Giữa khủng hoảng Ukraine với phương Tây, Nga chuyển hướng Cuba, Venezuela?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ với các đối tác Mỹ Latinh trong một loạt cuộc điện đàm với người đồng cấp ở Cuba và Venezuela.

Các cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh nhiều câu hỏi đang được đặt ra về việc liệu Moscow có tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở Tây Bán cầu để bù đắp sức ép từ Mỹ và liên minh NATO ở Đông Âu hay không.

Không loại trừ "động binh" tại Cuba và Venezuela

Hôm thứ Hai, ông Putin đã điện đàm với Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel. Điện Kremlin gọi cuộc hội đàm này là "cuộc trao đổi ý kiến sâu sắc về hợp tác song phương trong thương mại, kinh tế và đầu tư". Và Tổng thống Cuba cũng gọi cuộc hội đàm là "một cuộc điện đàm thân mật và hiệu quả."

Thông báo của Nga cho biết: "Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc phối hợp hơn nữa các hành động của Nga và Cuba trên trường quốc tế phù hợp với các nguyên tắc của quan hệ đối tác chiến lược và truyền thống hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. Hai bên cũng tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ song phương và nhất trí tăng cường tiếp xúc ở các cấp độ khác nhau."

Về phía Cuba, văn phòng ông Díaz-Canel cho biết: "Cả hai nhà lãnh đạo đã xem xét tình hình quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và thảo luận về sự phát triển trong tương lai của hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác nhau".

Cuộc đối thoại diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Putin đối thoại với một đối tác khác ở Tây Bán cầu, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Theo Điện Kremlin, cuộc thảo luận của họ hôm thứ Năm tuần trước "bao gồm các vấn đề thời sự về hợp tác Nga-Venezuela và việc thực hiện các dự án chung trong thương mại, kinh tế, năng lượng và các lĩnh vực khác" cũng như hợp tác chống lại sự lây lan của COVID-19.

Các nhà lãnh đạo quốc phòng Nga và Venezuela tại sân bay quốc tế Maiquetía “Simón Bolívar” tại Caracas, Venezuela tháng 12/2018. Ảnh: BQP Venezuela.

Các nhà lãnh đạo quốc phòng Nga và Venezuela tại sân bay quốc tế Maiquetía “Simón Bolívar” tại Caracas, Venezuela tháng 12/2018. Ảnh: BQP Venezuela.

Hai ông Putin và Maduro cũng "tái khẳng định cam kết phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc của quan hệ đối tác chiến lược – một nền tảng cho quan hệ song phương."

Venezuela, giống như Cuba, đều đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và nước Nga cũng đang đứng trước nguy cơ chịu thêm các lệnh trừng phạt vì cuộc khủng hoảng đang nổi lên ở Ukraine. Trong bối cảnh phương Tây tăng gấp đôi hỗ trợ quân sự cho Ukraine và đe dọa sẽ trừng phạt mạnh đối với giới lãnh đạo Nga, Điện Kremlin cũng đáp trả cứng rắn và cho biết sẽ có biện pháp "ăn miếng trả miếng".

Khi được hỏi vào đầu tháng này liệu các biện pháp đáp trả của Moscow có bao gồm việc Nga triển khai quân sự tới Cuba và Venezuela hay không, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với các phóng viên rằng không loại trừ một lựa chọn như vậy. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc John Kirby đều gọi những nhận xét của Ryabkov là "mù mờ".

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với các phóng viên hôm thứ Sáu tuần trước rằng chủ đề này cũng đã được đề cập đến khi ông gặp ông Blinken để hội đàm tại Geneva.

Sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tây Bán cầu

Và trong khi Đại sứ Nga tại Caracas Sergey Melik-Bagdasarov thông tin với kênh YouTube Soloviev.Live rằng hiến pháp của Venezuela không cho phép các căn cứ quân sự nước ngoài được triển khai tại nước này nhưng Venezuela cho biết sẽ "tuyệt đối" ủng hộ Moscow nếu căng thẳng với Washington trở nên tồi tệ hơn.

Ông Melik-Bagdasarov nói: "Ngay từ những phút đầu tiên của khủng hoảng, bắt nguồn từ lời nói của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Alexeyevich Ryabkov, cả từ phương Tây và Mỹ, tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi từ các chính trị gia và thành viên nội các Venezuela. Tôi đã tổ chức các cuộc họp với họ, và họ cam kết hỗ trợ rõ ràng và nói chung, không ngại ngần, vì họ đã trải qua điều đó và đang cùng chúng tôi vượt qua điều đó."

Khi Washington chuẩn bị đối phó với nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Đông Âu bằng cách triệu tập các nhà ngoại giao ở Kyiv, chính quyền Biden cũng sẽ tập trung vào chính sách Mỹ Latinh vào cuối năm nay khi dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại Los Angeles vào tháng 6.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng họ vẫn chưa đưa ra quyết định có mời Cuba, Venezuela hay đồng minh cánh tả Nicaragua, vốn cũng đang chịu một số lệnh trừng phạt của Mỹ hay không. Tuy nhiên, trước những lời chỉ trích của Washington đối với hệ thống chính trị của ba nước này, quan chức trên nghĩ rằng bộ ba trên có thể bị loại trừ.

Không giống như sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Âu, Nga không có các cơ sở quân sự chính thức ở Tây Bán cầu, nhưng ảnh hưởng ngày càng tăng của Moscow ở Mỹ Latinh đã thể hiện qua sự hợp tác quốc phòng mạnh mẽ.

Venezuela đặc biệt chú ý mở rộng quan hệ quân sự-kỹ thuật với Nga. Chỉ một tháng trước khi cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra ở Caracas vào tháng 1 năm 2019 khi lãnh đạo phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn Juan Guaidó thách thức vai trò tổng thống của ông Maduro, Nga và Venezuela đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung.

Sự ủng hộ từ Nga và Cuba là rất quan trọng đối với chính phủ của Maduro trong ba năm qua, bất chấp nỗ lực của các đối thủ nhằm lật đổ ông, trong đó có các hoạt động của phe đối lập do ông Guaidó dẫn đầu. Vì vậy, việc Venezuela ủng hộ Moscow trong thời điểm hiện tại là dễ hiểu, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Venezuela – Mỹ vẫn chưa có tín hiệu cải thiện.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/giua-khung-hoang-ukraine-voi-phuong-tay-nga-chuyen-huong-cuba-venezuela-20220125101939578.htm