Giữ vững thị phần dịch vụ dầu khí

Là một trong năm lĩnh vực chính, có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), song, lĩnh vực dịch vụ dầu khí hiện tồn tại những bất cập như chưa có kế hoạch tổng thể, sự tập trung, liên kết, chia sẻ,... nhằm gia tăng hiệu quả.

Người lao động PV Drillings trên giàn khoan.

Người lao động PV Drillings trên giàn khoan.

Để tận dụng thời cơ, bắt buộc doanh nghiệp phải tích cực nghiên cứu, sáng tạo và đưa ra các dịch vụ đáp ứng nhu cầu, đồng thời tận dụng triệt để các lợi thế nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển dịch vụ mới

Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường cho biết, năm 2022, đơn vị cán đích doanh thu 17.081 tỷ đồng, đạt 170,8% kế hoạch năm, tăng 15,6%; lợi nhuận trước thuế 1.174 tỷ đồng, đạt 192,4% kế hoạch, tăng 21,1% so với năm 2021.

Đạt được thành quả trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của tập thể kỹ sư, người lao động toàn hệ thống trước bối cảnh các dự án, công việc, thị trường dịch vụ dầu khí trong nước hết sức khó khăn, không còn nhiều.

Đặc biệt, doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài đạt hơn 40%, tăng nhiều so với những năm trước cho thấy nỗ lực chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thị trường nước ngoài của đơn vị là đúng hướng, bảo đảm phát triển ổn định, bền vững. Các dịch vụ do PTSC thực hiện luôn bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ, được khách hàng đánh giá cao.

Những tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục đối diện những thách thức do sự suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là xung đột địa chính trị tại một số quốc gia đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy chi phí, giá nguyên, nhiên liệu tăng cao.

Để vượt khó, doanh nghiệp buộc phải thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, triển khai tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động, kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, kinh doanh,...

Liên quan tới vấn đề trên, ông Lê Mạnh Cường khẳng định:

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp về quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,... đơn vị đã chủ động nắm bắt cơ hội kinh doanh trong xu hướng chuyển dịch năng lượng để phát triển các sản phẩm mới, mở rộng cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, đồng thời đẩy mạnh phát triển dịch vụ ra thị trường nước ngoài như khu vực Trung Đông, Ấn Độ, Malaysia,...

Qua đó, giúp doanh thu thuần của đơn vị trong sáu tháng đầu năm đạt hơn 8.415 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 557 tỷ đồng, tạo tiền đề để cán đích năm với doanh thu đạt 13,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 780 tỷ đồng, nộp ngân sách 580 tỷ đồng.

“Thời gian tới, PTSC sẽ tối đa các nguồn lực mạnh nhất nhằm phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới để phát huy thế mạnh chuỗi giá trị dựa trên lợi thế quy mô và đa dịch vụ của đơn vị nằm trong chuỗi liên kết của tập đoàn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cốt lõi bảo đảm lợi thế cạnh tranh, tích cực tham gia đấu thầu, xây dựng giải pháp kết nối hệ thống chuyên nghiệp, xúc tiến thương mại, thiết lập mối quan hệ hợp tác liên danh, liên kết phù hợp với thế mạnh của mình,...” - ông Cường nhấn mạnh.

Số liệu thống kê của PVN cho thấy, năm 2022, doanh thu lĩnh vực dịch vụ dầu khí đạt 199,8 nghìn tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch năm, chiếm 34% tỷ trọng doanh thu hợp nhất của tập đoàn và tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, lĩnh vực dịch vụ dầu khí trong những năm qua không chỉ đáp ứng tối đa thị trường ngành dầu khí, các ngành công nghiệp trong nước, mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam ra nước ngoài, bảo đảm đúng mục tiêu phát triển.

Các đơn vị dịch vụ đã từng bước khẳng định vị thế của mình về khả năng cũng như năng lực không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.

Xây dựng đơn vị dịch vụ chủ lực

Nhằm nối lại những mối liên kết còn lỏng lẻo, đứt gãy trong hệ thống, cũng như tạo ra sự gắn kết để phát huy nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh..., PVN đã nghiên cứu, xây dựng danh mục sản phẩm, dịch vụ chiến lược nhằm tập trung nguồn lực, tổ chức thực hiện.

Từ đó, các chuỗi giá trị của Tập đoàn ngày càng khẳng định hiệu quả, giúp tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiêu biểu trong chuỗi giá trị là hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa PVGas và PVOil về sản xuất thành phẩm xăng nền, dầu đi-ê-den để đưa ra thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của cả hai bên từ việc chế biến sản phẩm dầu khí, tăng nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Hay chuỗi khí-điện-cảng dịch vụ; chuỗi khai thác, vận chuyển và chế biến sâu khí mỏ Sư Tử Trắng pha 2B và sử dụng cho các dự án chế biến hóa dầu của PVN; PVMTC, PV Power, PVChem ký kết thỏa thuận hợp tác chuỗi cung ứng các hoạt động dịch vụ trong ngành,...

Bên cạnh những thành quả đạt được, công tác dịch vụ của doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc như một số loại hình dịch vụ còn chồng chéo; sự phối hợp, hỗ trợ cùng phát triển còn chậm, việc liên kết giữa các đơn vị trong cùng tập đoàn để đáp ứng các dịch vụ dầu khí còn hạn chế,...

Đánh giá về vấn đề này, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho rằng, trước tốc độ chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp cần có những định hướng triển khai cụ thể để thích nghi, đồng thời tận dụng cơ hội gia tăng doanh thu thông qua khai thác năng lực và công nghệ dầu khí trong một số lĩnh vực có lợi thế với dịch chuyển năng lượng như: Gia công chế tạo; lắp đặt các công trình khai thác dầu khí và hệ thống khai thác, vận chuyển dầu khí (EPCI); O&M và khoan,...

Nhu cầu dịch vụ cho lĩnh vực E&P sẽ tăng đột biến từ nay đến năm 2030 trước áp lực của xu hướng chuyển dịch năng lượng. Tốc độ đầu tư trong lĩnh vực tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, đã vượt năng lượng hóa thạch sẽ tạo nhu cầu lớn cho dịch vụ kỹ thuật.

PVN đang hướng tới trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng, do đó, lĩnh vực dịch vụ dầu khí cần trở thành lĩnh vực dịch vụ năng lượng và công nghiệp. Muốn làm được điều đó, PVN cần điều chỉnh, tạo ra các mô hình kinh doanh nhằm sử dụng tài sản đầu tư một cách hiệu quả hơn và tăng tính kết nối giữa các nguồn lực tại các đơn vị.

Trong đó, mục tiêu chính là cần tiếp tục giữ vững thị phần các dịch vụ dầu khí truyền thống, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng dịch vụ dầu khí.

Do vậy, người đại diện tổ chức hoàn thành phương án tái cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí, bảo đảm vai trò là lĩnh vực kết nối các hoạt động; khẩn trương hoàn thành danh mục sản phẩm dịch vụ chủ lực của tập đoàn theo từng giai đoạn; hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ thông qua đầu tư vốn và người đại diện; đồng thời, nâng cao mô hình quản trị phân cấp, phân quyền linh hoạt cho người đại diện của PVN tại các đơn vị cũng như thường xuyên đánh giá và đề xuất triển khai các chuỗi liên kết giá trị; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển cơ sở vật chất để hướng tới hình thành các đơn vị dịch vụ chủ lực, có năng lực cạnh tranh mạnh, làm đầu tàu, đủ sức gánh vác những dự án có quy mô lớn của tập đoàn cũng như trên thị trường quốc tế.

Theo Báo Nhân dân

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giu-vung-thi-phan-dich-vu-dau-khi-693899.html