Giữa căng thẳng thương chiến với Mỹ, Trung Quốc chuyển hướng sang châu Âu
Bắc Kinh nỗ lực làm mới lại các mối quan hệ của mình với 'lục địa già' châu Âu.
Sau một năm dồn sức đối phó với cuộc chiến thương mại với Washington do Mỹ phát động, để giảm phần nào áp lực, gần đây Bắc Kinh cũng nỗ lực làm mới lại các mối quan hệ của mình với “lục địa già” châu Âu. Hàng loạt các cuộc gặp gỡ, trao đổi quan trọng với Brussels đã được lên kế hoạch và khởi động.
2020 sẽ là dấu mốc chuyển hướng
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc đang chuẩn bị hướng sự chú ý đầy đủ hơn của mình tới châu Âu, tăng cường cam kết với Liên minh châu Âu ngay cả khi Bắc Kinh mới chỉ phác thảo được các điều khoản của thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời với Hoa Kỳ. Bắc Kinh - Brussels trong tháng này đã ký kết được thỏa thuận chỉ dẫn địa lý được chờ đợi từ lâu cho 100 sản phẩm cụ thể, bất chấp áp lực rất lớn từ Hoa Kỳ vì Washington lo ngại tác động của nó đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
Trong năm vừa qua, các cuộc gặp gỡ quan trọng giữa các nhà lãnh đạo cao cấp của Bắc Kinh và nhiều nước châu Âu đã bị hủy bỏ, đơn cử một hội nghị thượng đỉnh song phương Trung Quốc - EU vào tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, tình hình đã có cải thiện và thay đổi kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 11. Nhân sự kiện này, Trung Quốc đã phát hành 4 tỷ euro (4,4 tỷ USD) trái phiếu có chủ quyền ở Paris. Đây là động thái đầu tiên trong vòng 15 năm qua và cũng là lần phát hành lớn, duy nhất về ngoại tệ mà nước này từng thực hiện.
Theo nhận định một nhà ngoại giao được báo SCMP dẫn lời, Trung Quốc vào thời điểm bắt đầu thương chiến rất lo lắng trước khả năng Mỹ và châu Âu cùng hợp sức gia tăng áp lực nhằm vào mình khi cả Hoa Kỳ và EU đều bất bình và có chung quan điểm về việc Bắc Kinh chậm mở cửa thị trường, không có sân chơi bình đẳng và không tuân thủ nghiên túc quyền sở hữu trí tuệ. Chính quyền Bắc Kinh cảm thấy rất vui mừng và được giải tỏa khi gần đây EU tuyên bố rằng “lục địa già” sẽ không tham gia vào các cuộc tranh chấp giữa Washington và Bắc Kinh và họ cũng không đồng ý với cách tiếp cận của Hoa Kỳ trong việc áp đặt các rào cản thuế quan, thách thức chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Công nghệ 5G Trung Quốc và áp lực Mỹ
Trong khi đó, châu Âu cũng đang phải đối mặt với những căng thẳng đang gia tăng với Mỹ về hàng loạt vấn đề, trong đó có an ninh thương mại, biến đổi khí hậu... Nói cách khác, lòng tin giữa Mỹ và các đồng minh trong EU đang bị lung lay, đặc biệt là kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Nhà Trắng.
“Trong khi đó, Trung Quốc đã nhận ra rằng, nước này vẫn chưa tham gia vào một cuộc thảo luận nghiêm túc với EU về cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới nơi Mỹ đang và sẽ không còn mặn mà gì nữa. Tình hình có thể thay đổi vào năm tới khi Bắc Kinh mở rộng chính sách đối ngoại vượt khỏi ranh giới ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ”, một nhà ngoại giao Trung Quốc nói.
“Trung Quốc cần mở rộng không gian để xây dựng các mối quan hệ quốc tế đa dạng, đặc biệt là với các đối tác lớn như châu Âu, Nga và Ấn Độ. Chúng ta không nên tự xoắn tay vì căng thẳng với Mỹ”, chuyên gia Phương Hoàng Bình, Phó giám đốc Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc nói tại một diễn đàn vừa tổ chức tại Bắc Kinh cách đây vài ngày.
Theo ông Phương Hoàng Bình, công nghệ mạng internet 5G của Trung Quốc sẽ là nền tảng hình thành nên mối quan hệ Trung Quốc - châu Âu và quan hệ châu Âu - Hoa Kỳ. Vị chuyên gia nhấn mạnh điều này khi đề cập đến áp lực dai dẳng của Mỹ đối với các quốc gia thành viên EU trong việc ngăn chặn công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc (tập đoàn Huawei - PC) được phép triển khai công nghệ của mình vào việc xây dựng và khai thác thị trường 5G ở châu Âu.