Giữa khủng hoảng năng lượng châu Âu, vẫn có một quốc gia bình tĩnh
Khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên nghiêm trọng, người dân ở nhiều nước châu Âu đã tiến hành các cuộc biểu tình và đình công, khiến chính phủ các nước phải chịu áp lực ngày càng lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, vẫn có một quốc gia bình tĩnh.
G7 quyết định "đánh cược"
Ngày 2/9, các bộ trưởng tài chính của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã đạt được thỏa thuận về hạn chế giá dầu của Nga cho hai mục đích: tạo áp lực giảm giá năng lượng toàn cầu và đảm bảo dòng chảy của dầu Nga ở mức giá thấp hơn; giảm nguồn kinh phí chủ yếu cho hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Theo trang tin Sohu (Trung Quốc), hai tháng trước hoặc thậm chí sớm hơn, Mỹ và các đồng minh đã lên kế hoạch hạn chế giá dầu của Nga, dựa trên chi phí biên và giá dầu trước khi bùng nổ xung đột Nga - Ukraine; dự định giới hạn giá dầu của Nga ở mức khoảng 40 – 60 USD/thùng.
Trang Sohu nhận định, động thái này không khác gì "đánh cược":
Thứ nhất, động thái này vi phạm quy luật vận hành của thị trường, và thị trường không mấy lạc quan về một cơ chế như vậy;
Thứ hai, nếu cơ chế này được thực hiện kém hiệu quả, có thể phản tác dụng, khiến giá năng lượng tăng đột biến hơn nữa;
Thứ ba, động thái này của phương Tây có thể làm tình hình thêm căng thẳng, khiến Nga trực tiếp cắt nguồn cung và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.
Cùng ngày G7 ra quyết định hạn chế giá dầu của Nga, Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom thông báo rằng, trong quá trình bảo dưỡng tuabin đường ống "Dòng chảy phương Bắc 1" cùng với đại diện của nhà sản xuất tuabin Siemens, họ đã phát hiện thấy nhiều vết rò rỉ dầu, vốn định sửa chữa trong ba ngày, nay cần phải ngừng cung cấp khí đốt để "khắc phục sự cố" mà không xác định thời hạn.
Theo Siemens, "sự cố rò rỉ dầu" có thể được giải quyết, "đây không phải là lý do kỹ thuật cho việc ngừng hoạt động đường ống". Phía Đức cho rằng, Moscow đang sử dụng lý do này để "vũ khí hóa" nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.
Trong khi đó, Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - cảnh báo rằng, kế hoạch của G7 là "vô lý" và sẽ dẫn đến bất ổn nghiêm trọng trên thị trường dầu mỏ. Đối với "các quốc gia không thân thiện" ủng hộ giới hạn giá, Nga sẽ ngừng cung cấp dầu, đồng thời vận chuyển dầu cho các quốc gia hoạt động theo các điều kiện thị trường.
Đình công, biểu tình vì năng lượng
Trang Sohu đưa tin, kể từ đầu mùa hè, Nga đã giảm dần lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống "Dòng chảy phương Bắc 1", và hiện nó đã hoàn toàn ngừng hoạt động. Nhiều nước đã mất nguồn cung cấp khí đốt từ Nga; người dân bất bình, và áp lực lên chính phủ ngày càng tăng.
Ngày 3/9, cuộc biểu tình với quy mô hàng chục nghìn người đã nổ ra tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, khiến cho các đường phố bị phong tỏa. Người dân biểu tình phản đối việc tăng giá năng lượng, kêu gọi chính phủ từ chức, phản đối các hoạt động của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời kêu gọi chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Còn Phòng Thương mại Anh dự báo, do chi tiêu hộ gia đình tăng, tiền lương giảm, triển vọng xuất khẩu yếu và niềm tin vào hoạt động kinh doanh suy yếu… GDP của nước này dự kiến chỉ tăng trưởng 3,3% trong năm 2022, giảm đáng kể so với mức 7,4% của năm trước, và lạm phát có khả năng tăng lên mức 14%.
Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo tại Đức Fiedrich Merz chỉ ra rằng, việc đặt hàng các nguyên tố nhiên liệu mới cho ba nhà máy điện hạt nhân của nước này sẽ giúp cung cấp đủ điện cho 20 triệu hộ gia đình. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo Đức tiếp tục từ chối năng lượng hạt nhân và dùng điện để sưởi ấm theo quan điểm "vì môi trường", thì nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất điện vào mùa đông.
Theo trang Sohu, nhân viên của hãng hàng không Đức Lufthansa, hệ thống giao thông công cộng của Tây Ban Nha, và Bưu điện Hoàng gia Anh đã liên tục đình công. Ngoài ra, còn có một thứ khác cũng đối mặt với "nguy cơ đình công", đó là Máy va chạm Hadron Lớn - máy gia tốc hạt lớn nhất trên thế giới tại Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở Geneva, Thụy Sĩ.
Cỗ máy trị giá 4,4 tỷ USD này là thiết bị vật lý năng lượng cao nghiên cứu các hạt, nếu lưới điện đột ngột bị tê liệt do mất ổn định thì tổn thất sẽ rất khôn lường. Các nhà khoa học cần phải cẩn thận khi đưa ra quyết định tiếp tục hoặc tạm dừng hoạt động.
Vẫn còn một quốc gia bình tĩnh
Sau khi Gazprom thông báo cắt nguồn cung, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn đã có lúc vượt qua mốc 3.500 USD/nghìn mét khối, gần với mốc cao nhất trong lịch sử là 3.892 USD.
Tuy nhiên, trong hỗn loạn, vẫn có một quốc gia bình tĩnh, và đó là Serbia.
Dusan Bajatovic - Chủ tịch công ty khí đốt Srbijagas của Serbia - cho biết, nước này "gần như đã dự trữ đủ khí đốt để sưởi ấm vào mùa đông" và còn trữ lượng 350 triệu mét khối khí đốt tự nhiên ở Hungary, vẫn đang tiếp tục khai thác.
Theo trang Sohu, nhiều người nói rằng, Serbia chưa bao giờ mua khí đốt trên thị trường với giá hơn 900 USD/nghìn mét khối. Lần này, nước này có "giá tốt nhất châu Âu", được tính theo công thức dầu mỏ do Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Tổng thống Nga Vladimir Putin thống nhất.
Ông Vucic cho biết vào cuối tháng 8 rằng, Serbia đã bắt đầu dự trữ khí đốt tự nhiên từ đầu tháng 5, nếu như không thương lượng được giá với Nga, nước này sẽ phải mua khí đốt với giá 4.000 euro cho mỗi 1.000 mét khối; trong trường hợp đó, "đất nước đã phá sản".
Theo hợp đồng 3 năm với Nga, Serbia có thể đáp ứng khoảng 63% nhu cầu khí đốt tự nhiên, tương đương 2 tỷ mét khối mỗi năm, với mức giá 800 triệu euro.