Giữa 'lằn ranh sinh - tử'

Khi cánh cửa kính của dãy phòng điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng được mở ra, tôi chững người lại, nghe tim mình đập mạnh, trấn tĩnh để vứt bỏ nỗi sợ hãi thường tình của con người, tôi mạnh mẽ tiến vào trong. Đây là nơi những bệnh nhân Covid -19 nguy kịch đang nằm thở máy, sự sống như 'nghìn cân treo trên sợi tóc'. Cũng nơi đây, đội ngũ nhân viên y tế đang hối hả, chạy đua với thời gian, căng mình, dốc sức để giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân đang ở giữa lằn ranh sinh - tử mong manh.

Giữa

Đi vào vùng đỏ

“Em có đủ can đảm để vào không?” – Tôi nhận được câu hỏi ngược lại của lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh khi ngỏ lời xin vào viết bài tại Khoa nhiễm của bệnh viện – nơi đang điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Tất nhiên, khi đã ngỏ lời xin vào “thị phạm” thì tôi cũng đã chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng. Song, dù từng đã đến nhiều điểm nóng như khu phong tỏa, khu cách ly, các trung tâm y tế điều trị bệnh nhân Covid -19 tuyến huyện… thì lần này tôi vẫn có cảm giác lo lắng, hồi hộp.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Liên ( Khoa nhiễm – Bệnh viện đa khoa tỉnh) là người hướng dẫn tôi đi vào khu điều trị. Để vào được bên trong trước hết, tôi phải mặc vào người bộ đồ bảo hộ. Bộ bảo hộ này gồm quần áo dính liền, nón, găng tay, bao chân, kính, khẩu trang… Phải mặc rồi sát khuẩn từng bước, từng bước để cuối cùng thành một “cây trắng”: trắng toát và kín mít. Sau khi mặc xong, chúng tôi chậm chạp tiến vào vùng đỏ.

Điều dưỡng Liên đang chăm sóc bệnh nhân.

Điều dưỡng Liên đang chăm sóc bệnh nhân.

Vừa đi, điều dưỡng Liên cho tôi biết, phòng bệnh nhân nằm là vùng đỏ, vùng cách ly tuyệt đối, đấy cũng là khu nguy hiểm nhất, còn bên ngoài vùng chuyển tiếp gọi là vùng vàng và cuối cùng “cứ điểm” an toàn của nhân viên y tế gọi là vùng xanh. Từ vùng xanh đi vào vùng đỏ phải mặc đồ bảo hộ an toàn, còn từ vùng đỏ đi ra phải cởi bỏ đồ bảo hộ ở vùng vàng và khử trùng toàn thân kỹ lưỡng trước khi vào vùng xanh. “Thực tế là vậy, nhưng không phải là không nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm vẫn dễ xảy ra, chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi là có thể mắc bệnh. Do đó, em chỉ quan sát, hạn chế nói chuyện”, điều dưỡng Liên nói, khiến tôi không thể không lo lắng.

Cánh cửa kính mở ra, chúng tôi tiến vào các phòng bệnh. Nơi đây chia làm 2 khu, tầng dưới dành cho những bệnh nhân nguy kịch, thở máy. Tầng trên là nơi các bệnh nhân đã được điều trị ổn định, cai được máy thở. Thời điểm này, tại đây có 15 bệnh nhân nặng với nhiều ca nguy kịch. Trái ngược với sự tĩnh lặng của đường phố những ngày giãn cách, phía sau cánh cửa này, các nhân viên y tế đang mặc trang phục phòng hộ kín bưng, nóng bức, khẩn trương, căng mình, dốc sức để giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân. Mùi thuốc, mùi hóa chất khử khuẩn nồng nặc. Âm thanh rõ nhất lúc này là “tít tít” - tiếng monitor theo dõi các thông số sinh tồn của bệnh nhân.

Theo sau điều dưỡng Liên, tôi bước vào căn phòng bệnh đầu tiên. Bệnh nhân là nam nằm bất động đang thở máy oxy, ngực khe khẽ phập phồng trong cuộc giằng co sinh - tử. Bệnh nhân vào viện đây đã hơn 10 ngày, tuổi lớn và có nhiều bệnh nền. Điều dưỡng Liên cẩn thận theo dõi từng thông số trên máy thở, chỉnh từng bình truyền, bơm từng lọ thuốc. Rồi sau đó, sửa lại tấm chăn mỏng che bớt những nơi nhạy cảm của người bệnh.

Cứ thế, đi tiếp vào bên trong, là những bệnh nhân bị viêm phổi nặng đang thở oxy mũi và mặt nạ. Hỗ trợ các nhân viên y tế là 7 máy thở, 8 máy thở oxy dòng cao HFNC và một số thiết bị, phương tiện cần thiết để hồi sức tích cực. Chỉ cần nghe tiếng máy “trợ thủ” kêu khác thường ở các phòng bệnh là các y, bác sĩ lại vội vàng đến kiểm tra, liên lạc với bác sĩ trưởng ca trực để trao đổi, xin y lệnh. Bước tới cuối phòng bệnh cuối cùng của dãy điều trị, tôi bỗng chững lại khi nghe những tiếng ho của các bệnh nhân bị viêm phổi do Covid-19 vang lên. Chưa khi nào tiếng ho lại làm tôi bất an đến thế. Ấy vậy mà, điều dưỡng Liên cũng như các đồng nghiệp đã quen với điều này.

Hơn 1 tiếng đồng hồ trôi qua, tôi cũng bắt đầu đuối. Cảm giác như thời gian trôi rất chậm. Bộ đồ bảo hộ kín bưng, khiến mồ hôi trong tôi chảy thành dòng, làm mắt cay xè. Khẩu trang N95 xiết chặt khiến tôi khó thở. Ngồi thở phì phò, như hiểu được điều dưỡng Liên nói: “Em tập thở nhẹ nhàng, không hít sâu, không gắng sức đột ngột để tránh luồng không khí quá mạnh đi qua khẩu trang, dễ lây nhiễm”. Tôi gật đầu, biểu lộ sự hiểu rồi của mình.

Ngày đêm bên người bệnh

Trao đổi với tôi, bác sĩ Đoàn Duy Huyên – Trưởng Khoa nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Các bệnh nhân ở đây đều là những bệnh nhân rất nặng, chuyển từ các tuyến huyện về. Người mắc bệnh diễn tiến rất nhanh, từ viêm phổi đến hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, rối loạn đông máu, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, tổn thương thận, tổn thương cơ tim… và dẫn đến tử vong. “Chúng tôi áp lực lớn, bởi bệnh diễn tiến quá nhanh. Virus này không cho mình ngừng nghỉ. Đa số “nó” “chạy” trước, mình chạy theo đuối”, bác sĩ Huyên chia sẻ.

Phóng viên trong khu điều trị.

Phóng viên trong khu điều trị.

Toàn khoa có 23 y, bác sĩ được chia làm 2 kíp trực, mỗi kíp làm việc trong 12h. Trong thời gian đó, các nhân viên y tế luân phiên túc trực, chăm sóc, theo dõi tình trạng bệnh nhân. “Đây là tuyến điều trị cao nhất, có thể nói là lá chắn cuối cùng nên khoảng cách trượt về phía cửa tử mong manh vô cùng. Vì vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để lo cho người bệnh. Lúc nguy kịch thì cấp cứu, giúp thở oxy, điều trị; lúc chuyển nhẹ thì lo từ cái ăn, cái uống và cả những động viên chân tình nhất để khơi dậy ngọn lửa chiến thắng dịch bệnh”, bác sĩ Huyên cho biết thêm.

Câu chuyện với tôi bị ngắt quãng, khi tiếng chuông điện thoại từ khu điều trị vang lên, điều dưỡng theo dõi phát thông báo ca bệnh phòng số 3 chuyển nặng. Bệnh nhân thừa cân, bệnh nền nhiều, khó thở, huyết áp lẫn oxy tụt, tất cả chỉ số sinh tồn đang xấu đi. Bác sĩ Huyên sau những ngày dài căng mình làm việc vẫn lao nhanh đến, giữa các thiết bị máy móc ông cùng các đồng nghiệp của mình mỗi người một việc, luân tay níu giữ sự sống cho người bệnh. Trong âu lo, khát vọng, thấp thỏm, những con số trên máy thở chuyển động báo hiệu sự hồi phục tích cực cũng vừa lúc những đôi tay y, bác sĩ rã rời. E-kip nhìn nhau, thở phào nhẹ nhõm rồi lại bắt đầu đến với các ca bệnh chuyển nặng khác.

Tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất là các điều dưỡng. Vừa bấm máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, điều dưỡng Đồng Thị Ngọc Hân đã không ít lần nhíu mắt lại cho mồ hôi tản ra. Hân kể: Bệnh nhân nặng - nguy kịch được đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục. Điều dưỡng phải hút đờm dãi, đảm bảo thông thoáng đường thở cho bệnh nhân và kiêm luôn việc vỗ lưng, xoay trở họ. Phải theo sát, trường hợp bệnh nhân ngưng tim ngưng thở thì cấp cứu kịp thời.

Lăn lộn qua nhiều ngày dài, để mọi ý nghĩ, ước vọng tốt đẹp nhất của mình dành cho người bệnh, điều dưỡng Hân thổ lộ: “Thật sự chúng tôi phải gồng hết sức, cố gắng gồng gánh công việc cho nhau. Có khi bác sĩ làm cả việc của điều dưỡng, điều dưỡng làm việc của hộ lý. Chỉ cần nghe tiếng báo động ở bất kỳ khu vực nào, chúng tôi lại tức tốc chạy đến hỗ trợ”.

4 đợt dịch qua, các y, bác sĩ nơi đây đều tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhưng hơn 1 tháng nay, nơi này chỉ tiếp nhận những bệnh nhân nặng. Họ đã chiến đấu không mệt mỏi, gần như không có thời gian nghỉ. “Ở đây, chúng tôi không có khái niệm hôm nay là cuối tuần hay bất cứ ngày gì nữa. Đôi khi, ngay cả những tin nhắn hay những lời động viên của người thân gia đình mình cũng không có thời gian để đọc”, điều dưỡng Hân nghẹn lời.

Sinh - tử: Thật mong manh

Nhận thông báo, thêm 2 ca chuyển nhẹ từ đồng nghiệp, ánh mắt bác sĩ Huyên bừng lên hạnh phúc. Anh bảo rằng, đấy là tâm trạng của mọi người ở nơi ánh sáng không bao giờ tắt. Tiếng máy thở liên hồi hoạt động cũng là món quà vô giá, thôi thúc y, bác sĩ vượt lên, chinh phục mọi gian khổ.

Bác sĩ Huyên cho biết: “2 bệnh nhân trên vào viện với tình trạng viêm phổi nặng; bệnh diễn tiến nguy kịch, họ phải thở máy và lọc máu liên tục trong nhiều ngày. Đến thời điểm này, họ ăn uống, sinh hoạt, đi lại bình thường; xét nghiệm RT-PCR có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. “Sự bình phục của 2 bệnh nhân đã khích lệ tinh thần chúng tôi, để chúng tôi càng cố gắng hơn nữa trong việc điều trị, chăm sóc các bệnh nhân Covid-19”, bác sĩ Huyên cho biết.

Điều dưỡng Liên đưa tôi lên tầng 1 để kiểm tra các bệnh nhân đã hồi phục. Khi chị hỏi thăm, họ khó đáp lời lại vì còn mệt nhưng đôi mắt của mỗi người bệnh tràn đầy sự biết ơn. Chỉ tay về bệnh nhân N.T.M.P (TP. Phan Thiết), chị Liên cho biết đây là sản phụ đang mang thai ở tuần thứ 24. Bệnh nhân chỉ mới hơn 30 tuổi. Hơn 1 tuần trước, bệnh nhân này được báo động đỏ, phải chạy máy thở. Thế nhưng nay, cuộc đời như chuyển sang trang mới vì đã thoát khỏi nguy kịch. Nói với tôi, bệnh nhân P cho biết “ Các y, bác sĩ nơi đây rất tận tình chữa trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Tôi vô cùng cảm ơn các y, bác sĩ đã cứu sống tôi”.

Sau hơn 1 tháng điều trị các bệnh nhân nặng, tính đến ngày 5/9, nơi đây đã có trên 10 bệnh nhân bình phục, xuất viện. Ngoài ra, còn có nhiều ca bệnh thuyên giảm, ổn định.

Thế nhưng cũng trong chiều qua thôi, sau khi tôi đã rời khỏi khoa điều trị thì nhận được tin từ bác sĩ Huyên: “Buồn lắm em ạ. Tụi anh đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể giữ được hơi thở của họ. Biết bao mồ hồi tuôn đổ. Khi họ đi, tụi anh như dao cứa qua tim”.

Không chứng kiến vụ việc, nhưng tôi bỗng chợt hình dung ra, những bóng dáng cúi đầu bước trên hành lang sao buồn quá đỗi. Nhưng chỉ nhanh thôi, họ sẽ phải “buông” đi để tiếp tục chiến đấu, giành giật lại hơi thở cho những bệnh nhân khác!

Phóng sự: Thanh nhàn

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/giua-lan-ranh-sinh-tu-141162.html