Giữ tốc độ và vị thế phát triển kinh tế của Đồng Nai

Bức tranh kinh tế - xã hội của Đồng Nai năm 2023 được thể hiện bằng những con số chưa thực sự 'sáng' sau thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Dự án Cầu Bạch Đằng 2 nối H.Vĩnh Cửu với TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang được thi công

Dự án Cầu Bạch Đằng 2 nối H.Vĩnh Cửu với TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang được thi công

Những con số này đã giúp tỉnh nhận diện những tồn tại, hạn chế, thách thức và có những giải pháp đi kèm với hành động quyết liệt hơn nữa để duy trì vị thế vốn có suốt nhiều năm của Đồng Nai so với các tỉnh trọng điểm vùng Đông Nam bộ, rộng hơn là cả nước.

Nhận diện nhiều tồn tại

Trong số 31 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2023, có 9 chỉ tiêu thực hiện vượt, 14 chỉ tiêu hoàn thành và có 8 chỉ tiêu không đạt. Đáng lưu ý trong số 8 chỉ tiêu không đạt thì có tới 5 chỉ tiêu rất quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP, thu nhập tính theo đầu người/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, vốn đầu tư toàn xã hội và thu ngân sách.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, dự kiến tăng trưởng GRDP năm 2023 của tỉnh chỉ đạt 5,3%. Con số này tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng vẫn được đánh giá là có nhiều nỗ lực. Bởi năm 2023 là năm gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm và tình trạng cắt giảm việc làm. Tuy nhiên, nếu so sánh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì rõ ràng diễn biến phát triển kinh tế của tỉnh năm 2023 rất đáng suy ngẫm. Lý do là nhiều năm trước đây Đồng Nai thường đứng ở vị trí tốp 2 hoặc 3 về tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH:

Làm rõ nguyên nhân chậm trễ, xác định rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân

Sắp tới Ban TVTU xem xét lập một số đoàn để giám sát một số việc còn chậm, tìm ra nguyên vì sao bị chậm. Việc chậm trễ cần làm rõ là nằm ở khâu nào, xác định trách nhiệm của các sở, ngành, cá nhân ra sao. Bên cạnh đó, phải cá thể hóa trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đối với nhiệm vụ được giao.

Những con số phản ánh tăng trưởng kinh tế - xã hội còn thể hiện ở “sức khỏe” các của DN. Trong số 72 ngàn DN thành lập thì trên hệ thống chỉ còn 35 ngàn DN hoạt động, trong đó có khoảng 24 ngàn DN có phát sinh thuế. Mặt khác, tình hình thu hút vốn đầu tư tuy có khả quan nhưng vẫn chưa thể an tâm khi Đồng Nai vẫn chưa xuất hiện trở lại những dự án đầu tư có số vốn “khủng”. Trong khi đó, một số tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ hay nhiều tỉnh, thành khác vẫn có thể làm được điều này.

Dẫn chứng về thu hút đầu tư nhưng chưa có những dự án xứng tầm, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, trong 11 tháng của năm 2023 thu hút được 12,5 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước với 20 dự án, như vậy tỷ lệ trung bình vốn/dự án vẫn ở mức rất thấp. Tương tự, thu hút mới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 317 triệu USD, vốn bổ sung là 750 triệu USD, nhưng tỷ lệ vốn/dự án cũng ở mức thấp. Thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI của Đồng Nai có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây do quỹ đất các khu công nghiệp (KCN) để thu hút DN đã gần hết, trong khi đó các KCN mới được thành lập cũng còn khá ngổn ngang, chưa được đầu tư hạ tầng.

Chẳng hạn KCN công nghệ cao Long Thành (H.Long Thành) đã bàn giao được 220ha đất nhưng đất lại không liền khoảnh và mới chỉ có khoảng 80ha có thể triển khai hạ tầng cho thuê. Hay KCN Long Đức 3 (H.Long Thành) dù đã có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ nhưng còn vướng thủ tục và chưa thể giao đất cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng.

Không thể mất những “cơ hội vàng”

Đồng Nai đang đứng trước những “cơ hội vàng” để bứt tốc phát triển mạnh mẽ, phù hợp với mục tiêu, định hướng của tỉnh đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), đó là: “Xây dựng Đồng Nai phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội; là trung tâm công nghiệp và dịch vụ cảng hàng không, cửa ngõ giao thương quốc tế; một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển”.

Thực tế từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đến nay, Đồng Nai đã được trung ương đầu tư rất lớn về nguồn lực, trong đó nổi bật nhất là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đẩy nhanh triển khai. Dù vẫn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng vẫn có thể khẳng định, tỉnh đã rất nỗ lực giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ liên quan đến dự án sân bay trong thời gian ngắn với tình hình dịch bệnh rất khó khăn.

Tuy nhiên để duy trì vị thế phát triển của Đồng Nai, tỉnh sẽ phải tiếp tục nhìn thẳng, phân tích sâu những tồn tại, hạn chế và có những giải pháp tháo gỡ kịp thời, đưa Đồng Nai trở lại “đường đua” phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Việc tăng tốc không chỉ đơn thuần là thành tích mà mục tiêu cao cả hơn, đó chính là nâng cao đời sống người dân, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên, để có thể sớm khai thác các dự án trọng điểm quốc gia và của tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phải giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc. Trước tiên, phải tập trung hoàn hiện các quy hoạch một cách đồng bộ, bởi đây đang là rào cản rất lớn. Đơn cử khi trình một dự án đầu tư sẽ phải bám vào quy hoạch, trong đó có quy hoạch phân khu, trong khi đó tỷ lệ bao phủ quy hoạch phân khu của tỉnh hiện đang rất thấp. Có nhà đầu tư đề xuất dự án nhưng lại không khả thi vì các loại quy hoạch chưa đồng bộ.

Việc chậm trễ hoàn thiện các quy hoạch cũng đang là rào cản phát triển đối với các địa phương trong triển khai các khu tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất làm dự án. Điển hình là việc bố trí và triển khai các khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Hay tại TP.Biên Hòa, nhiều dự án đang triển khai nhưng vẫn chưa xây dựng xong các khu tái định cư. Việc không chuẩn bị tốt các khu tái định cư được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án chậm trễ do không giải phóng được mặt bằng. Điều đó cũng đồng nghĩa với chậm giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Công Nghĩa

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI BẢO:

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Tiếp tục và làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính phục vụ người dân và DN, trong đó phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Cần hạn chế tối đa những hạn chế năm nào cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng không cải thiện bằng cách làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ được giao.

Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy HUỲNH THANH BÌNH:

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm

Phải có chính sách nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức để gắn trách nhiệm với công việc được giao. Tiếp tục rèn luyện bản lĩnh chính trị của cán bộ, nhất là người đứng đầu. Bởi thực tế có trường hợp nghĩ đúng nhưng không dám làm. Cùng với đó, phải có chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa HỒ VĂN NAM:

Có tình trạng cán bộ né việc khó

Cần đấu tranh kiên quyết với tình trạng cán bộ đùn đẩy trách nhiệm được giao, làm sao để việc khó, thủ tục khó và vướng không “rơi” vào cơ quan mình để có thể né được trách nhiệm. Muốn làm được điều này thì phải cá thể hóa trách nhiệm và có biện pháp xử lý nếu cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Thành Nam (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202312/giu-toc-do-va-vi-the-phat-trien-kinh-te-cua-dong-nai-9e94784/