Giữ sạch nguồn nước mặt

Các sông, suối, hồ, đập là nguồn cung cấp nước sạch quan trọng cho sinh hoạt cũng như sản xuất. Thực tế hiện nay nguy cơ gây ô nhiễm nước sông, hồ, suối rất lớn, đòi hỏi công tác bảo vệ nguồn nước cần đặc biệt quan tâm.

Nguy cơ ô nhiễm

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, ao, hồ, sông, suối là nơi tiếp nhận nước thải các khu dân cư tập trung, khu đô thị, từ hoạt động chăn nuôi, làng nghề, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khai khoáng, bãi rác... hàm lượng ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm kim loại đang có dấu hiệu tăng. Vì vậy cần có những biện pháp kiểm soát và cải thiện chất lượng nguồn nước tại các khu vực này.

 Chất thải từ hoạt động chăn nuôi lợn của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Động tràn ra mương nước. Ảnh tư liệu.

Chất thải từ hoạt động chăn nuôi lợn của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sơn Động tràn ra mương nước. Ảnh tư liệu.

Các huyện miền núi, vùng cao chính là thượng nguồn của các sông, suối, hồ, mặc dù có mật độ dân cư thấp nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng của khu vực này còn nhiều hạn chế, hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy tràn chưa đồng bộ, thu gom rác thải sinh hoạt không thường xuyên. Đáng nói, đây chính là các khu vực có hoạt động sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt phát triển mạnh càng làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt.

Cụ thể tại huyện Đình Lập (Lạng Sơn) và huyện Sơn Động là đầu nguồn sông Lục Nam song với việc tồn tại một số nhà máy sản xuất, trang trại chăn nuôi lớn xả thải ra sông, suối đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Thực tế một số doanh nghiệp có trang trại chăn nuôi trên địa bàn hai địa phương kể trên đã từng bị cơ quan chức năng xử lý do vi phạm các quy định về môi trường. Hay mới đây người dân thôn Trung Sơn, xã Đại Sơn (Sơn Động) bức xúc khi một dòng suối trên địa bàn bị ô nhiễm nặng từ việc xả thải của một trại chăn nuôi gia cầm.

Hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) là công trình đại thủy nông, ngoài cung cấp nước cho sản xuất còn có vai trò đặc biệt quan trọng là cấp nước sinh hoạt cho hơn 32 nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Lạng Giang và thành phố Bắc Giang. Theo nhận định của cơ quan chức năng, trên hồ có các đảo là vùng trồng nhiều loại cây ăn quả, trong quá trình canh tác người dân sử dụng một số loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng của chúng có thể tác động tiêu cực tới nguồn nước. Cùng đó, hoạt động du lịch tại đây tuy chưa quá nhộn nhịp nhưng cũng sẽ xả thải ra môi trường và trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng nước hồ.

Đáng quan tâm hơn, theo ông Giáp Hồng Đăng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải (Lục Ngạn), trên địa bàn thôn Cai Lé, xã Kiên Thành (thị xã Chũ) hiện có nhà máy xử lý rác thải với khối lượng lớn, mỗi khi trời mưa nước thải rò rỉ qua suối rồi chảy về lòng hồ, làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước hồ, việc này khiến chính quyền xã và Nhân dân hết sức lo ngại. Qua kết quả quan trắc năm 2024 của cơ quan chức năng, nước hồ Cấm Sơn bị ô nhiễm bởi thông số mangan vượt tiêu chuẩn 1,81 lần.

Trên sông Thương, theo đại diện Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang, hoạt động sản xuất nông nghiệp có sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, cũng như hoạt động của tàu, thuyền đậu đỗ trên sông gần khu vực khai thác nước của đơn vị có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước. Đặc biệt, đoạn sông qua thành phố Bắc Giang có một số khu vực xuất hiện hoạt động xả thải từ sản xuất công nghiệp, mặc dù vị trí xả thải nằm phía dưới khu vực khai thác nước của nhà máy nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nguồn nước khi dòng chảy ngược. Để khắc phục, Công ty thường xuyên cử người giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ lấy nước sinh hoạt của công trình, mỗi khi có hiện tượng xả thải gây nguy cơ ô nhiễm sẽ dừng khai thác nước.

Giảm tác động tiêu cực

Trên địa phận tỉnh có 3 sông lớn và hàng trăm suối, hồ chứa thủy lợi. Nguồn nước mặt được khai thác chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp, một phần tạo nguồn cho công trình cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nuôi thủy sản. Theo kết quả quan trắc năm 2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đối với nước mặt sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam (đều sử dụng một phần cho mục đích cấp nước sinh hoạt), tại 38 vị trí qua 4 đợt quan trắc cho thấy bị ô nhiễm bởi các thông số: Nitrit, Amoni, sắt, mangan, đồng, cadimi với mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,01 - 65,2 lần, mức ô nhiễm cao hơn so với năm 2023.

 Trên các đảo tại hồ Cấm Sơn, người dân canh tác sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vải thiều tác động tiêu cực tới nước hồ.

Trên các đảo tại hồ Cấm Sơn, người dân canh tác sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vải thiều tác động tiêu cực tới nước hồ.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường, nồng độ các chất trong nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu lớn dần theo thời gian và một số chỉ tiêu đã vượt quy chuẩn cho phép. Đặc biệt, trên đoạn sông Thương qua thành phố Bắc Giang, sông Cầu địa phận huyện Hiệp Hòa, sông Lục Nam địa phận thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam tiếp nhận lượng nước thải dân cư, khu công nghiệp lớn nên nồng độ các chỉ tiêu đều cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác. Chất lượng nước xấu nhất nằm trên 2 lưu vực sông lớn của tỉnh là sông Cầu và sông Thương.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường nước mặt, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của các khu đô thị và khu, cụm công nghiệp. Cùng đó, thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định, xây dựng mạng quan trắc giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm phát hiện sớm các vi phạm.

Để bảo vệ nguồn nước và giảm những tác động tiêu cực, thời gian tới Sở sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của các khu đô thị và khu, cụm công nghiệp. Cùng đó, thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định, xây dựng mạng quan trắc giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhằm phát hiện sớm các vi phạm.

Chú trọng bảo vệ nguồn sinh thủy bằng cách duy trì, phát triển diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Ngoài các giải pháp trên, đối với sông Thương và hồ Cấm Sơn cần thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của Nhân dân các vùng xung quanh. Nghiêm cấm việc đánh bắt thủy sản bằng phương pháp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các loài thủy sinh. Kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ nghiêm ngặt, giữ an ninh nguồn nước.

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/giu-sach-nguon-nuoc-mat-postid415620.bbg