Giữa 'bão' lạm phát, hàng nội gặp thêm sức ép trên 'sân nhà'

Thị trường đầu ra bị thu hẹp do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, nhiều ngành hàng trong nước đối mặt thêm khó khăn vì phải cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm nhập khẩu. Đáng lo ngại, một số ngành hàng đứng trước nguy cơ mất thị phần, thương hiệu và rơi vào cảnh rớt giá, thua lỗ trầm trọng…

Trong cuộc họp báo diễn ra hồi đầu tháng 3 vừa qua, ông Piotr Ziemann, Trưởng Chương trình Hiệp hội những người bán thịt và sản xuất thịt của Cộng hòa Ba Lan vui mừng cho biết, đây là lần thứ 6 quay trở lại Việt Nam để quảng bá sản phẩm.

Nỗi lo mất thị phần

Ông Piotr Ziemann chia sẻ thêm, tuy chưa khảo sát các siêu thị ở Hà Nội, nhưng tại TP. Hồ Chí Minh, ông thấy 90% sản phẩm thịt heo nhập khẩu có nguồn gốc từ Ba Lan. Cùng với đó, Ba Lan đã bán sang Việt Nam khoảng 40 container rau quả, trong đó có quả mâm xôi và các sản phẩm quả ôn đới ở châu Âu. Tại Hội chợ Vietnam Expo 2023, đã có 3 đối tác Việt Nam muốn trở thành nhà phân phối hoa quả đông lạnh của Ba Lan tại thị trường Việt Nam.

Táo nhập khẩu từ Nhật Bản có giá vài trăm nghìn đồng/kg vẫn thu hút người tiêu dùng trong nước.

Táo nhập khẩu từ Nhật Bản có giá vài trăm nghìn đồng/kg vẫn thu hút người tiêu dùng trong nước.

"Năm ngoái, 20 tấn gia cầm từ Ba Lan sang Việt Nam đã được tiêu thụ sạch! Ba Lan là quốc gia sản xuất thực phẩm gia cầm lớn nhất và ngon nhất châu Âu", ông Mariusz Szymkowiak, chuyên gia dự án sản xuất, chế biến thịt bò, heo, gia cầm Ba Lan thông tin thêm.

Câu chuyện nhập khẩu sản phẩm gia cầm trở nên nóng hơn khi vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Nguyễn Thanh Sơn phản ánh có thông tin gà thải loại của Thái Lan vận chuyển đường bộ qua Lào vào Việt Nam số lượng khá lớn. "Không chỉ vậy, tôi rất ngạc nhiên trong bản thống kê, Việt Nam nhập khẩu cả da gà, lòng mề, cổ cánh. Nhập khẩu quá nhiều gây áp lực cho thị trường tiêu thụ trong nước đang thừa cung”, ông Sơn nói.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 130,46 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 271,36 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu thịt trâu, thịt heo, thịt bò có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt gia cầm tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Không chỉ rau quả, gia cầm, mà ngành điều - vốn Việt Nam được đánh giá là quốc gia chế biến hàng đầu thế giới, cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có văn bản gửi tới Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để phản ánh về việc hơn 10.158 tấn nhân điều được nhập vào Việt Nam trong tháng 1 và tháng 2 sẽ tương đương gần 44.000 tấn hạt điều thô. Còn năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đã có 78.583 tấn nhân điều được nhập vào Việt Nam tương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô, lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong một năm qua.

Theo Vinacas, nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp với hạt điều thô trong nước, do giá thành chế biến, nhập khẩu không cao nên dễ dàng điều chỉnh giá bán do người nhập khẩu có lợi nhuận cao sẽ khiến giá điều thô trong nước chịu áp lực giảm giá lớn.

Lấy lại vị thế bằng cách nào?

Trước tình trạng trên, Vinacas đề nghị không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam; áp thuế suất 25% với hạt điều đã bóc vỏ; áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam.

Trên thực tế, đây là một số trong rất nhiều câu chuyện về nỗi lo hàng nội bị mất thị phần trên chính "sân nhà", bởi ngay các sản phẩm may mặc, da giày – Việt Nam được đánh giá có lợi thế xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng ở thị trường nội địa lại chưa thể chiếm lĩnh.

Theo Bộ Công Thương, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng.

Đại diện một siêu thị tại Hà Nội chỉ ra nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm may mặc, giày dép Việt... lép vế ở sân nhà: Nhiều hàng nhập khẩu bày bán ở siêu thị dù chất lượng không cao hơn hàng Việt nhưng lại vượt hẳn về kiểu dáng, mẫu mã. Sự bắt mắt, nổi trội về mẫu mã, kiểu dáng bao bì đã giúp hàng nhập khẩu được khách hàng đón nhận mua sắm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt, Sáng lập Thương hiệu thời trang V-SIXTYFOUR, cho hay thị trường sân nhà được xem là bệ đỡ giúp các doanh nghiệp dệt may vượt qua khó khăn trong khi xuất khẩu bị suy giảm. Dù có kinh nghiệm "chinh chiến" ở các thị trường khó tính như EU, Mỹ… song ông không giấu nỗi lo lắng, trăn trở khi đưa sản phẩm may mặc tiếp cận người Việt.

Ông Việt chia sẻ: Nhiều thương hiệu thời trang nhanh như H&M, Zara không ngừng mở rộng hệ thống phân phối bất chấp bối cảnh COVID-19 vì họ có nguồn tài chính tốt, nhận định thị trường phục hồi nhanh sau đại dịch. Doanh nghiệp may mặc Việt cũng nhìn ra được điều này nhưng để mở rộng, nắm bắt cơ hội lại không hề dễ như doanh nghiệp ngoại.

Theo đó, Sáng lập Thương hiệu thời trang V-SIXTYFOUR kiến nghị, cần quy hoạch và hình thành Trung tâm thiết kế thời trang tại TP.HCM (địa phương đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước). Đây là “sân chơi” cho các nhà thiết kế, các doanh nghiệp thời trang khu vực phía Nam và của cả nước, nơi tập trung các sự kiện thời trang, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách Việt đến tham quan tìm hiểu, mua sắm.

Trung tâm thời trang có thể được xem là hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông qua các chức năng chính: đào tạo thiết kế, giới thiệu nguyên phụ liệu, quảng bá sản phẩm thương hiệu, khu lưu trú cho người lao động, giúp tạo động lực phát triển ngành dệt may. Trong đó, chú trọng chức năng đào tạo nhân lực để có thể “sản sinh” các nhà thiết kế giỏi, xây dựng được thương hiệu riêng, nâng cao chuỗi giá trị và khẳng định vị thế doanh nghiệp dệt may Việt Nam ở thị trường trong nước và trên bản đồ dệt may thế giới.

Ông Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Việt Nam có đường biên giới cả trên đất liền lẫn trên biển đều rất dài, điều này luôn chịu nguy cơ sản phẩm thịt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng có thể được đưa qua biên giới. Bên cạnh đó, thị hiếu người dân Việt Nam là thích thịt đùi gia cầm hoặc những phần thịt dai. Điều này ngược so với đa số các nước trên thế giới là thích phần ức gà, do vậy vì lý do khách quan và chủ quan, một số vụ vi phạm có thể xảy ra. Hiện, hệ thống thú y và các đơn vị liên quan vẫn đang giám sát chặt thịt gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam.

Ông Bạch Khánh Nhựt

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas)

Các loại nhân điều nhập về hầu hết có chất lượng thấp, khi xuất đi sẽ làm giảm chất lượng chung của ngành điều Việt Nam, làm mất dần uy tín và thị phần của điều nhân Việt Nam trên thương trường quốc tế, làm mất đi một “Thương hiệu quốc gia” được dày công xây dựng trong nhiều năm qua. Do đó, hạt điều thô Việt Nam sẽ ngày càng khó tiêu thụ. Mặt khác, việc các nhà máy chế biến của Việt Nam thu hẹp dần sản xuất cũng đồng thời sẽ là vùng nguyên liệu bị thu hẹp; đời sống của hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng điều sẽ gặp khó khăn.

Bà Trần Thị Phương Lan

Bà Trần Thị Phương Lan

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội

Để phát triển thị trường nội địa, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng. Người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý là chọn các sản phẩm có mẫu mã đẹp phù hợp với văn hóa tiêu dùng. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt là mẫu mã, bao bì chưa sang trọng, tinh tế, khiến sản phẩm kém lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa nước ngoài.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/giua-bao-lam-phat-hang-noi-gap-them-suc-ep-tren-san-nha-1092424.html