Giữ rừng bền vững, hiệu quả tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh
Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Lang Chánh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất, kinh doanh trên diện tích 10.292,14 ha rừng, trong đó có 8.343,25 ha rừng tự nhiên. Hầu hết diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là đồi núi cao, địa hình bị chia cắt, đường giao thông xuống cấp... gây khó khăn cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng (BVR).
Lực lượng chức năng huyện Lang Chánh tuần tra bảo vệ rừng tại xã Giao Thiện.
Cùng chúng tôi thăm những cánh rừng ngút ngàn thuộc địa bàn đơn vị quản lý, bảo vệ và các xã tham gia thực hiện dự án lâm nghiệp như Trí Nang, Giao Thiện, thị trấn Lang Chánh... Giám đốc BQL rừng phòng hộ Lang Chánh Lê Xuân Điệp phấn khởi cho biết, đơn vị đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) bền vững. Nổi bật là đã xây dựng phương án, lập bản đồ quy hoạch đất gắn với quy hoạch 3 loại rừng. Các loại đất, loại rừng được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phù hợp quy hoạch phát triển lâm nghiệp của ngành, địa phương và các quy định của pháp luật hiện hành. Diện tích đất quy hoạch cho rừng sản xuất được điều chỉnh đã tạo điều kiện cho BQL chủ động tổ chức sản xuất, thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực từ các hộ nhận khoán là người dân địa phương để BV&PTR. Chủ động xây dựng quy chế phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các cơ quan chức năng trong thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV&PTR.
Trong các giải pháp quản lý, BV&PTR, BQL luôn chú trọng phối hợp với chính quyền địa phương có rừng để xác định ranh giới chủ quản lý, tổ chức đóng mốc tạm thời tại các vị trí xung yếu để phân định rõ ràng. Đồng thời hoàn thành 100% việc giao khoán (khoán ổn định lâu dài; khoán công việc, dịch vụ) diện tích rừng, đất rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, ngày 27-12-2016 của Chính phủ cho 19 cộng đồng thôn, bản và 470 hộ gia đình, cá nhân bảo vệ, trồng, chăm sóc rừng trồng. Hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho các hộ trồng mới rừng sản xuất theo hướng thâm canh, bền vững; bảo vệ an toàn diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc và khai thác rừng trồng đã cho sản phẩm theo quy định. Nhờ tích cực tham gia trồng và BVR nên người dân trong vùng có thêm việc làm tại chỗ, thu nhập từ tiền nhân công và sản phẩm của rừng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống. Hiện trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn đơn vị quản lý không xảy ra tranh chấp, sử dụng đất sai mục đích, không để xảy ra tình trạng sử dụng rừng trái quy hoạch.
BQL rừng phòng hộ Lang Chánh đã chủ động ký quy chế phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm, các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng đến cán bộ, công nhân viên, các hộ nhận khoán rừng, đất lâm nghiệp và Nhân dân trên địa bàn; làm các biển báo, mua sắm các thiết bị, dụng cụ như: bàn dập lửa, can đựng nước, loa cầm tay, dao... phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho đơn vị và các xã vùng dự án. Tổ chức ký cam kết BVR với 100% số hộ nhận khoán BVR trên địa bàn ban quản lý. Kết quả có 10.292,14 ha rừng trên địa bàn được quản lý, bảo vệ tốt; an ninh rừng luôn ổn định, độ che phủ rừng do ban quản lý hiện tại đạt 99,09%.
5 trạm BVR đóng tại các xã tuy lực lượng còn mỏng nhưng đã thường xuyên bám địa bàn chỉ đạo, tổ chức BVR&PTR, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho các hộ trồng mới rừng sản xuất theo hướng thâm canh như trồng cây giống lâm nghiệp chất lượng cao (keo mô, keo hom). Nhờ tích cực tham gia trồng và BVR nên người dân trong vùng có thêm việc làm tại chỗ, thu nhập từ tiền nhân công và sản phẩm của rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống; ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp... Nhiều hộ gia đình trong địa bàn của BQL như bà Lê Thị Thoa (xã Trí Nang), ông Hà Văn Ướm (xã Tân Phúc), ông Lê Văn Chuẩn, Vi Thanh Phương (xã Giao Thiện)... nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp, đã xây dựng được trang trại tổng hợp, tổ chức trồng rừng sản xuất, BVR và chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới tán rừng, cho hiệu quả kinh tế khá cao.
BQL đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh rừng gỗ lớn, có sử dụng phân bón lót và bón phân cho cây trồng trong thời gian chăm sóc. Hơn 1.800 ha diện tích trồng mới từ các năm trước chủ yếu là cây keo, cây luồng, cây mỡ sinh trưởng, phát triển tốt và đã cho khai thác. Giai đoạn từ năm 2017-2022 BQL đã trồng mới 824 ha rừng gỗ tại các xã: Trí Nang, Giao Thiện, Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 BQL đã tổ chức trồng được 110 ha rừng gỗ lớn bằng keo lai mô, keo Úc trên diện tích rừng sản xuất vừa cho khai thác theo quy định, vượt 10 ha so với kế hoạch giao trồng mới rừng năm 2023. Đồng thời, thực hiện việc làm giàu rừng bằng trồng bổ sung một số cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như sưa đỏ, lim xanh, pơ mu, dổi... vào rừng tự nhiên. Các năm gần đây, BQL đã thực hiện theo quy hoạch phát triển của ngành, của tỉnh, nên đã lựa chọn cơ cấu cây giống trồng rừng phù hợp với điều kiện, địa hình của từng lô rừng cho cả 3 loại giống keo tai tượng Úc, keo lai hom, keo lai mô.
BQL rừng phòng hộ Lang Chánh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2019-2028; phương án BVR, phòng cháy, chữa cháy rừng... Hàng tháng, BQL đã phối hợp với các cộng đồng thôn, bản, hộ nhận khoán BVR xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, BVR, thực hiện giám sát theo quy trình 10 nguyên tắc quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng quốc tế. Năm 2019, BQL rừng phòng hộ Lang Chánh đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho toàn bộ 10.292,14 ha rừng. Vì vậy giá trị gỗ đã được nâng lên, có đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường quốc tế. Áp dụng công nghệ lưu trữ tuyến đi bằng tọa độ định vị toàn cầu (dùng máy GPS cầm tay hoặc máy tính bảng) nhằm kiểm soát toàn bộ hoạt động tuần tra, kiểm tra, BVR của 5 trạm BVR trực thuộc; thu thập số liệu đánh giá hiện trạng, an ninh đất, an ninh rừng.
Thực tế cho thấy mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững tại BQL rừng phòng hộ Lang Chánh đã chủ động hầu hết các khâu trong phát triển kinh tế lâm nghiệp từ sản xuất cây giống đến trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ rừng trồng và trở lại trồng rừng. Để bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ diện tích rừng giao khoán cho các hộ dân và bà con địa phương, BQL dự kiến đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến gỗ với công suất 50 nghìn m3 gỗ nguyên liệu/năm phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, các năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với chiến tranh Nga - UCRAINA, xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam vào thị trường thế giới giảm mạnh. Xưởng chế biến lâm sản của BQL rừng phòng hộ Lang Chánh cũng chịu ảnh hưởng lớn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, giá “đầu ra” xuống thấp. Sản xuất, kinh doanh tại xưởng chế biến gỗ của BQL cầm chừng, có lúc phải ngừng hoạt động. Để giải quyết khó khăn trên, BQL đã và đang cải cách, khôi phục sản xuất, đầu tư dây chuyền hiện đại, tổ chức lại lao động nhằm nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, chủ động tìm kiếm và hợp tác với khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho chủ rừng, góp phần BV&PTR bền vững.