Giữa guồng quay khốc liệt

V-League 2021 dù chưa đi hết một nửa chặng đường, nhưng đã trải qua vô vàn biến động khó lường.

V-League 2021 dù chưa đi hết một nửa chặng đường, nhưng đã trải qua vô vàn biến động khó lường.

Thay tướng hàng loạt

Sau 12 vòng, V-League đã chứng kiến tám huấn luyện viên (HLV) mất việc: Phan Thanh Hùng (Becamex Bình Dương), Phạm Minh Đức (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), Chu Đình Nghiêm, Hoàng Văn Phúc (Hà Nội), Vũ Tiến Thành, Masahiro Shimoda (Sài Gòn), Ngô Quang Trường (Sông Lam Nghệ An) và mới nhất là Lê Huỳnh Đức (Đà Nẵng). Số HLV có nguy cơ bị sa thải đang có dấu hiệu gia tăng khi cuộc đua trụ hạng sẽ diễn ra rất khốc liệt ở giai đoạn hai.

Trong số tám cái tên kể trên, HLV Lê Huỳnh Đức (ảnh nhỏ) là “tượng đài” với 12 năm dẫn dắt Câu lạc bộ (CLB) Đà Nẵng. Rồi ông thầy Minh Đức, người được coi như “khai quốc công thần” của đội Hà Tĩnh cũng đã nói lời chia tay. Còn HLV thành công nhất lịch sử của Hà Nội - Chu Đình Nghiêm, phải ra đi sau chuỗi bảy trận đầu mùa bết bát.

SLNA đứng trước nguy cơ lần đầu xuống hạng.

Điển hình như ông Masahiro Shimoda, cựu Giám đốc kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, đã bị thay thế chỉ sau ba trận, đủ thấy áp lực khủng khiếp của V-League 2021. Mật độ các trận dày đặc cùng thể thức thi đấu mới khiến các đội bóng có rất ít cơ hội sửa sai. Khoảng cách giữa đội hạng sáu và bảy chỉ là một điểm, nhưng đó là lằn ranh giữa “thiên đường và địa ngục”.

Việc chỉ sáu đội dẫn đầu mới giành quyền cạnh tranh ngôi vô địch, số còn lại sẽ phải chiến đấu cật lực để trụ hạng khiến các CLB sẵn sàng “trảm” tướng khi thành tích không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, ngoại trừ Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, các đội bóng còn lại vẫn chưa hết khủng hoảng sau khi bổ nhiệm “thuyền trưởng” mới. Phải chăng, việc thay tướng giờ đã không còn giúp đổi vận?

Truyền thống và biểu tượng

Từ năm 1980, khi bóng đá Việt Nam bước sang giai đoạn chuyên nghiệp, Sông Lam Nghệ An (SLNA) là đội bóng duy nhất góp mặt đầy đủ ở 21 mùa giải. Hai chức vô địch V-League của họ chỉ ngang bằng SHB Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai, kém xa Becamex Bình Dương hay CLB Hà Nội. Tuy nhiên, giá trị của đội bóng này nằm ở tính biểu tượng. Hơn 20 năm qua, SLNA là thương hiệu vượt khỏi khuôn khổ giải bóng đá thể thao đơn thuần.

Với truyền thống đào tạo nhân tài cùng lối chơi đậm bản sắc địa phương, đây là niềm tự hào của tỉnh Nghệ An nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Trải qua biết bao thăng trầm, địa phương này vẫn là cái nôi nuôi dưỡng hàng loạt cá nhân xuất sắc, góp phần làm nên vinh quang cho thể thao nước nhà. Dẫu vậy, SLNA đang đối diện thảm cảnh ở mùa giải 2021, khi xếp ở vị trí cuối bảng. Lần đầu sau gần hai thập niên, bóng đá xứ Nghệ đối diện nguy cơ xuống hạng.

Thất bại của SLNA là bi kịch đã được dự báo trước, bởi cách làm bóng đá cũ kỹ, lạc hậu, nhuốm màu bao cấp, trong bối cảnh các đội V-League đang phải chuyển dịch để thích nghi cùng thời cuộc. SLNA đào tạo cầu thủ tốt, nhưng không thể giữ chân nhân tài do thiếu tiền. Đến tuổi 25, các cầu thủ giỏi sẽ rời đội để tìm môi trường đãi ngộ tốt hơn. Năm 2019, Trọng Hoàng từng chờ đợi đến phút cuối để ký hợp đồng với SLNA, nhưng bất đắc dĩ mới nhận lời sang CLB Viettel vì đội bóng xứ Nghệ không soạn được hợp đồng thỏa đáng. Nhiều năm qua, số lượng nhân tài được địa phương này đào tạo không ít, nhưng năm tháng đẹp nhất sự nghiệp của hàng loạt ngôi sao này lại để dành cho đội bóng khác.

Nỗi buồn SLNA cho thấy muốn phát triển phải tìm cách thay đổi và thích nghi với xu thế mới, chứ không thể mãi sử dụng cách làm như trước đây. Thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn, nhưng CLB Hà Nội đã vượt xa SLNA để trở thành đội bóng thành công bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. CLB Viettel, dù mới đá ở V-League từ mùa 2019, nhưng cũng đang trên đường trở thành biểu tượng mới.

Truyền thống không phải phao cứu sinh của các CLB, tuy nhiên, đây cũng không phải thứ mua được bằng tiền. Mới đây, Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF có văn bản xin Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho phép đổi tên thành Cảng Sài Gòn để đá ở Giải hạng nhì. Một đội bóng có trụ sở tại Hưng Yên, không liên quan gì đến bóng đá TP Hồ Chí Minh, nhưng kỳ lạ thay, lại muốn lấy danh xưng lẫy lừng Cảng Sài Gòn để thi đấu.

Cũng như Công an TP Hồ Chí Minh, Hải quan hay Tổng cục Đường sắt, Cảng Sài Gòn là một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất ở Việt Nam. Cái tên gợi nhớ về những kỷ niệm đẹp thời đội bóng này còn “làm mưa làm gió” ở các sân chơi trong nước. Bởi vậy, chuyện một đội bóng lạ lẫm lại đòi lấy tên Cảng Sài Gòn là sự giễu nhại, khiến nhiều người hâm mộ không đồng tình. Cuối cùng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã từ chối nguyện vọng đổi tên của PVF.

Nhìn vào biểu tượng Cảng Sài Gòn đã vắng bóng hơn 10 năm nay, SLNA rất có thể sẽ đi vào vết xe đổ tương tự nếu quên đi xu thế phát triển tất yếu, giữa guồng quay khốc liệt của bóng đá.

Hồng Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/the-thao/giua-guong-quay-khoc-liet-645200/