Giữ uy tín cho nông sản Việt
Dịp cuối năm - khi đơn hàng xuất khẩu nhiều hơn - cũng là lúc cần tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhất là nông sản, để tránh bị cảnh báo từ thị trường nhập khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu một số mặt hàng có sự suy giảm. Ngoài nguyên nhân do sức mua của các thị trường giảm sút, còn có việc một số quốc gia áp dụng yêu cầu kỹ thuật mới, tăng cường thanh tra tại nước xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Vi phạm có xu hướng tăng
Mới đây, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có văn bản gửi các doanh nghiệp (DN), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nam Bộ và Trung Bộ... về tình trạng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị các thị trường cảnh báo do có hóa chất, kháng sinh.
Văn bản nêu rõ 9 tháng năm 2023, số vụ việc hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, trường hợp bị phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh chiếm tỉ trọng cao. Châu Âu là thị trường đưa ra cảnh báo nhiều nhất, ngoài ra còn có Anh, Hàn Quốc, Canada, Singapore, Nhật Bản.
Sản phẩm bị cảnh báo gồm cá trê, cá diêu hồng, cá tra, tôm thẻ, cá chẽm, đùi ếch, cá ngừ, mực nang. "Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản và còn nhiều hạn chế trong việc kiểm soát tại cơ sở chế biến" - ông Tiệp chỉ rõ.
Đáng lo ngại, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng chế độ kiểm soát nghiêm ngặt đối với DN có lô hàng bị cảnh báo hóa chất, kháng sinh nhưng không có biện pháp khắc phục hiệu quả. Một trong những biện pháp kiểm tra tăng cường là lấy mẫu kiểm tra thực tế đối với từng lô hàng. Mạnh tay hơn, EC đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam xóa tên DN vi phạm khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào EU.
Trước đó, tháng 6-2023, đoàn thanh tra của EC đã đến Việt Nam để điều tra về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản xuất khẩu. Qua đó, phát hiện một số lỗi liên quan điều kiện vệ sinh của một số cơ sở, nhất là ở khâu khai thác, nuôi trồng; hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật trong quản lý nhà nước.
Trước thực trạng trên, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã yêu cầu các DN ưu tiên nguồn lực để cải thiện năng lực của hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại nhà máy và chú trọng kiểm soát các cơ sở cung cấp nguyên liệu.
Tăng cường kiểm soát dịp cuối năm
Đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỉ USD/năm, ngành điều của Việt Nam gần đây nhận nhiều ý kiến phàn nàn của các thị trường nhập khẩu về việc chất lượng sản phẩm có dấu hiệu đi xuống, trong đó có 2 thị trường lớn là châu Âu và Mỹ.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho hay 3 chỉ tiêu bị cảnh báo nhiều nhất đối với ngành điều là sâu mọt (côn trùng) sống, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tạp chất lạ. Trong khi đó, vào thời điểm cuối năm, DN chạy đua sản xuất để giao hàng nên rất dễ lơi lỏng kiểm soát chất lượng.
Chưa kể, cuối năm là mùa mưa bão của Việt Nam nên sâu bọ, côn trùng có môi trường lý tưởng để phát triển. "DN khi xử lý sâu mọt nếu không bảo đảm thời gian cách ly sẽ dẫn tới nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Xử lý được vấn đề này thì lại phát sinh vấn đề khác" - ông Nhựt nêu thực tế.
Vinacas đã chủ động khuyến cáo các DN hội viên một số biện pháp xử lý côn trùng phù hợp, hiệu quả. Ví dụ, khu vực sản xuất cần được che kín để ngăn côn trùng từ môi trường bên ngoài lọt vào, hạn chế sản xuất ban đêm bởi đây là thời gian hoạt động của các sinh vật này. DN cũng nên sấy hàng hóa khô hơn mức bình thường để trong mùa mưa, khi xảy ra hiện tượng hồi ẩm thì sản phẩm vẫn đạt yêu cầu, tránh phát sinh sâu mọt sau khâu chế biến. Đồng thời, cần tách riêng khu vực sản xuất và đóng gói để tránh nhiễm chéo côn trùng.
Ông Bạch Khánh Nhựt cũng kiến nghị cơ quan quản lý ngành, địa phương có biện pháp hỗ trợ DN khắc phục vi phạm khi vừa chớm, tránh tình trạng vi phạm kéo dài sẽ khiến các nhà nhập khẩu giảm giá mua hàng và ảnh hưởng vị thế ngành điều Việt Nam.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng), trình độ chế biến của DN Việt Nam hiện ở mức cao nhưng khâu nguyên liệu chưa tốt. Trong bối cảnh chi phí nuôi thủy sản cao nhưng giá đầu ra thấp, một số hộ nuôi trồng đã dùng kháng sinh để bảo đảm tỉ lệ sống cho tôm, cá.
Điều này khiến DN chế biến rất khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào. "Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát các vùng nuôi, nhất là khi tình trạng mua bán kháng sinh còn quá dễ dàng như hiện nay" - ông Lĩnh kiến nghị.
Cập nhật quy định thị trường
Đại diện một trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm xuất khẩu phân tích 2 lý do khiến gia tăng tình trạng lô hàng xuất khẩu nông - thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo.
Thứ nhất, DN chưa cập nhật một số quy định mới, dẫn đến bị động khi lô hàng xuất trước đây đạt tiêu chuẩn nhưng hiện nay thì không. Cách khắc phục duy nhất là DN phải thường xuyên theo dõi quy định mới liên quan chỉ tiêu sắp bị cấm hoặc hạ ngưỡng dư lượng.
Thứ hai, do thiếu sự kiểm soát trong các khâu sản xuất nên có tình trạng DN vi phạm chính những quy định đã được các thị trường đối tác đưa ra từ lâu. DN vì thế buộc phải có sự kiểm soát ngay từ khâu đầu bởi khi bị cảnh báo thì DN bị thiệt hại nhiều nhất và gần như không thể yêu cầu các nông hộ cung cấp nguyên liệu liên đới trách nhiệm.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/giu-uy-tin-cho-nong-san-viet-20231020212858327.htm