Giữ ổn định tỷ giá

Mặc dù được dự báo là diễn biến khó lường với chiều hướng tăng, song thực tế những tháng đầu năm, tỷ giá VND/USD lại không có bất thường. Dự kiến từ nay đến hết năm 2020, tỷ giá VND/USD giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức: 23.244 VND/USD (giảm 1 VND so với ngày trước đó). Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước: 23.175 VND/USD (mua vào) - 23.650 VND/USD (bán ra). Với biên độ 3% theo quy định, tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch 22.547-23.941 VND/USD.

Ảnh minh họa: Internet

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, trên thị trường thế giới, giá USD so với 6 đồng tiền chủ chốt của thương mại toàn cầu (gồm EUR, JPY, GBP, CAD, SEK và CHF) tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua. Cũng giống nhiều đồng tiền khác trên thế giới, tiền đồng cũng chịu áp lực mất giá so với USD. Mặc dù tỷ giá USD/VND hằng ngày có những biến động trái chiều, tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay xu hướng tăng rất rõ nét trên cả thị trường tự do lẫn trong ngân hàng, nhưng đà tăng hiện tại vẫn trong mức biến động dự kiến 1-2% cho cả năm 2020 được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ đầu năm.

Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê, sức hấp dẫn với đồng USD tại Việt Nam không quá lớn, ngoại trừ các nhà đầu tư ngoại hay các doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu thật về ngoại tệ. Còn đối với người dân, việc nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi hơn, khi mà tỷ giá tăng ít và gửi tiền thì không được hưởng lãi suất.

Dự báo từ nay đến cuối năm, theo nghiên cứu đến từ Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ giá trong quý II có thể sẽ dao động trong biên độ 23.400-23.650 VND/USD, với mức chặn trên là mức tỷ giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước.

Xét về dài hạn, trong các tháng tới cho đến hết năm 2020, tỷ giá VND/USD có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi. Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm, với mức độ điều chỉnh sẽ chỉ khoảng 2%/năm do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD suy giảm.

Thực tế, các yếu tố hỗ trợ tỷ giá ổn định vẫn được duy trì, cán cân ngoại tệ vẫn nghiêng về phía cung. Điều này được thể hiện khi Việt Nam vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu, trong khi đó, về phía cầu, hoạt động rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu của Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ước tính chỉ khoảng 500 triệu USD.

Về chính sách tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: “Trên cơ sở kết quả thực tế, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục kinh tế sau dịch; ổn định tỷ giá, sẵn sàng can thiệp bảo đảm ngoại tệ cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, sẽ cân nhắc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức cao hơn so với kế hoạch đầu năm”.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/967515/giu-on-dinh-ty-gia