Giữ tiếng hay chạy theo nhu cầu thị trường?

Hiện nay, món gỏi gà măng cụt đang là món ăn “hót rần rần” trên các trang mạng xã hội lẫn các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu. Người dân khắp nơi tìm mua măng cụt xanh với giá cao về làm gỏi. Chạy theo nhu cầu thị trường, một số nhà vườn thu hoạch măng xanh, nhưng cũng có nhiều nông dân quyết tâm giữ thương hiệu và cho rằng việc bán trái non sẽ ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất mùa vụ sau.

Nhiều nhà vườn chỉ thu hoạch măng chín để giữ vườn và thương hiệu măng cụt Bình Dương. Trong ảnh: Vườn măng 70 tuổi của gia đình anh Lâm

Hái xanh hay bán chín?

“Bắt trend” món gỏi gà măng cụt đang được người dân khắp nơi ưa thích, thời gian gần đây một số nhà vườn ở Bình Dương thu hoạch măng xanh bán với giá cao. Theo các nhà vườn, thu hoạch măng xanh có giá trị kinh tế cao hơn măng chín. Nhưng nhiều nông dân băn khoăn vì cây măng cụt có tuổi đời lên đến hàng trăm năm lại khó trồng, liệu thu hoạch măng sống có ảnh hưởng đến năng suất, quá trình phát triển của cây.

Mới đây, bà con nông dân ở xã Thanh Tuyền, Thanh An huyện Dầu Tiếng xôn xao về vườn măng của ông N.T.T trúng đậm khi bán măng xanh với giá cao cho thương lái ngay từ đầu vụ. Giá măng xanh đầu mùa bán tại vườn cả vỏ là 150.000 đồng/kg. Theo các nhà vườn, bán măng xanh không bị hao hụt, 10 trái lấy được cả 10, trọng lượng trái nặng lại tốn ít công, ít thời gian chăm sóc bởi từ khi ra hoa đến khi thu hoạch trái xanh chỉ mất 2 đến 2,5 tháng, trong khi đợi măng chín phải mất khoảng 3 đến 3,5 tháng, chưa kể phải trừ hao trái sượng, hư thúi.

Toàn tỉnh hiện có 1.100 ha măng cụt, trong đó nhiều nhất tại TP.Thuận An (630 ha), tập trung ở các địa phương (Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn, Lái Thiêu....), huyện Dầu Tiếng có 155 ha tập trung tại Thanh Tuyền, Thanh An. Các diện tích còn lại nằm rải rác tại các huyện, thị, thành phố như TX.Bến Cát, huyện Phú Giáo...

Anh Liễu Văn Tài Phú, ở xóm Bưng, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng có 1,4 ha cây măng cụt trồng từ năm 1985 chia sẻ: “Thị trường nào tốt thì nhà nông hướng tới, nhưng thu hoạch măng xanh giống như câu chuyện “ăn xổi”. Tôi đã thử nghiệm hái măng xanh, bán giá cao, hiệu quả kinh tế cao nhưng ảnh hưởng rất lớn đến vườn cây. Măng xanh cuống rất giai nên bẻ rất khó buộc phải tác động một lực rất mạnh để giựt trái, do đó sẽ làm lá rụng, tét cành, cây chảy mủ, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp cũng như sức khỏe, năng suất mùa sau”.

Trong khi đó anh Phạm Hành Nhân, ấp 1, xã An Tây, TX.Bến Cát cho rằng thu hái măng xanh không ảnh hưởng nhiều đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. “Tôi có 20 gốc măng hơn 30 năm tuổi. Vào đầu mùa măng tôi thường hái măng xanh làm gỏi cho các bữa tiệc cũng như bán theo đơn đặt hàng. Hái măng xanh ăn thua ở kỹ thuật bẻ trái kết hợp với phân, tro chăm sóc và thời tiết năm nay mưa trễ nên vườn nhà tôi được mùa, trúng lớn”. Theo anh Nhân, kỹ thuật hái măng xanh rất quan trọng, cần lựa những trái đã già, nhánh nhiều trái tỉa bớt để dưỡng trái chín. Khi hái phải dùng tay bẻ sát cuống, tuyệt đối không bẻ nhánh, bẻ từ từ, không được giựt trái để không ảnh hưởng đến lá, nhánh cây”.

Ghi nhận tại các nhà vườn ở xã An Tây, TX.Bến Cát, một số hộ đều hái măng xanh bán cho nhà vườn, thương lái ở TP.Thuận An, TP.Hồ Chí Minh. Khảo sát tại các vườn măng ở huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, P.V nhận thấy những hộ bán măng xanh là ở những vườn cây suy, chăm sóc không tốt hoặc đổi chủ, hái một số cây làm thử nghiệm.

Thu hoạch cần bảo đảm yếu tố kỹ thuật

Tại các nhà vườn ở TP.Thuận An, bà con rất e dè khi bẻ măng xanh, quyết tâm giữ thương hiệu vườn măng ngấp nghé 100 năm tuổi. Vườn măng rộng hơn nửa mẫu với khoảng 75 gốc của anh Vương Hoàng Lâm ở phường An Thạnh đã 70 năm tuổi nhưng vẫn khỏe khoắn, tràn đầy sức sống. Anh Lâm tâm sự: “Để giữ vườn cây truyền thống của gia đình, tôi tuyệt đối không hái và bán măng xanh. Chỉ có những hộ thuê vườn vì lợi ích kinh tế mới bán măng xanh”. Anh Lâm cho rằng, thu hoạch măng xanh giống như “mổ gà lấy trứng”, nếu chạy theo nhu cầu thị trường thì cây sẽ suy kiệt rất nhanh, bởi khi hái măng xanh thì tại đầu nhánh măng đó sẽ không ra ngọn nữa, còn nếu hái măng chín thì đến mùa năm sau sẽ ra thêm 2 hoặc 3 ngọn.

Năm nay măng cụt được mùa, một số nhà vườn kết hợp thu hoạch măng xanh để chế biến món ăn đặc sản. Trong ảnh: Măng cụt mới được hái để bán của gia đình ông Dội

Gia đình ông Nguyễn Văn Dội ở khu phố Hưng Thọ, phường Hưng Định dành riêng mảnh vườn nửa mẫu với khoảng 10 căn chòi phục vụ khách tham quan, ăn uống, nghỉ mát và trải nghiệm hái măng, trái cây. Ngoài ra, gia đình ông vẫn giữ riêng 2 mảnh vườn rộng hơn 1 ha với khoảng hơn 300 gốc măng chuyên hái măng chín để giữ thương hiệu măng cụt Lái Thiêu nức tiếng từ lâu. Ông Dội cho biết: “Mỗi ngày gia đình hái khoảng 5 - 10 ký măng xanh để chế biến, phục vụ khách tham quan, tuy nhiên khi hái măng xanh phải hết sức cẩn thận, phải có kỹ thuật”.

Theo nhiều người, nếu măng cụt chín được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại trái cây với hương vị chua dịu, ngọt thanh thì măng cụt xanh làm gỏi gà măng cụt được gọi là “vua” của các loại gỏi. Măng cụt chín ngon 1 phần thì măng xanh trộn gỏi gà ăn ngon gấp 10 lần. Ruột măng vừa giòn vừa ngọt quyện với thịt gà dai dai, gia vị nồng nồng càng làm cho món gỏi đậm chất Nam bộ.

Hiện măng cụt xanh cả vỏ loại 1 mua tại vườn có giá dao động từ 40.000 đến 60.000 đồng/kg. Một số nhà vườn làm thành phẩm, bán măng ruột với giá 400.000 đồng đến 550.000 đồng/kg tùy loại. Để có 1 ký măng ruột thành phẩm nhà vườn phải thu hái từ 5 đến 5,5kg măng xanh gọt bỏ vỏ. Làm măng cụt xanh rất kỳ công, nhà vườn phải gọt dưới vòi nước và chuẩn bị thau nước hỗn hợp gồm muối, chanh, đá lạnh để măng trắng và có độ giòn hơn. Măng cụt xanh bán theo đơn đặt hàng, không bán đại trà.

Trao đổi với P.V, bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Thu hoạch măng xanh không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển của cây bởi vì khi trái thu hoạch cũng đã có độ già. Trái măng cụt khi chín sẽ có tầng rời giữa cuống trái và cành, khi hái tầng rời tự tách ra không ảnh hưởng đến cành còn lại, còn khi thu hoạch trái măng cụt còn xanh nếu bẻ cành hoặc cuống quả không khéo, không đúng cách sẽ gây hư đọt măng, từ đó ảnh hưởng tới quá trình sinh trái mới cho vụ mùa sau của cây. Bên cạnh đó, việc thu hoạch măng còn xanh, chưa chín có thể làm lệch thời điểm thu hoạch của mùa vụ sau. Còn việc đánh giá có ảnh hưởng đến chất lượng vụ sau hay không thì chưa xác định được, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá thêm. Hiện hầu hết các vườn măng ở Bình Dương thu hoạch trái chín là chủ yếu để giữ thương hiệu”.

Hiện nay, người dân chọn phương thức sản xuất thu hoạch phù hợp với mục đích nhà vườn nhằm bảo đảm kinh tế. Tuy nhiên, dù thu hoạch xanh hay chín phải đúng với đặc tính sinh học của cây để có quy trình, quy cách thu hoạch cho phù hợp, còn sau khi thu hoạch xanh phải bón phân cho cây liền. Thu hoạch xanh không bảo đảm yếu tố kỹ thuật sẽ gây vết thương cơ giới khó phát triển cơi, đọt mới, cây sinh bệnh. Một năm cây măng cụt chỉ ra 2 đến 3 cơi, đọt mới nên nếu không đạt yếu tố trên sẽ không đủ độ thuần thục để phân hóa mầm hoa, không ra được hoa ảnh hưởng đến năng suất vụ sau”.

(Bà Phạm Đỗ Bích Quyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh)

KIM HÀ - TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/giu-tieng-hay-chay-theo-nhu-cau-thi-truong-a296782.html