong nông nghiệp, lúa có vai trò quan trọng, gần đây nhất Chính phủ đã có Nghị quyết số 34 năm 2021 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Trong đó, xác định sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa. Hàng năm, sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Điều này cho thấy Chính phủ đã nhận định tầm quan trọng của dự trữ diện tích lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phương, khái niệm an ninh lương thực quốc gia cần được hiểu rộng hơn. Ngoài gạo, còn cần đa dạng những thực phẩm khác. Theo đó, gạo là thành phần chính chứ không phải là tất cả.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương phát biểu từ điểm cầu Tp.Cần Thơ.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương phát biểu từ điểm cầu Tp.Cần Thơ.

“Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nước ta bình quân lượng gạo sử dụng cho mỗi người khoảng 134kg/năm vào năm 2012 và nay giảm xuống còn 72-84kg/người/năm. Tất nhiên là người thành thị dùng gạo ít hơn người nông thôn. Như vậy, nhu cầu sử dụng gạo đang có xu hướng giảm và sẽ giảm nhiều trong tương lai. Với các tính toán này, Việt Nam chỉ cần khoảng 16-20 triệu tấn (tức 1,5-1,6 triệu ha) là có thể đảm bảo đủ gạo cho con người”, đại biểu Phương nêu.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phương, gạo còn phục vụ cho các hoạt động khác như nguyên liệu cho ngành sản xuất chăn nuôi, thủy sản, các ngành công nghiệp chế biến… Việc chúng ta đang muốn giữ 3,5 triệu ha đất để sản xuất 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là quá lớn. Nếu tính bình quân năng suất lúa thì chỉ cần 3,2 triệu ha đất là có thể đảm bảo được 35 triệu tấn lúa.

Theo báo cáo quy hoạch, diện tích trồng lúa năm 2020 là 3,92 triệu ha đến năm 2025 là 3,73 triệu ha, đến năm 2030 còn 3,56 triệu ha. Đại biểu Phương cho rằng, với diện tích tương đối lớn như vậy chỉ mang nhiều ý nghĩa về khía cạnh an ninh lương thực, đóng góp cho các ngành sản xuất khác chứ không thể có ý nghĩa nhiều đối với sự phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân ở vùng có diện tích lúa lớn như hiện nay như ĐBSCL.

Thực tế, sản xuất lúa còn một số điểm yếu như hiệu quả sản xuất thấp, chỉ bằng 1/10 của sản xuất thủy sản; người sản xuất lúa luôn nghèo, tác động môi trường lớn do quá trình sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất…

“Làm nông khó giàu lên lắm, để người dân có thể “ly nông” nhưng không “ly hương” mới là điều chúng ta cần làm, còn “ly nông” mà “ly hương” là vấn đề chúng ta cần tránh”, đại biểu Phương nhấn mạnh.

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, khoa học, toàn diện của Chính phủ đối với hồ sơ trình Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021- 2025.

Tuy nhiên, ngoài các giải pháp đã nêu trong Tờ trình, đại biểu Thịnh đề nghị Quốc hội xem xét phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là mong muốn của các địa phương hiện nay.

“Việc này, vừa phù hợp về logic vì quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất các vị trí đất này đã được Chính phủ phê duyệt nên khi chuyển mục đích sử dụng đất lại xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nữa thì không thực sự hợp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính và tăng chi phí”, đại biểu Thịnh nói.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh đề nghị Quốc hội xem xét phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối diện tích đất trồng lúa.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh đề nghị Quốc hội xem xét phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối diện tích đất trồng lúa.

Ngoài ra, đại biểu Thịnh thông tin, Nghị quyết số 99/2020/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, cũng như kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 273/TB-VP ngày 22/10/2021 về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng đã nêu cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương với nguyên tắc: Việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân thì giao cho cấp đó thực hiện.

Thực tế thời gian qua, do quy định phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nên nhiều địa phương muốn làm nhanh đã chia nhỏ dự án dưới 10 ha đất lúa, dẫn tới tình trạng quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị, các dự án sản xuất phi nông nghiệp bị manh mún, vừa lãng phí hạ tầng, vừa thiếu kết nối đồng bộ.

“Nếu Quốc hội thông qua nội dung phân cấp này, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian tới sẽ được tốc độ hơn, hiệu quả cao hơn, kéo theo giải ngân đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư xã hội được tốt hơn và chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế; và đây cũng là bước tiến quan trọng về cải cách hành chính, ghi dấu ấn của Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Cùng với việc phân cấp, đề nghị Chính phủ cá thể hóa trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương trong quản lý đất đai, kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả của việc phân cấp”, đại biểu Thịnh cho biết.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giu-on-dinh-35-trieu-ha-dat-de-trong-lua-la-qua-lon-a532262.html