Giữ rừng cổ thụ trên đèo Bảo Lộc

Ẩn sâu giữa cánh rừng nguyên sinh trên đèo Bảo Lộc là quần thể nhiều loại cây cổ thụ quý hiếm như: lim xanh, trường, kiền, thông tre, sơn huyết... Đây là báu vật của đại ngàn mà những người giữ rừng luôn ngày đêm túc trực để bảo vệ.

Những cây gỗ cổ thụ luôn được ngày đêm bảo vệ.

Những cây gỗ cổ thụ luôn được ngày đêm bảo vệ.

Hiện nay, Trạm Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) đèo Bảo Lộc thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Huoai được giao nhiệm vụ quản lý khoảng 8.000 ha rừng, chia thành 9 tiểu khu. Địa bàn rộng, địa hình lại phức tạp, tính trung bình mỗi người ở đây quản lý khoảng 2.000 ha.

Chúng tôi ghé Trạm từ sáng sớm, Trạm trưởng Trạm QLBVR đèo Bảo Lộc Võ Trường Chinh cùng các anh em làm nhiệm vụ bảo rằng, phải chờ nắng lên cho sương tan, mặt đất khô ráo. Đó là thời gian dành cho những người chưa quen đi rừng, còn anh em ở Trạm đi rừng từ tờ mờ sáng, tối không thấy mặt người mới về. Có khi ở lại rừng đôi ba ngày là chuyện thường.

Ông Võ Trường Chinh cho biết thêm: "Khu vực rừng được giao cho Trạm bảo vệ hầu như còn nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý hiếm. Dù có nhiều khó khăn, lực lượng còn mỏng, tuy nhiên chúng tôi luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm không để lâm tặc, các đối tượng thực hiện các hành vi phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, không để xảy ra cháy rừng".

Cán bộ, nhân viên được phân công trực tại chốt sẽ sinh hoạt, ngủ nghỉ ở chốt QLBVR được xây dựng trên đèo Bảo Lộc. Lực lượng tại đây chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để đảm bảo nguyên tắc chữa cháy 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ.

Những gốc cây cổ thụ sừng sững giữa trời mây đèo Bảo Lộc

Những gốc cây cổ thụ sừng sững giữa trời mây đèo Bảo Lộc

Theo chân những người bảo vệ rừng mục sở thị mới tận mắt thấy hết được sự bao la, hùng vĩ của những cánh rừng nguyên sinh trên đèo Bảo Lộc. Những thân cây gỗ quý từ 5 người ôm đến 10 người ôm xuất hiện khá nhiều.

Là các loại gỗ có giá trị nên những cây cổ thụ trên đèo Bảo Lộc luôn là “miếng mồi ngon” của lâm tặc. Chính vì vậy, những người bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; bố trí chốt chặn ở những con đường độc đạo; tăng cường phối hợp với các lực lượng và người dân được giao khoán rừng cùng chung tay bảo vệ.

Anh Nguyễn Văn Tài - nhân viên trạm QLBVR đèo Bảo Lộc tâm sự: "Anh em làm công tác QLBVR luôn cố gắng tuần tra cả ngày lẫn đêm, ngày nắng cũng như ngày mưa. Cốt sao giữ được rừng, giữ từng cây cổ thụ một, đó là tài sản quý báu, là "bảo vật" vì đã trải qua vài trăm năm tuổi mới có được giáng hình như ngày hôm nay".

Băng rừng, lội suối vất vả nhưng ai cũng nở nụ cười vì những cánh rừng mãi xanh

Băng rừng, lội suối vất vả nhưng ai cũng nở nụ cười vì những cánh rừng mãi xanh

Cùng đi với đoàn tuần tra rừng của Trạm còn có những người làm nhiệm vụ nhận giao khoán bảo vệ rừng là các anh Trần Văn Vũ, Nguyễn Quốc Cường, Trần Công Thận. Anh Trần Văn Vũ - Tổ trưởng Tổ hợp tác nhận giao khoán bảo vệ rừng ở khu vực này cho hay: "Mỗi lần anh em chúng tôi ngang qua những cây cổ thụ, ai nấy đều vui mừng vì rừng còn những “bảo vật”. Ngước mắt nhìn những cây cổ thụ sừng sững giữa núi rừng là anh em chúng tôi thêm niềm tin để bảo vệ rừng, tuyệt đối không để những kẻ xấu xâm hại”.

Chuyến đi rừng lần này may mắn không gặp mưa nhưng vì độ dốc lớn, vách đá dựng đứng nên người không quen với núi rừng như tôi bao phen ngã núi. Nhìn tôi, các anh đều cười rằng chuyện vấp ngã, trượt chân anh em gặp như cơm bữa ấy mà, nhất là đi rừng vào mùa mưa. Ngoài ra, rắn rít, bọ cạp, muỗi rừng cũng là mối đe dọa đến sức khỏe và tín mạng của những người ngày đêm bảo vệ ở đây.

Bảo vệ rừng, bảo vệ cổ thụ là nhiệm vụ ngày đêm của các lực lượng và người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng

Bảo vệ rừng, bảo vệ cổ thụ là nhiệm vụ ngày đêm của các lực lượng và người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng

Cuộc sống của những người giữ rừng quanh năm gắn với những căn lán tạm bợ giữa rừng sâu, thiếu sóng điện thoại, lương thực chủ yếu là mì gói, cá khô và rau rừng. Tuy vất vả là vậy, song ai nấy đều cố gắng để những cánh rừng mãi xanh; cổ thụ trăm, ngàn tuổi sừng sững giữa núi rừng.

Dù phải đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy và những đêm thức trắng, song với họ trách nhiệm cao cả là làm sao bảo vệ được "báu vật" vô giá này cho thế hệ mai sau.

ĐỨC TÚ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/giu-rung-co-thu-tren-deo-bao-loc-fcf16ba/