Giữ trọn tình yêu ươm 'mầm xanh' cho đời

Bén duyên với những nụ cười của trẻ thơ từ khi tuổi mới mười tám đôi mươi, cô Nguyễn Thị Hải Lý, sinh năm 1962, ở thôn Tân Trại 2 (xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh) từng công tác trong ngành giáo dục mầm non, trải qua nhiều cương vị từ cô nuôi dạy trẻ, tới chủ nhiệm nhà trẻ... và giờ đây vẫn tiếp tục giữ ngọn lửa tình yêu nghề nuôi dạy trẻ, cống hiến cho hoạt động từ thiện, công tác xã hội tại địa phương. Hơn 40 năm qua, những hy sinh lặng thầm và ký ức đẹp với nghề vẫn luôn là nguồn vui sống, là động lực để cô tiếp tục ươm những 'mầm xanh' cho đời.

 Cô Lý luôn giữ tình yêu nghề và trân quý những ký ức đẹp - Ảnh: H.N

Cô Lý luôn giữ tình yêu nghề và trân quý những ký ức đẹp - Ảnh: H.N

Ký ức một thời “thắp đèn đón trẻ”

Nhắc đến những bỡ ngỡ đầu tiên của hành trình gắn bó với nghề, sâu trong đáy mắt cô Lý, một khoảng ký ức dạt dào bao niềm vui, nỗi buồn như đang ùa về. “Người ta nói đúng, nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề, bởi như một cơ duyên mà tôi trở thành cô nuôi dạy trẻ. Năm 1979, khi chưa tròn 18 tuổi và đang là thanh niên xung phong thì tôi bị bệnh phải phẫu thuật. Sau đó do sức khỏe yếu nên được điều chuyển về làm tại nhà trẻ của hợp tác xã (HTX) Tân Mỹ (xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh bây giờ).

Những ngày đầu với công việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ thực sự rất khó khăn. Nhưng nhìn những khuôn mặt non nớt hồn nhiên rời vòng tay bố mẹ ùa vào lòng mình mỗi ngày, tôi thấy thương yêu những ánh mắt thơ ngây của các con tự bao giờ”. Năm 1981, cô Hải Lý được cử đi học một lớp sơ cấp nhà trẻ tại huyện Hải Lăng, sau đó tiếp tục với công việc cô nuôi dạy trẻ. Cô Lý mến trẻ, yêu nghề nên được phụ huynh và đồng nghiệp cũng như các cháu rất quý trọng.

Năm 1985, cô được cử làm chủ nhiệm nhà trẻ của HTX Tân Mỹ, đồng thời kiêm cô nuôi dạy trẻ. Cô kể lại, thời điểm đó vì tình hình khó khăn chung nên mọi thứ đều rất thiếu thốn. “Nhà trẻ” của HTX cũng chỉ là căn nhà tạm bợ, tránh không được mưa gió. Đều đặn 4 - 5 giờ sáng mỗi ngày, các cô nuôi dạy trẻ phải đến để đón các cháu. Đến sớm, bởi vì thời bấy giờ đa phần phụ huynh đều là thành viên HTX, phải đi làm công điểm từ rất sớm. Có phụ huynh đưa con đến thì mang theo cả cuốc, cày để đi luôn cho kịp giờ chấm công. Điện chưa có mà trời thì còn tối mịt nên các cô dùng đèn dầu thắp sáng cầm sẵn trên tay, một tay bế trẻ vào lớp.

Những ngày mưa gió, phụ huynh dúi vào tay cô vài củ khoai, hay nắm hạt mít luộc, nhờ cho con ăn sáng. Rồi cũng có khi người ta mang tới cho cân sắn, nắm cơm độn, cô trò cùng ăn, cùng chơi. Thời bấy giờ, đồ chơi hay dụng cụ dạy trẻ học tập đều do các cô tự tay làm. Có những trẻ chỉ mới 1 - 2 tháng tuổi nhưng vì mẹ phải đi làm sớm nên đưa đến nhà trẻ gửi.

Cô Lý kể, những lúc trẻ khát sữa, các cô phải bồng về tận nhà hoặc ra đồng, tới chỗ mẹ làm việc để cho bú. Thế rồi những đứa trẻ dần lớn lên trong vòng tay cô nuôi dạy trẻ, nhiều đứa gọi cô là mẹ bởi thời gian ở bên cô chăm bẵm, dạy dỗ còn nhiều hơn ở với bố mẹ. Khó khăn, vất vả nên với cương vị là chủ nhiệm nhà trẻ, cô Nguyễn Thị Hải Lý thường xuyên động viên đồng nghiệp tìm cách vượt khó, bám trụ với nghề, đồng thời cô cũng tự trau dồi, rèn luyện bản thân để tiếp tục giữ ngọn lửa nghề.

Còn sức khỏe là còn cống hiến

Thời gian thấm thoắt và tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của cô Hải Lý trôi qua lúc nào không biết. Tới tận năm 30 tuổi, cô Lý vẫn chưa lấy chồng. Có người yêu thương, muốn xây dựng gia đình cùng cô, khuyên cô bỏ nghề nuôi dạy trẻ vì quá vất vả nhưng cô khẳng định mình có thể từ bỏ hạnh phúc riêng chứ không bao giờ bỏ nghề.

Khi được hỏi về điều này, cô Lý cười: “Nói tôi không có ý định kết hôn thì đúng, nhưng nói chưa hẹn hò với ai thì cũng không hẳn. Tôi ngày nào cũng hò hẹn với rất nhiều “tình yêu” đấy chứ, các em thơ tôi dang tay đón hằng ngày chính là những tình yêu nhỏ của tôi. Mặt khác, ngày đó sau ca phẫu thuật thì người ta nói tôi không thể có con, nên cứ e ngại ngỏ lời. Tôi nhủ lòng mình hãy cứ làm tốt công việc này và xem những đứa trẻ như là con của mình vậy”.

Có những thời gian nghề nuôi dạy trẻ gặp nhiều khó khăn. Cô Lý kể, có nhiều đồng nghiệp của cô bỏ nghề để làm công việc khác. Nhưng với cô, nuôi dạy trẻ là trách nhiệm, tình thương, là niềm khát khao được cống hiến cho xã hội. Năm 1993, niềm vui bất ngờ đến khi cô có một cậu con trai dường như là món quà dành cho người phụ nữ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân vì em thơ. Năm 2007, cô Lý nghỉ công tác, nhà trẻ HTX lúc này đã trở thành Trường Mầm non Vĩnh Giang.

Sau mấy chục năm công tác, cô Lý chỉ chia tay đồng nghiệp bằng một bữa cơm đạm bạc, không có thêm một chế độ hay phụ cấp gì bởi nhiều quy định của ngành lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với tâm niệm còn sức khỏe là còn cống hiến cho đời, cho nghề nên hơn 10 năm nay, cô Lý vẫn nhận giữ trẻ tại nhà, được nhiều phụ huynh tin tưởng nhờ trông coi, dạy dỗ con cái. Cô hiện còn là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Trại 2, thường xuyên cùng với các cấp, ngành tại địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, nhân đạo vì cộng đồng.

Cô Lý luôn tích cực phát triển hội, lồng ghép chia sẻ kiến thức nuôi dạy trẻ khỏe mạnh, chăm ngoan, những kinh nghiệm của mình cho hội viên phụ nữ. Đồng thời, cô cũng là cầu nối giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn, không nơi nương tựa. Nhiều thế hệ từng được cô Lý ẵm bồng, chăm sóc, nuôi dạy giờ đây đã trưởng thành, giữ nhiều chức vụ, thành công trong các lĩnh vực và sinh sống ở mọi miền đất nước. Nhiều người trong số họ vẫn luôn nhớ đến “người mẹ thứ hai”, thi thoảng lại về thăm cô, ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Và không quên gửi một lời tri ân từ sâu thẳm trái tim. Bởi vậy, cuộc sống của cô chưa bao giờ thiếu niềm vui.

Cô Lý tâm sự, cô muốn chăm bẵm những đứa trẻ, nhìn chúng lớn lên, trưởng thành, tung bay đến những chân trời mới, thực hiện ước mơ hoài bão của mình, và lại trở về căn nhà nhỏ này để thăm hỏi, chuyện trò cùng cô. Điều đó giống như người ta ươm một mầm xanh, tưới tắm, chăm sóc và hạnh phúc chờ ngày cây đơm hoa thơm trái ngọt cho đời vậy.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=172109&title=giu-tron-tinh-yeu-uom-mam-xanh-cho-doi