Giữ vững 'vùng xanh', phát triển kinh tế

Bảo đảm 'mục tiêu kép' vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế luôn được lãnh đạo huyện Đức Huệ, tỉnh Long An nhấn mạnh và chỉ đạo các phòng, ban, xã, thị trấn thực hiện. Từ tinh thần, yêu cầu này, huyện không chỉ giữ vững 'vùng xanh' mà còn thực hiện hiệu quả nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra.

Cắt băng khánh thành 8 cầu nông thôn trên địa bàn

Cắt băng khánh thành 8 cầu nông thôn trên địa bàn

“Dịch bệnh Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức đối với địa phương. Nhưng trong bối cảnh đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có sự nhạy bén, giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ, giải quyết”- Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong chia sẻ.

Đồng bộ các giải pháp

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, huyện Đức Huệ chủ động đánh giá rõ những mối nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh để có phương án, giải pháp phòng ngừa. Nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ công tác phòng, chống dịch, điều trị được chuẩn bị, huy động, bố trí kịp thời. Đặc biệt, dọc tuyến biên giới được thành lập, bố trí các tổ, chốt, huy động thêm lực lượng để phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả theo chỉ đạo của cấp trên.

“Việc kiểm soát chặt chẽ, nắm chắc địa bàn đã góp phần ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài; mặt khác, giúp kịp thời, nhanh chóng truy vết nguồn lây để khoanh vùng dập dịch” - Thượng tá Trần Bình Trọng - Trưởng Công an huyện Đức Huệ, cho biết.

Để phòng, chống dịch được hiệu quả cao nhất thì cốt lõi là phải tạo được sự đồng lòng, hỗ trợ của chính người dân. Theo đó, các cấp, các ngành, đoàn thể ở huyện tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân. “Huyện đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh với phương châm “chống dịch như chống giặc”; lấy xã, phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”. Cũng từ đó, huyện đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, giữ vững “vùng xanh”” - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Huệ - Phạm Thị Châu Hoàng bày tỏ.

Cùng với phòng, chống dịch, huyện luôn quan tâm chăm lo đời sống cho người dân. “Phải chăm lo cho dân đến nơi, đến chốn, tuyệt đối không để ai bị đói, bị bỏ lại phía sau trong đại dịch” - Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong luôn nhấn mạnh khi chỉ đạo.

Với tinh thần đó, huyện xây dựng các kế hoạch, phương án để thực hiện. Đơn cử như trong bối cảnh chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, yêu cầu người dân ở yên trong nhà, hạn chế ra ngoài thì việc cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men ra sao? Khi người dân có những tình huống đột xuất như đau ốm cần cấp cứu, phụ nữ mang thai cần đi viện để sinh con thì hỗ trợ thế nào cho nhanh chóng nhất?...

Phiên chợ 0 đồng hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn

Phiên chợ 0 đồng hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn

Xuất phát từ những thực tiễn đặt ra, các địa phương trong huyện chủ động thành lập các tổ, nhóm phòng, chống dịch trong cộng đồng; các đội tình nguyện viên đi chợ giúp dân; các ngành, đoàn thể phối hợp vận động các nguồn lực đóng góp để hỗ trợ người dân trong vùng cách ly, phong tỏa và thực hiện các Phiên chợ 0 đồng cung cấp rau, củ, quả miễn phí cho người dân,... Trong những thời điểm dịch bệnh xảy ra, người dân ở huyện đã đoàn kết và có những hoạt động, đóng góp, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn rất chân thành, lan tỏa yêu thương, tình người trong cuộc sống.

Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Theo Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Đức Huệ - Võ Văn Á, các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, an sinh xã hội được triển khai, thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đến giữa tháng 12-2021, huyện đã triển khai hỗ trợ cho hơn 2.250 người bán vé số, lao động tự do. Ngoài ra, huyện còn huy động các nguồn lực xã hội hóa trị giá hơn 11 tỉ đồng để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, khu cách ly, tặng quà động viên lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch.

Tính đến cuối tháng 11, toàn huyện ghi nhận gần 450 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó chỉ có 79 ca nhiễm trong cộng đồng và chỉ có 3 trường hợp tử vong. Trong khi đó, huyện đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân bảo đảm theo kế hoạch đề ra. Từ sự chủ động, linh hoạt trong phòng, chống dịch, huyện đã giữ vững “vùng xanh”. Kết quả này không chỉ kéo giảm thiệt hại mà còn góp phần quan trọng để huyện nhanh chóng phục hồi kinh tế khi cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Thời gian qua, huyện thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cũng rất tốt (Nghị quyết số 128 của Chính phủ).

“Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 có sự đóng góp rất lớn và quan trọng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Đặc biệt là những đóng góp, hy sinh của lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch như y, bác sĩ, công an, bộ đội,... luôn được nhắc đến với lòng tri ân, biết ơn sâu sắc” - chị Trần Thị Thủy (xã Mỹ Bình) bày tỏ.

Chia sẻ với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong cho biết: “Huyện luôn xác định thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Với sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành, sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân nên KT-XH của huyện đã đạt những kết quả quan trọng”.

Thông tin từ UBND huyện, năm 2021, địa phương đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu đã đề ra. Huyện còn có thế mạnh sản xuất nông nghiệp (lúa, chanh, nuôi bò); năm 2021, sản lượng lúa đạt hơn 256.348 tấn, trong đó sản lượng lúa chất lượng cao đạt 135.000 tấn; có hơn 2.700ha chanh, trong đó hoàn thành quy hoạch vùng trồng chanh ứng dụng công nghệ cao diện tích 620ha. Đối với chăn nuôi bò hiện có gần 9.500 con, trong đó có 3.400 con trong mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao,... Ngoài ra, năm 2021, thu ngân sách đạt 138,2 tỉ đồng (chỉ tiêu hơn 128,2 tỉ đồng), số hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới giảm gần 18% so với năm 2020 (chỉ tiêu giảm 10%),...

Sản lượng lúa năm 2021 vượt kế hoạch đề ra

Sản lượng lúa năm 2021 vượt kế hoạch đề ra

Ngoài thế mạnh nông nghiệp, vài năm trở lại đây, kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường kết nối vùng được đầu tư đã mở ra cho huyện nhiều cơ hội phát triển, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 6 nhà máy điện năng lượng mặt trời đi vào hoạt động; 1 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp; 6 nhà máy sản xuất gạch. Ngoài ra, theo quy hoạch được phê duyệt, trên địa bàn huyện có 1 Khu công nghiệp Trường Hải (hơn 162ha) tại xã Mỹ Thạnh Bắc và Mỹ Thạnh Tây; 1 Cụm công nghiệp Đại Quang (50ha) ở xã Mỹ Quý Tây. Hiện những dự án này tiến hành các thủ tục, lập quy hoạch xây dựng, lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Với những chính sách thuận lợi, có thế mạnh tài nguyên đất đai dồi dào, có Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây, giáp với 2 huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh là Đức Hòa và Bến Lức, giáp với Tây Ninh, cách TP.HCM cũng không xa nên Đức Huệ đang trở thành vùng đất hứa hẹn nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, cải thiện kết cấu hạ tầng; trong đó tiếp tục kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối vùng./.

Đức Hạnh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/giu-vung-vung-xanh-phat-trien-kinh-te-a128614.html