Giữa mênh mông biển trời Tổ quốc

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn công tác của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an gồm 10 đồng chí vinh dự được đại diện cho cán bộ, học viên nhà trường đã tham gia chuyến hải trình ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cùng đoàn công tác của Bộ Công an trên Tàu 561 của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Chuyến đi không đơn thuần là chuyến tham quan, mà còn là hành trình tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và những nỗ lực bảo vệ chủ quyền quốc gia. Hơn hết, đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi con dân đất Việt khi đặt chân đến đây, trong đó có những cán bộ, giáo viên nhà trường.

 Đoàn công tác của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an tại đảo Song Tử Tây.

Đoàn công tác của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an tại đảo Song Tử Tây.

Suốt hải trình lênh đênh trên biển là thời gian chúng tôi như được theo dấu chân những người lính 50 năm trước trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đã vượt mọi gian khổ tiến ra giải phóng quần đảo Trường Sa. Suốt cuộc hải trình, mỗi lần được đặt chân lên các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông A, Đá Tây B, Trường Sa, Nhà giàn DK1, tận mắt chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, lòng tôi chẳng ngừng bồi hồi, xúc động, tôi như tan vào bốn câu thơ trong bài thơ “Thơ tình người lính” của nhà thơ Trần Đăng Khoa viết khi đến với Trường Sa:

“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng

Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng

Biển một bên và em một bên”

Có lẽ tôi cũng thấy được những điều nhà thơ Trần Đăng Khoa đã thấy mỗi khi nhìn vào ánh mắt những chiến sĩ hải quân nơi này, trong tâm trí và trái tim họ chỉ có Tổ quốc, chỉ có mẹ Việt Nam linh thiêng ngự trị. Đẹp biết bao, tự hào biết bao!

Ngay lúc này đây, khi đã đặt chân lên đất liền nhưng những cảm xúc đến các đảo trong cuộc hải trình đã qua vẫn vẹn nguyên trong cá nhân tôi và đoàn công tác.

Hơn một ngày lênh đênh trên biển, Song Tử Tây là đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân đến trong hải trình, cũng là nơi đầu tiên chúng tôi bộc lộ những cảm xúc đầu tiên về sự tự hào khi được đặt chân lên một trong những điểm đảo quan trọng, nơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Chỉ 3 tiếng ngắn ngủi trên đảo, đã khiến những cảm xúc lắng lại trong từng đáy mắt mỗi thành viên đoàn công tác. Tại đây, nhìn ra biển cả bao la, chúng tôi tràn ngập niềm tự hào về lịch sử, văn hóa và công sức của các thế hệ đi trước, những người đã chiến đấu và bảo vệ từng tấc đất, tấc biển.

Chúng tôi đến đảo Sinh Tồn vào sáng sớm hôm sau, trong ánh hoàng hôn rực rỡ, mặt biển lấp lánh sóng bạc, xa xa ngọn hải đăng nhấp nhô vẫy gọi, đón đoàn là những nụ cười niềm nở, những cái bắt tay thân thiện, gần gũi của những người đồng chí vì nhiệm vụ phải xa nhà đến nơi thiêng liêng của Tổ quốc.

Chẳng ai có thể sánh với những người lính đảo, dưới bàn tay của những người lính, trong muôn vàn gian khổ họ đã biến đảo Sinh Tồn, nơi đầu sóng, ngọn gió thành một công viên xanh mát giữa lòng Biển Đông.

Đại tá, Tiến sĩ Đồng Thị Hồng Nhung, Phó hiệu trưởng nhà trường cùng với các em học sinh trên đảo.

Đại tá, Tiến sĩ Đồng Thị Hồng Nhung, Phó hiệu trưởng nhà trường cùng với các em học sinh trên đảo.

Nơi đây, chúng tôi đã nghe những tiếng cười giòn tan của trẻ nhỏ vọng ra từ lớp học, nghe tiếng chuông vọng xa của ngôi chùa, thanh âm lan vào tiềm thức, lắng lại nơi trái tim khi chúng tôi đã thắp những nén nhang tri ân, tưởng niệm trước bia ghi tên 64 Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển Trường Sa trong sự kiện ngày 14-3-1988.

Có lẽ buổi lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo mà hy sinh đã để lại cho chúng tôi những dấu ấn không thể nào quên. Những giọt nước mắt đã rơi khi nhớ về các anh. Xúc động trong tự hào. Bi tráng mà vinh quang.

Trong không khí linh thiêng ấy, mặt biển lặng yên lạ kỳ như muốn nói, biển đã che chở và bảo vệ vong linh những người chiến sĩ đã ngã xuống nơi này. Trong khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình được sống trọn vẹn với lòng tự hào dân tộc. Anh Tình, anh Toàn, chị Nga, Ngọc Hà, em Thanh, em Hương… tất cả những đồng chí trong đoàn công tác của Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I và cả tôi đã khóc. Biết nói gì lúc này giữa đại dương khi mọi ngôn từ đều thừa thãi trước sự hy sinh cao cả của những người lính đã ngã xuống.

Hình ảnh con Tàu HQ 505 huyền thoại bốc cháy thành ngọn lửa quyết tử để giữ được đảo Cô Lin luôn in hằn trong trí nhớ người dân Việt Nam. Cô Lin ngày xưa kiên cường, Cô Lin ngày nay luôn chắc tay súng, canh giữ trời biển. Gió biển vẫn mát rượi thổi vào đảo như tình yêu quê hương…

Đá Đông A, Đá Tây B, hai đảo chìm bất khuất. Vì đảo nhỏ, các thành viên trong đoàn không thể đặt chân lên hết nhưng ai cũng thấm thía những khổ cực nơi đảo chìm. Sự hy sinh và lòng kiên cường của những người lính nơi đây thực sự khiến chúng ta phải ngả mũ kính phục.

Những hình ảnh gần gũi, mộc mạc, nhưng đầy lặng lẽ và kiên cường của họ tại các đảo chìm như Đá Đông đã trở thành biểu tượng của sức mạnh tinh thần và lòng yêu nước mãnh liệt, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Họ chính là những người anh hùng thầm lặng, không cần phô trương nhưng đã làm nên những chiến công lớn lao, xứng đáng nhận được sự kính trọng và biết ơn từ tất cả mọi người.

Chưa từng chuyến đi nào trong đời để lại trong tôi một cảm xúc mãnh liệt đến vậy như khi đặt chân lên đảo Trường Sa. Tôi cảm nhận rõ ràng nhất nhịp đập thiêng liêng của lòng yêu nước, của ý chí bất khuất và sự hy sinh thầm lặng của những người con đang ngày đêm gìn giữ chủ quyền thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió.

Ngay khi tàu vừa cập đảo, trái tim tôi như thắt lại - cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ giữa nền trời xanh biếc, với hai hàng cán bộ chiến sĩ đang canh giữ vùng biển của Tổ quốc vang lên những tiếng chào đón rắn rỏi và nụ cười ấm áp. Tôi lặng người trước sự hiên ngang của những chiến sĩ, trước những đôi mắt ngời sáng, chan chứa niềm tin vào lý tưởng cao cả - dù quanh năm đối mặt với sóng gió, nắng gắt, thiếu thốn trăm bề.

Đứng giữa đảo, nhìn ra biển lớn, tôi như cảm nhận được cả hồn thiêng sông núi đang hiện hữu nơi đây. Mỗi con sóng vỗ vào bờ kè bê tông là một nhịp đập của trái tim Tổ quốc, nhắc nhở tôi về trách nhiệm, về lòng tự hào, và trên hết là niềm tin không bao giờ tắt vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc.

Ngay khi chúng tôi đặt chân lên đảo, tôi đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp hiên ngang của vùng đất giữa trùng khơi - nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trong nắng gió. Được gặp gỡ các chiến sĩ hải quân và người dân sinh sống trên đảo, những nụ cười thân thiện, những cái ôm thật chặt và những ánh mắt vui tươi nhưng luôn ánh lên niềm hy vọng và hạnh phúc của những em bé theo gia đình ra bám đảo, bám biển. Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, xa cách đất liền, nhưng trên gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười, ánh mắt sáng niềm tin - một thứ ánh sáng lan tỏa đến tận đáy lòng tôi, kiên cường và bất khuất như những cây bàng quả vuông và cây phong ba trên đảo.

Khi đến thăm Chùa Trường Sa, nơi linh thiêng giữa biển cả, tôi không khỏi xúc động trước tiếng chuông chùa vang vọng giữa mênh mông trời nước. Giây phút thắp hương trước tượng Phật, tôi lặng người, lòng hướng về tổ tiên, về những chiến sĩ, những ngư dân bám biển đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này. Đó là khoảnh khắc tâm linh sâu sắc khiến tôi cảm thấy nhỏ bé, khiêm nhường và biết ơn vô hạn.

Nhưng có lẽ giây phút chào cờ trên đảo là khoảnh khắc khiến trái tim tôi run lên mạnh mẽ nhất. Khi tiếng Quốc ca vang lên giữa biển trời bao la, tôi như nghe được tiếng gọi từ lòng đất mẹ, từ từng ngọn sóng, từng cơn gió. Nước mắt tôi bất giác rơi - không phải vì buồn, mà vì một niềm tự hào dâng trào không thể diễn tả thành lời. Tôi cảm nhận rõ ràng: Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc, và mỗi người con đất Việt đều có một phần trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ vùng biển, đảo yêu thương này.

Chuyến thăm nhà giàn DK1 là một hành trình đặc biệt, mang đến cho tôi nhiều cảm xúc sâu sắc và khó quên. Khi con tàu dần tiến gần đến nhà giàn giữa bao la nước xanh thăm thẳm như một chiếc gương phản chiếu, trong tôi dâng trào niềm tự hào và xúc động. Nhà giàn DK1 hiện lên sừng sững và hiên ngang thách thức cả thời gian và không gian. Khi chúng tôi đặt chân lên những bậc cầu thang đầu tiên dẫn lên nhà giàn, hàng đàn cá đủ các loại vây quanh chân nhà giàn như chào đón chúng tôi.

Khi đặt chân lên nhà giàn, tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết sự gian khó mà các chiến sĩ đang trải qua, từ điều kiện sinh hoạt đơn sơ, khắc nghiệt đến nỗi nhớ đất liền, nhớ người thân. Đặc biệt nhà giàn mặc dù đã kiên cố hơn song vẫn luôn phải đề phòng với những cơn bão lớn của Biển Đông. Nhưng vượt lên tất cả là tinh thần thép, là nụ cười lạc quan của những con người nơi đây. Nhìn những luống rau xanh mướt các đồng chí tự trồng, chăm sóc và tận dụng nguồn nước ít ỏi, càng thêm khâm phục ý chí, nghị lực và sự lạc quan của họ - những người chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giữa sóng gió, bão tố và sự cô đơn nơi đầu sóng ngọn gió, đã để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ về tinh thần kiên cường và lòng yêu nước bất khuất. Nơi đây quả thật tình yêu đất nước trở nên thật lớn lao hơn bao giờ hết.

Kết thúc hành trình thiêng liêng, đã mang lại cho tôi những cảm xúc sâu lắng, mãnh liệt và không thể nào quên. Mỗi hòn đảo tôi đặt chân đến đều mang trong mình một câu chuyện, một dấu ấn đặc biệt của lòng yêu nước, của ý chí con người Việt Nam giữa biển khơi. Tôi được gặp những người lính can trường, những công dân quả cảm - những người đã gắn bó cả thanh xuân với nắng gió Trường Sa. Dù sống xa đất liền, điều kiện khắc nghiệt, nhưng trong mắt họ luôn ánh lên niềm tin và sự lạc quan. Những cái bắt tay siết chặt, những câu chuyện đời thường nhưng thấm đẫm tình yêu Tổ quốc, những ca khúc về quê hương đất nước được hát giữa biển trời luôn khiến tim tôi rung lên từng nhịp.

Khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa trời biển bao la, Quốc ca vang lên giữa trùng dương, tôi cảm nhận được sức mạnh vô hình kết nối đất liền với biển, đảo, kết nối quá khứ oai hùng với hiện tại đầy hy vọng. Tôi xúc động khi đến thăm những ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây, Trường Sa... - nơi không chỉ là chốn tâm linh cho người dân và chiến sĩ, mà còn là biểu tượng của hồn Việt giữa đại dương. Tiếng chuông chùa, khói hương bảng lảng hòa cùng tiếng sóng, khiến lòng tôi lặng đi trong sự thiêng liêng và biết ơn vô hạn.

Chuyến đi đã để lại trong tôi những rung cảm chân thành về một Trường Sa kiên cường mà rất đỗi gần gũi, về những con người bình dị mà phi thường. Tôi nhận ra rằng Trường Sa không chỉ là một phần lãnh thổ thiêng liêng, mà còn là một phần máu thịt trong tim mỗi người Việt Nam. Bất chợt vang lên trong tâm trí tôi những ca từ da diết mà rất đỗi thân thương của bài hát “Nơi đảo xa”:

“Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà

Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa

Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua”...

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/giua-menh-mong-bien-troi-to-quoc-824480