Giữ vững sự tỉnh táo cho mỗi cá nhân bằng sức mạnh tập thể

Con người là những sinh vật xã hội, có vô số những chỉ dẫn cùng sự thông thái tồn tại trong môi trường xã hội.

Tại sao chúng ta phải dựa vào trí nhớ có hạn của mình để học thuộc những con đường, để định hướng trong vùng đất mới trong khi ta có thể dựa vào những biển chỉ dẫn và tín hiệu đã được người khác sắp xếp một cách tỉ mỉ?

Freud và Jung đã quá tập trung vào mặt nội tâm của tâm lý con người mà quên đi vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn sức khỏe tinh thần con người.

Vì thế, khi bắt đầu quá trình điều trị cho bệnh nhân, tôi luôn đánh giá tình trạng của họ theo những mặt mang tính xã hội: Liệu họ có nhận được sự giáo dục phù hợp với khả năng cũng như tham vọng của bản thân không? Họ có dùng thời gian rảnh vào những việc thú vị, có ý nghĩa và hiệu quả không? Họ có lên một kế hoạch chắc chắn và rõ ràng cho tương lai chưa? Liệu họ (hay người thân của họ) có vướng phải vấn đề trầm trọng nào về sức khỏe hay kinh tế không?

Họ có bạn bè và đời sống xã hội phong phú không? Họ có một mối quan hệ thân mật bền vững và viên mãn không? Họ có duy trì được mối quan hệ thân thiết với gia đình không? Và cuối cùng, họ có một sự nghiệp (hoặc ít nhất một công việc) ổn định, vững vàng về tài chính, mang lại cho họ sự hài lòng cũng như nhiều cơ hội thăng tiến không?

Nếu câu trả lời là không cho ít nhất ba câu hỏi trên, tôi sẽ đánh giá rằng vị thân chủ của tôi chưa có một đời sống xã hội đầy đủ và họ có nguy cơ bị suy sụp về mặt tâm lý trong tương lai.

Loài người tồn tại như một tập thể chứ không phải một cá nhân đơn lẻ. Một người không cần phải quá xuất sắc để tồn tại trong tập thể; họ chỉ cần cư xử đúng mực đối với người khác. Nói một cách đơn giản là ta giải quyết vấn đề và giữ vững sự tỉnh táo cho mỗi cá nhân bằng sức mạnh của tập thể.

 Con người cần kết nối với xã hội để giữ được sự tỉnh táo. Ảnh: Goalcast.

Con người cần kết nối với xã hội để giữ được sự tỉnh táo. Ảnh: Goalcast.

Con người giữ vững sức khỏe tinh thần không chỉ nhờ sức mạnh tâm lý của bản thân mà còn nhờ được những người xung quanh nhắc nhở về cách suy nghĩ, hành xử và nói năng hợp lý.

Nếu bạn đi trượt khỏi con đường hẹp thẳng tắp của sự cư xử hợp lý, người khác sẽ phản ứng lại bằng cách chế giễu, cười cợt, nhắc nhở và thậm chí chỉ trích trước khi bạn đi quá xa. Họ sẽ nhướng mày, mỉm cười (hoặc ngược lại), và bỗng nhiên chú ý đến bạn (hoặc ngược lại).

Nói cách khác, nếu những người xung quanh có thể chấp nhận sự có mặt của bạn, họ sẽ thường xuyên nhắc nhở bạn cư xử cho phải phép đồng thời cũng mong muốn bạn làm hết mình. Vì thế, những gì bạn cần làm đơn giản là quan sát, lắng nghe và phản ứng hợp lý với tín hiệu của người xung quanh.

Như thế, bạn sẽ luôn duy trì được động lực cho bản thân cũng như sự đoàn kết tập thể và tránh được sự tuột dốc không phanh. Đây là lý do chính mà bạn nên xem trọng sự hòa nhập với thế giới xã hội (bạn bè, gia đình và cả kẻ thù) mặc dù sự tương tác xã hội bao giờ cũng chứa đựng nhiều lo âu và bất mãn.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể đi đến một sự đồng thuận rộng rãi về những hành vi xã hội giúp giữ vững sự ổn định tinh thần cho mỗi cá nhân? Đó dường như là việc khó khăn (nếu không muốn nói là không thể) khi ta xét đến tất cả những biến đổi phức tạp luôn thách thức xã hội.

Có những câu hỏi mà mọi xã hội đều phải đối mặt như: “Chúng ta có nên theo đuổi ý tưởng đó không?”, “Giá trị của điều này so với điều kia thì sao?”, “Ai là người có năng lực, sáng tạo và quyết đoán nhất để có thể được trao quyền lực?”.

Và để có thể trả lời những câu hỏi này, chúng ta luôn phải thảo luận và thương lượng căng thẳng (cả bằng lời nói và hành động) trong khuôn khổ những quy tắc về hành vi cá nhân, sự hợp tác và sự cạnh tranh.

Những điều chúng ta xem là có giá trị và quan trọng đều được hiện thực hóa trong khế ước xã hội, trong quy định thưởng phạt cho sự phục tùng hay sự phá rối, cũng như trong những biểu hiện khác để nhắc nhở ta rằng: “Đây là điều có giá trị. Hãy nhìn kỹ (và hiểu rõ) nó chứ không phải điều gì khác. Hãy theo đuổi nó và luôn hành động hướng về nó thay vì những điều khác”.

Sự tuân phục theo những chỉ dẫn và nhắc nhở chính là hiện thân của sự tỉnh táo. Và đó cũng là điều mỗi chúng ta đều bắt buộc phải làm theo từ những giai đoạn sớm nhất của đời mình. Không có sự nâng đỡ của tổ chức xã hội, chúng ta không thể nào sắp xếp tâm trí mình và sẽ nhanh chóng bị choáng ngợp trước thế giới tự nhiên.

Jordan B. Peterson / Sài Gòn Books và NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giu-vung-su-tinh-tao-cho-moi-ca-nhan-bang-suc-manh-tap-the-post1338479.html