Giữ vững dòng tín hiệu từ Trường Sơn đến Trường Sa
Tiền thân là đại đội thông tin dây trần, thành lập ngày 1-5-1953, đến nay, Lữ đoàn 132, Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) trở thành đơn vị bảo đảm thông tin hỗn hợp với nhiều trang bị, khí tài hiện đại; bảo đảm TTLL phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị toàn quân trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên và quần đảo Trường Sa.
Những năm gần đây, để đáp ứng với yêu cầu hiện đại hóa TTLL và bảo đảm thông tin kịp thời, thông suốt, vững chắc, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 132 đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá, vừa tận dụng được xu thế phát triển của khoa học-công nghệ, vừa phát huy tối đa sức mạnh, nội lực của đơn vị. Từng bước cụ thể hóa “Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Binh chủng TTLL.
Một trong những chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng ủy Lữ đoàn 132 là lãnh đạo, tổ chức tìm hiểu, đúc kết, vận dụng kinh nghiệm bảo đảm TTLL của các thế hệ đi trước vào thực tiễn hiện nay. Trong 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều có những khó khăn, yêu cầu và nhiệm vụ đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 132 không chỉ vượt qua mà còn phải hoàn thành xuất sắc. Từ những chủ trương, quyết tâm: "Đường dây chưa thông, chưa yên lòng ăn nghỉ”; “Bắt rừng mở lối, bắt núi cúi đầu”; “Thắng địch, thắng thiên nhiên”; “Đường dây Quyết thắng”; “Đường dây Thống nhất”... trước đây được vận dụng vào nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ khoa học kỹ thuật, trang bị, khí tài hiện đại ngày nay. Các phong trào, mô hình: “Tổ, trạm thông tin làm theo lời Bác”; “Tổ đài kiểu mẫu”; “Gắn bó quân dân, tuyến cáp an toàn”; “Ca trực thanh niên”; “Ngày thanh niên lên tuyến”; “Phòng máy thanh niên tự quản”; “Tuyến cáp thanh niên kiểu mẫu”... được Lữ đoàn tổ chức rộng khắp, góp phần phát huy cao độ tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tinh thần xung kích của tuổi trẻ vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị.
Trong điều kiện phải đóng quân phân tán ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ, chiến sĩ phải chịu sự tác động nhiều mặt của đời sống xã hội, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 132 triển khai xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” với các khâu, các bước đột phá cụ thể. Trong đó lấy đột phá nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ bộ phận và công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên làm trung tâm với phương châm “Trên trước, dưới sau”; “Trong trước, ngoài sau”.
Hằng tháng, Đảng ủy Lữ đoàn yêu cầu các chi bộ, đảng ủy bộ phận không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt từ khâu chuẩn bị, tổ chức hội nghị đến triển khai thực hiện nghị quyết; quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách thực chất, toàn diện. Nhất là công tác quản lý cán bộ, đảng viên ngoài giờ hành chính, khi thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại, trong các mối quan hệ xã hội và trên không gian mạng. Đổi mới và linh hoạt trong giáo dục chính trị, giáo dục phổ biến pháp luật, tiến hành công tác tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn “coi dây như ruột, coi cột như xương", sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.
Trong huấn luyện, bảo đảm TTLL, Lữ đoàn 132 yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp tích cực nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, quản lý, chỉ huy đơn vị, điều hành, khai thác hệ thống TTLL. Nâng cấp, quy hoạch thao trường huấn luyện, triển khai hệ thống máy tính để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ huấn luyện đến 100% tổ, trạm lẻ. Tổ chức huấn luyện sát nhiệm vụ, đối tượng, phương án bảo đảm TTLL với yêu cầu huấn luyện đêm đạt 25-30% thời gian huấn luyện chuyên ngành, huấn luyện dã ngoại đạt 50% thời gian huấn luyện chiến thuật chuyên ngành. Đầu tư nâng cấp trung tâm bảo đảm kỹ thuật và 6 tổ bảo đảm kỹ thuật thông tin cơ động, đáp ứng yêu cầu sửa chữa, khắc phục sự cố trong mọi tình huống. Đồng thời đưa các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào huấn luyện và bảo đảm TTLL.
Để xây dựng hệ thống TTLL vững chắc, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 132 đã chủ động tham mưu với Binh chủng TTLL quy hoạch, phát triển hệ thống TTLL quân sự trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên phù hợp với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân của từng địa phương. Những nhiệm vụ khó như: Triển khai củng cố các tuyến trục cáp quang, xây dựng các tuyến cáp ra đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn; quy hoạch, di chuyển nâng cấp các tổng đài nút, triển khai các trạm vô tuyến điện; lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống VSAT và hệ thống chuyển mạch, truyền hình cho các đảo ở quần đảo Trường Sa... đều được Lữ đoàn 132 hoàn thành xuất sắc. Cùng với đó là hoàn thiện quy hoạch hệ thống thu phát vô tuyến điện theo chủ trương "Tổ chức phân tán, điều hành tập trung", bảo đảm hoạt động ổn định, vững chắc, thông suốt từ sở chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đến các đơn vị trên địa bàn. Kết nối các trạm thông tin trunking chiến lược với các trạm chiến dịch... nhằm phủ sóng rộng khắp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị. Tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành trung tâm truyền hình khu vực miền Trung gồm 97 điểm cầu đồng bộ với mạng truyền hình giao ban trực tuyến của Bộ Quốc phòng. Xây dựng các phân đội làm nhiệm vụ bảo đảm TTLL cơ động sẵn sàng chiến đấu, hỗ trợ, cấp cứu thông tin kịp thời, giữ vững dòng tín hiệu từ Trường Sơn đến Trường Sa.