Giữ vị Tết truyền thống

Những ngày, tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động vui Xuân, đón Tết phục vụ người dân và du khách. Điều đáng mừng là giữa nhịp sống sôi động của đô thị, những nét văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc vẫn được gìn giữ, trao truyền.

Ấn tượng Tết Việt

Hai ngày cuối tuần, đến làng cổ Đường Lâm, du khách cảm nhận rõ nét không khí Tết cổ truyền ngập tràn khi chương trình Tết làng Việt năm 2025 do thị xã Sơn Tây (Hà Nội) tổ chức chính thức khai màn. Ngay từ cổng làng, những chiếc đèn lồng đỏ rực rỡ được treo trên cây cổ thụ, những cụm hoa tươi tắn được trang trí hai bên đường mang đến cảm giác rộn ràng của mùa Xuân.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây.

Không gian đình Mông Phụ được ví như trung tâm của ngày hội Xuân với những gian hàng ẩm thực bày biện rất nhiều đặc sản trong ngày Tết truyền thống của mảnh đất Sơn Tây như bánh chưng, gà Mía, thịt quay đòn, chè kho, kẹo lạc...

Trong không khí nhộn nhịp ngày Tết, các đại biểu và du khách đã được trải nghiệm phong tục truyền thống ngày Tết ở làng quê Bắc Bộ, cùng nhau hân hoan thưởng thức những món ăn đặc sản và tham gia các trò chơi dân gian như nhảy sạp, bắt chạch trong chum, rồi xem hát tuồng, chèo, làm bánh tẻ, chè lam, kẹo lạc hay gói bánh chưng…

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm gói bánh chưng tại Tết làng Việt 2025.

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm gói bánh chưng tại Tết làng Việt 2025.

Ấn tượng với công tác gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam, Đại sứ Mông Cổ Jigjee Sereejav chia sẻ: “Được trải nghiệm không khí đón Tết giúp chúng tôi có thêm sự hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán cũng như di sản văn hóa của Việt Nam nói chung và của làng cổ Đường Lâm nói riêng”.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, đây là năm thứ tư thị xã Sơn Tây tổ chức chương trình Tết làng Việt tại di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm. Chương trình được tổ chức thường niên với mục tiêu giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau và quảng bá giá trị văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế.

Giới thiệu mâm cỗ Tết truyền thống tại làng cổ Đường Lâm.

Giới thiệu mâm cỗ Tết truyền thống tại làng cổ Đường Lâm.

Theo Ban Tổ chức, Tết làng Việt năm 2025 tại làng cổ Đường Lâm diễn ra từ ngày 18/1 - 16/2/2025 (từ 19 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, trải nghiệm làng nghề đặc sắc gắn với Tết cổ truyền, chương trình tiếp tục góp phần phát huy các giá trị di tích, di sản trên địa bàn và kích cầu du lịch.

Được biết, trong 2 năm 2024 - 2025, di tích làng cổ Đường Lâm được Hiệp hội Du lịch châu Á và Đông Nam Á tôn vinh trao 2 giải thưởng danh giá, đó là: Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN 2024 và Sản phẩm homestay của năm 2025.

Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Trong dòng chảy hối hả của nhịp sống đô thị hóa, nhiều nét văn hóa truyền thống dần phai nhạt, dư vị ngày Tết cổ truyền theo đó ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Thế nhưng, giờ đây, đáng mừng là rất nhiều bạn trẻ đắm đuối, say mê với bản sắc văn hóa dân tộc đã tổ chức các hoạt động khơi gợi lại ký ức đẹp đẽ của ngày Tết cổ truyền.

Tái hiện Tết thời bao cấp tại chương trình “Những thuở Xuân vương”.

Tái hiện Tết thời bao cấp tại chương trình “Những thuở Xuân vương”.

Tối 17/1, tại Quảng trường Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), khán giả Thủ đô đã có một trải nghiệm thú vị khi được sống lại cùng không gian Tết xưa trong vở kịch tương tác đa giác quan “Những thuở Xuân vương”. Đây là một dự án nghệ thuật đầy tâm huyết do nhóm các bạn trẻ gen Z khởi xướng nhằm tái hiện và tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống của Tết xưa trên mảnh đất Hà Nội.

Được tổ chức tại tuyến tàu điện số 6, ngay sân khấu ngoài trời của Đảo Ngọc Ngũ Xã, "Những thuở Xuân vương" bao gồm không gian triển lãm kết hợp vở kịch tương tác đa giác quan, dẫn dắt những ký ức của Hà Nội vào Xuân, từ những ngày đầu thập niên 1950, cho đến những sáng tạo đầy hứng khởi của thế hệ trẻ hôm nay.

Quầy bán hàng Tết Mậu Thân 1968.

Quầy bán hàng Tết Mậu Thân 1968.

Trưởng ban Tổ chức chương trình Phạm Khánh Linh, là một du học sinh chia sẻ, tính cộng đồng của Việt Nam thể hiện rất rõ vào dịp Tết. Do đó, “Những thuở Xuân vương” không chỉ là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Nguyên đán mà còn là cơ hội để giới trẻ thể hiện sự sáng tạo trong việc kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Một trong những hoạt động vui Xuân đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ không thể không nhắc tới là Tết Việt – Tết phố 2025. Đây là chương trình do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Câu lạc bộ Đình làng Việt và các đơn vị tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng.

Đoàn rước trong Tết Việt – Tết phố 2025 sáng 19/1.

Đoàn rước trong Tết Việt – Tết phố 2025 sáng 19/1.

Sáng 19/1, nhiều tuyến phố trung tâm rộn ràng với các hoạt động của Tết Việt – Tết phố 2025. Trong đó ấn tượng nhất phải kể đến là đoàn rước hơn 400 thành viên mặc cổ phục, trang phục truyền thống. Đoàn rước xuất phát từ đình Kim Ngân, số 42 - 44 Hàng Bạc, đi qua các điểm di tích lịch sử của hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội. Tại các điểm di tích, đoàn rước lễ dừng lại để làm lễ và thực hiện trình diễn một số tiết mục múa, hát dân gian. Điểm cuối của hành trình là đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), sau đó diễn ra lễ dâng Thành hoàng, dựng cây nêu, giới thiệu về lịch sử ý nghĩa của cây nêu ngày Tết, diễn xướng dân gian mừng Xuân mới.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình Làng Việt chia sẻ, trong Tết Việt – Tết phố mọi người sẽ thấy được những áo dài truyền thống ngày xưa như thế nào. Theo đó, Ban Tổ chức yêu cầu các thành viên tham gia phải mặc đúng trang phục truyền thống với quy tắc cụ thể như không đội khăn đồng màu với áo (trừ khăn đen và áo đen), không mặc trang phục in logo, biểu tượng nhãn hàng sản phẩm…

Tết Việt – Tết phố 2025 tái hiện nhiều nét văn hóa truyền thống trong ngày Tết.

Tết Việt – Tết phố 2025 tái hiện nhiều nét văn hóa truyền thống trong ngày Tết.

“Ngày Tết là ngày hội tụ tinh hoa truyền thống của dân tộc. Chúng tôi muốn thông qua chương trình Tết Việt – Tết phố, tinh hoa văn hóa truyền thống sẽ được tái hiện rõ nét. Qua đó giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Điều đáng mừng là sang năm thứ 5 tổ chức, chương trình đã thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia. Các bạn trẻ hiện nay có tinh thần hội nhập nhưng vẫn có ý thức gìn giữ giá trị truyền thống” – họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

Tết Việt - Tết phố là hoạt động thường niên của quận Hoàn Kiếm mỗi khi Tết đến, Xuân về. Các nghi lễ, chương trình nghệ thuật dân tộc trong dịp này không chỉ giúp người dân ôn lại các giá trị truyền thống mà còn tạo không gian để gắn kết cộng đồng, cùng hướng về cội nguồn, chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc. Từ đó, Ban Tổ chức mong muốn cộng đồng chung tay vào các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Thiện Quang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giu-vi-tet-truyen-thong.html