Giữ vững mục tiêu tăng trưởng, tạo động lực phát triển

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta nói riêng. Bên cạnh đó, hạn hán, thiên tai xảy ra ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; xâm nhập mặn nghiêm trọng kéo dài tại đồng bằng sông Cửu Long. Trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức, ngành nông nghiệp hiện không hạ mục tiêu tăng trưởng mà đang tích cực đẩy mạnh sản xuất vừa phát triển thị trường, vừa chuẩn bị các điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu.

Quả vải tươi đã được xuất khẩu sang Nhật Bản sau nhiều nỗ lực đàm phán. Ảnh: Bích Nguyên

Quả vải tươi đã được xuất khẩu sang Nhật Bản sau nhiều nỗ lực đàm phán. Ảnh: Bích Nguyên

Những điểm sáng trong dịch Covid-19

Với những giải pháp phù hợp, đến nay, ngành nông nghiệp vẫn có những điểm sáng trong điều kiện chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 và thiên tai, nổi bật nhất là thắng lợi của vụ lúa Đông Xuân 2019-2020 tại Tây Nam bộ. Sản lượng lúa toàn vùng ước đạt trên 11 triệu tấn dù diễn ra trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, mức độ gay gắt hơn và duy trì trong thời gian dài, vượt mức lịch sử năm 2015-2016.

Tính chung cả nước, 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn lúa, đạt 98,5% so với cùng kỳ, qua đó vừa bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu, với giá xuất khẩu tăng gần 13%, giá trị xuất khẩu tăng khoảng 27,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, vượt qua tác động của dịch Covid-19, sản xuất thủy sản đang phục hồi. Trong 6 tháng qua, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 3,83 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tác động của dịch Covid-19 đã khiến các mặt hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu giảm mạnh. Có tới 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng; chỉ có 7% doanh nghiệp hoạt động bình thường. Mặc dù vậy, Bộ NN&PTNT vẫn quyết tâm phấn đấu đạt khoảng 12 tỉ USD, tăng 5% so với năm 2019.

Theo số liệu thống kê, 5 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 15,5 tỷ USD; giá trị xuất siêu đạt gần 3,3 tỷ USD. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh, một số mặt hàng nông sản vẫn lội ngược dòng ngoạn mục, có giá trị xuất khẩu tăng như: Cà phê đạt 1,36 tỉ USD (tăng 2,2%); rau đạt 310 triệu USD (tăng 17,5%); quế đạt 66 triệu USD (tăng 16,6%); mây, tre, cói thảm đạt 197 triệu USD (tăng 4,7%); lâm sản chính đạt 4,2 tỉ USD. Gạo là mặt hàng tăng trưởng cao nhất trong các sản phẩm nông nghiệp, đạt khoảng 1,4 tỉ USD, tăng 18,9%.

“Ngành nông nghiệp vốn đã nỗ lực, nay phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là biến “nguy” thành “cơ”; linh hoạt phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; nhất là sau khi dịch Covid-19 được khống chế” – Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 5-2020 tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Với mức giá cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu đang tăng mạnh trở lại, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm nay. Với những tín hiệu tích cực, ước tính, Việt Nam sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu 6,7 triệu tấn trong năm 2020. Giá trị xuất khẩu gạo năm 2020 dự tính có thể đạt được 3,9 tỉ USD.

Bứt tốc để tạo đà phát triển

Mặc dù gặp nhiều bất lợi từ dịch Covid-19, tác động của thời tiết cực đoan và chủ nghĩa bảo hộ, ngành nông nghiệp vẫn quyết tâm giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu cơ bản đề ra từ đầu năm. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9-3,05%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 41 tỉ USD.

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm dự báo sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020 sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam đi vào thị trường châu Âu. Đây là những tín hiệu tích cực để ngành nông nghiệp chớp lấy thời cơ duy trì tăng trưởng, tạo đà phát triển. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, biện pháp hữu hiệu nhất để ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay là tập trung chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản.

Cùng với việc xây dựng các chuỗi sản xuất, Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các địa phương và bộ, ngành đàm phán gỡ các rào cản thương mại, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Đồng thời, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực.

Mặt hàng thủy sản có nhiều lợi thế vào thị trường châu Âu khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.Ảnh: Bích Nguyên

Mặt hàng thủy sản có nhiều lợi thế vào thị trường châu Âu khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.Ảnh: Bích Nguyên

Một tin vui với ngành nông nghiệp là sau rất nhiều nỗ lực đàm phán, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19, quả vải Việt Nam đã được cấp hạn ngạch vào Nhật Bản. Đầu tháng 6-2020, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam kiểm tra, đánh giá sản phẩm, cơ sở sơ chế, đóng gói, phân tích mẫu sản phẩm tại các mã vùng trồng. Kết quả kiểm tra đều đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định của Nhật Bản. Ngày 19-6, 2 tấn vải thiều đầu tiên của Việt Nam đã được xuất sang Nhật. Sự kiện này đánh dấu việc khai mở thành công thêm thị trường khó tính cho quả vải sau thị trường Mỹ, Trung Quốc.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị để khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại đem lại cũng như đón các dự án đầu tư từ nước ngoài vào nông nghiệp. Trong đó, các mặt hàng lúa gạo, rau quả, thủy sản có nhiều lợi thế nhất do được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.

Riêng mặt hàng gạo, thực thi Hiệp định EVFTA, Liên minh châu Âu (EU) dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm với mức thuế suất về 0% đối với gạo tấm. Trong cơ cấu xuất khẩu, mặt hàng gạo đã có bước tiến đáng kể, tăng lượng gạo cao cấp, giảm lượng gạo chất lượng thấp. Hiện nay, lượng gạo cao cấp và gạo thơm chiếm trên 60% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để ngành hàng gạo tiếp tục bứt phá mang lại giá trị xuất khẩu cao hơn trong thời gian tới.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giu-vung-muc-tieu-tang-truong-tao-dong-luc-phat-trien-post430283.html