Người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn dụ dỗ, lừa đảo đầu tư tài chính

Nhóm tội phạm công nghệ cao dùng thủ đoạn kết bạn, tâm sự, đến dụ dỗ nạn nhân đầu tư tài chính, chứng khoán ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bộ Công an vạch trần thủ đoạn dụ dỗ, lừa đảo đầu tư tài chính. (Ảnh Bộ Công an)

Bộ Công an vạch trần thủ đoạn dụ dỗ, lừa đảo đầu tư tài chính. (Ảnh Bộ Công an)

Ngày 2/5, Bộ Công an thông tin, hiện nay nổi lên thủ đoạn tội phạm tiếp cận người dân đã tham gia, đăng tin, bài trên các hội nhóm, website mua bán, cho thuê bất động sản sau đó dụ dỗ tham gia đầu tư tài chính, sàn chứng khoán, tiền ảo trên không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Bộ Công an, tội phạm sử dụng các tài khoản giả mạo (sử dụng hình ảnh của các cá nhân có ngoại hình đẹp) tham gia vào các website, hội nhóm (group, fanpage) trên các trang mạng xã hội (chủ yếu là mạng xã hội Facebook) về lĩnh vực mua bán, cho thuê bất động sản. Sau đó chúng tương tác, quan tâm vào các bài viết của các cá nhân (đa phần là nữ giới, có điều kiện kinh tế) có nội dung cho thuê, bán bất động sản và gửi yêu cầu kết bạn để hỏi thêm thông tin.

Hàng ngày, các đối tượng sẽ tập trung trao đổi về các nội dung về các bài viết do nạn nhân đăng trên nhóm. Sau một thời gian, chúng sẽ chủ động nói chuyện sang các chủ đề khác như về hoàn cảnh gia đình, công việc.

Kèm theo đó, đối tượng bắt đầu chia sẻ về bản thân và cuộc sống để tạo thiện cảm gần gũi với nạn nhân: kể về cuộc sống nghèo khó ngày xưa, bố (mẹ) mất sớm hoặc bị bệnh nặng, cố gắng học hành thành đạt và đang làm việc với công việc ổn định ở nước ngoài như: bác sĩ, kỹ sư công nghệ thông tin có thu nhập tốt, hiện nay đã đưa gia đình sang nước ngoài định cư, có lấy vợ nhưng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc hoặc do vợ mất sớm nên đang độc thân.

Sau khi chiếm được cảm tình của nạn nhân, chúng sẽ bắt đầu dụ dỗ người dân tham gia đầu tư vào các sàn đầu tư tài chính, chứng khoán, tiền ảo do chúng tạo ra trên không gian mạng. Khi nạn nhân ngập ngừng chưa muốn cùng tham gia đầu tư vào hệ thống, đối tượng sẽ lấy lý do để đưa thông tin 1 tài khoản và nói là tài khoản của người thân (bố, mẹ) của đối tượng đang dùng và cho nạn nhân đăng nhập vào tài khoản và chơi thử.

Nạn nhân thấy các lệnh đặt đều thắng từ 5-50%, kèm theo đối tượng chia sẻ là có thể phân tích để chơi thắng 100%. Khi thấy tin tưởng, nạn nhân ngỏ ý tham gia góp cùng, đối tượng hướng dẫn nạn nhân mở tài khoản trên các hệ thống này.

Hàng ngày, đối tượng hướng dẫn nạn nhân vào lệnh với tỉ lệ thắng cao; khi người dân muốn rút tiền, hệ thống cho phép rút dễ dàng về ví điện tử, ví tiền ảo hoặc nhận tiền về tài khoản ngân hàng.

Sau đó, chúng hướng dẫn người dân tiếp tục nộp số tiền lớn để tăng thêm lợi nhuận (để tạo niềm tin cho nạn nhân, đối tượng cho biết cũng sẽ nộp thêm vào tài khoản của người thân mình, số tiền ảo trong tài khoản của người thân đối tượng cũng tăng lên ngang bằng tài khoản nạn nhân nạp).

Đến khi số tiền nạp vào hệ thống đủ lớn (lên đến hàng trăm triệu đồng hoặc hàng tỉ đồng), chúng sẽ đánh cháy hoặc khóa tài khoản vì lý do phát hiện dấu hiệu bất thường của tài khoản hoặc khi nạn nhân yêu cầu rút tiền từ hệ thống thì không rút được vì phải nộp thuế thu nhập cá nhân, đồng thời yêu cầu nạn nhân nạp thêm (30-40%) số tiền để có thể rút tiền ra.

Tuy nhiên, khi nạn nhân nạp thêm tiền chúng sẽ lấy lý do khác nhau để không cho nạn nhân rút tiền. Đến khi nạn nhân không còn khả năng tài chính, chúng sẽ xóa liên lạc, đánh sập website và chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Bộ Công an cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó. Người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo... vào các sàn giao dịch trực tuyến trên mạng không rõ thông tin hoặc thông tin có dấu hiệu bị giả mạo.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nguoi-dan-can-nang-cao-canh-giac-truoc-thu-doan-du-do-lua-dao-dau-tu-tai-chinh-313023.html