Giữa 'cơn sốt' lithium hỗn loạn, doanh nghiệp Trung Quốc bất đắc dĩ chơi nước cờ mạo hiểm?

Doanh nghiệp Trung Quốc có thể gặp rủi ro khi chi hàng tỷ USD để mua cổ phần tại các công ty khai thác lithium. Tuy nhiên, nếu thành công, họ có thể bảo đảm quyền tiếp cận 1/3 năng lực sản xuất mỏ lithium của thế giới vào năm 2025.

Trung Quốc tăng cường mua cổ phần tại các mỏ lithium trên khắp thế giới. Trong ảnh, dự án lithium Mount Marion ở Tây Australia - nơi công ty Ganfeng Lithium của Trung Quốc có cổ phần. (Nguồn: Ganfeng Lithium)

Trung Quốc tăng cường mua cổ phần tại các mỏ lithium trên khắp thế giới. Trong ảnh, dự án lithium Mount Marion ở Tây Australia - nơi công ty Ganfeng Lithium của Trung Quốc có cổ phần. (Nguồn: Ganfeng Lithium)

Tìm kiếm nguồn cung khắp thế giới

Theo báo The Wall Street Journal, nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung kim loại của Trung Quốc đang thúc đẩy nước này mua cổ phần trong các mỏ trên khắp thế giới.

Trung Quốc đã “thống trị” lĩnh vực tinh luyện lithium từ lâu. Tuy nhiên, khi đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng ở các nước phương Tây, các công ty Trung Quốc ráo riết giành thị phần lớn hơn trong cung cấp kim loại này của thế giới. Cách làm của họ là tăng cường mua cổ phần tại các mỏ trên khắp thế giới.

Đó là một chiến lược mạo hiểm. Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD để mua cổ phần tại các quốc gia có lịch sử bất ổn về chính trị. Các dự án thường phải đối mặt với sự phản đối, sự chậm trễ theo quy định và thậm chí là phải hủy bỏ.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh thành công, họ có thể đảm bảo quyền tiếp cận 1/3 năng lực sản xuất mỏ lithium cần thiết của thế giới vào năm 2025.

Lithium, một kim loại mềm, màu bạc, là một thành phần trong pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho xe điện và điện thoại thông minh. Theo công ty nghiên cứu Benchmark Mineral Intelligence, một công ty tư vấn có trụ sở tại London, vào cuối thập niên này, nhu cầu lithium có thể vượt xa nguồn cung khoảng 300.000 tấn.

Nỗ lực của Trung Quốc nắm giữ nhiều lithium trên thế giới xuất phát từ lo ngại rằng ngành công nghiệp xe điện đang bùng nổ của nước này có thể gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn cung khi căng thẳng với Mỹ và các đồng minh Mỹ gia tăng. Canada và Australia, nắm giữ trữ lượng lithium lớn nhất thế giới, gần đây đã chặn các khoản đầu tư mới của Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia.

Bà Susan Zou, Phó Chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng có trụ sở tại Na Uy Rystad Energy, cho biết, Trung Quốc - quốc gia chỉ có 8% trữ lượng lithium của thế giới - không có lựa chọn nào khác ngoài cách làm trên.

Theo dữ liệu tổng hợp, trong hai năm qua, các công ty Trung Quốc đã chi 4,5 tỷ USD để mua cổ phần trong gần 20 mỏ lithium, hầu hết ở Mỹ Latinh và châu Phi.

Chúng bao gồm các khoản đầu tư vào các quốc gia như Mali và Nigeria - nơi phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh từ chủ nghĩa khủng bố và Zimbabwe, Mexico, Chile - các nước đang cố gắng giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với tài nguyên khoáng sản của họ.

Bước đi đầy thách thức

Vào tháng 12/2022, Zimbabwe đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lithium chưa qua chế biến, buộc các công ty nước ngoài phải xử lý tại chỗ. Vào tháng 2 năm nay, chính phủ Mexico đã ký nghị định đẩy nhanh quá trình quốc hữu hóa trữ lượng lithium của đất nước. Vào tháng 4 vừa qua, Tổng thống Chile đề xuất rằng, các công ty tư nhân sẽ phải hợp tác với một công ty nhà nước nếu họ muốn khai thác lithium ở nước này.

Chile, cùng với Bolivia và Argentina, đang thảo luận về việc thành lập một liên minh lithium, tương tự như của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Bolivia, quốc gia ghi rõ việc quốc hữu hóa tài nguyên khoáng sản trong hiến pháp của mình, là một trong những nơi Trung Quốc đang đầu tư mạnh. Nước này có khoảng 1/5 nguồn lithium của thế giới, nhưng có lịch sử hủy bỏ các thỏa thuận về lithium với các công ty nước ngoài.

Tại Potosi, khu vực có một số mỏ muối của Bolivia, nhiều cư dân đã cảnh giác với những đối tác bên ngoài tìm cách khai thác tài nguyên của họ. Vào năm 2019, một thỏa thuận khai thác lithium với một công ty Trung Quốc bị đình trệ sau khi Tổng thống lúc đó là Evo Morales, người ủng hộ dự án, bị lật đổ.

Cùng năm đó, Bolivia đã đưa ra một thỏa thuận khác giữa công ty lithium thuộc sở hữu nhà nước Yacimientos de Litio Bolivianos, hay YLB, và một công ty của Đức sau các cuộc biểu tình kéo dài của người dân địa phương đòi mức tiền bản quyền cao hơn từ bất kỳ doanh số bán lithium nào sau đó.

Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đang thúc đẩy các dự án mới ở nước này. Vào tháng 1/2023, Công ty TNHH Công nghệ Amperex đương đại (CATL) của Trung Quốc, nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, cho biết họ đang đứng đầu một tập đoàn trong liên doanh với YLB.

Ủy ban dân sự của Potosi, một liên minh gồm các hiệp hội và tổ chức xã hội, đã chỉ trích sự thiếu minh bạch trong quá trình lựa chọn. Bolivia yêu cầu các công ty tham gia viết đề xuất và chứng minh khả năng của họ, nhưng kết quả không bao giờ được công khai.

Các chuyên gia về lithium cho biết, liên doanh không có khả năng đạt được mục tiêu sản xuất 25.000 tấn lithium carbonate (Li2CO3) cấp pin vào năm 2024.

Ông Diego von Vacano, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Texas A&M và là cựu cố vấn của chính phủ Bolivia, cho biết, việc khai thác thậm chí sẽ không bắt đầu cho đến khi chính phủ thông qua luật mới cho phép các công ty nước ngoài tham gia khai thác lithium.

Chọn cách hợp tác cùng có lợi

Trong một cuộc họp thường niên của các nhà lập pháp vào tháng Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ trích bản chất hỗn loạn của cơn sốt lithium ở Trung Quốc và kêu gọi các công ty nước này cần tìm hiểu rõ hơn về thị trường mà họ đang tham gia trước khi đầu tư nhiều hơn.

Bolivia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới. (Nguồn: New York Times)

Bolivia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới. (Nguồn: New York Times)

Bất chấp những thách thức mà họ phải đối mặt, các công ty tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có lợi thế hơn so với các đối tác phương Tây. Chẳng hạn, CATL là một công ty khổng lồ về pin, với sự hậu thuẫn của chính phủ và một mạng lưới mạnh mẽ các công ty dọc theo chuỗi cung ứng.

Ông Emilio Soberón, nhà phân tích từ công ty tư vấn khoáng sản SFA Oxford, cho biết: “Nếu ai đó có thể làm được thì đó là các công ty Trung Quốc”.

Các nhà phân tích cho biết, các nước đang phát triển thích hợp tác với các công ty Trung Quốc chủ yếu quan tâm đến bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu thô ổn định thay vì chỉ khai thác với chi phí thấp và bán với giá cao. Điều này có nghĩa là họ có thể bảo đảm cho các nước chủ nhà một nguồn thu nhập ổn định.

Các công ty Trung Quốc cũng đã cố gắng thu hút các khoản đầu tư như một cách để giúp các quốc gia này phát triển. Tại lễ ký kết vào tháng 1, Tổng thống Bolivia Luis Arce cho biết tập đoàn do CATL đứng đầu sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào giai đoạn đầu tiên của dự án, dành cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả đường sá và điện.

Tập đoàn tài nguyên Sinomine, đã mua lại một mỏ lithium ở Zimbabwe với giá 180 triệu USD, hứa hẹn tạo ra hơn 1.000 việc làm mới, cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương như điện, đường và cầu.

Nhà kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics châu Phi Jee-A van der Linde cho biết, trên thực tế, các công ty Trung Quốc được coi là đối tác đầu tư rõ ràng ở đất nước Zimbabwe thiếu tiền mặt. Nhiều công ty phương Tây rút tài sản của họ ở Zimbabwe, quốc gia đã bị Mỹ và EU trừng phạt trong hơn hai thập niên, nhưng các công ty Trung Quốc ít bị cản trở bởi những lo ngại như vậy.

Những người mới đến mong muốn lập thân ở châu Phi có thể quay trở lại với một mạng lưới lâu đời gồm các công ty và công nhân Trung Quốc hoạt động trong khu vực.

Công ty khai thác mỏ Australia Prospect Resources đã bán 87% cổ phần của mình trong mỏ lithium đá cứng Arcadia ở Zimbabwe cho Zhejiang Huayou Cobalt của Trung Quốc với giá 378 triệu USD vào tháng 4/2022.

Ông Sam Hosack, Giám đốc điều hành của Australia Prospect Resources, cho biết, người Trung Quốc đã làm chủ môi trường hoạt động ở Zimbabwe, giống như họ đã làm ở nhiều quốc gia châu Phi khác.

Rủi ro thực sự đối với các công ty Trung Quốc trong cơn sốt lithium có thể là vấn đề tài chính. Một số nhà phân tích chỉ ra rằng, vào giữa những năm 2000, khi giá cả hàng hóa tăng vọt thì các công ty đến từ quốc gia Đông Bắc Á lại vung tiền để tích trữ nguồn cung cấp hàng hóa dài hạn như quặng sắt hoặc nhôm, sau đó lại bán đi khi giá giảm.

Ông Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn và truyền thông Teneo cho biết, tư duy về sự khan hiếm tương tự hiện đang tràn ngập các cuộc thảo luận chính sách xung quanh các khoáng sản quan trọng, có khả năng tạo tiền đề cho một vòng đầu tư đáng ngờ khác.

Được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu về xe điện của Trung Quốc, giá lithium tăng hơn 500% trong hai năm qua nhưng đã giảm trở lại trong năm nay xuống chưa đến một nửa mức giá kỷ lục trước đó.

(theo Wall Street Journal, TTXVN)

VT.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giua-con-sot-lithium-hon-loan-doanh-nghiep-trung-quoc-bat-dac-di-choi-nuoc-co-mao-hiem-228545.html