Giữa mùa thấp điểm, các chuỗi bán lẻ đổi chiến lược đề tồn tại
Mức độ cạnh tranh cao của ngành di động khiến các đại lý bán lẻ phải thay đổi để tồn tại trong giai đoạn khó khăn.
Số liệu từ các công ty nghiên cứu cho thấy thị trường di động Việt Nam vẫn chưa có nhiều khởi sắc trong năm 2023. Những thay đổi về chính sách giá, cách vận hành không mang lại hiệu quả doanh số. Trong đó, tác động từ kinh tế vĩ mô vẫn là nguyên nhân chính.
Những bước thay đổi từ hãng sản xuất tương đối chậm, khi phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và chính sách toàn cầu. Nhóm đại lý bán lẻ trong nước phản ứng nhanh bằng các nước đi mới, gia tăng cạnh tranh, thoát thế khó.
Áp lực từ đại lý nhóm đầu
Trong mảng kinh doanh di động tại Việt Nam, đợt bán hàng sau Tết Nguyên đán kết thúc cũng là mở đầu của thời kỳ giảm sút sức mua. Giai đoạn kéo dài khoảng 3-4 tháng, đến khi Samsung, Apple giới thiệu sản phẩm chủ lực mới.
Hai năm gần đây, thị trường càng căng thẳng, sức mua giảm bởi các chỉ dấu tiêu cực từ kinh tế vĩ mô. Chuyên gia trong ngành cho rằng lo ngại thu nhập bị ảnh hưởng, vật giá leo thang khiến người dùng thận trọng khi chi tiêu cho mặt hàng không thiết yếu, gồm cả di động. Điều này tạo áp lực duy trì và gia tăng doanh số ở các doanh nghiệp đầu ngành, đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong đó, Thế Giới Di Động khơi mào cuộc chiến giá rẻ ở nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đặc biệt là iPhone. Sau một năm, lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận chính sách này không mang lại hiệu quả, chưa kịp thích ứng với thay đổi của toàn ngành.
Từ giữa 2023 đến nay, doanh nghiệp này đẩy mạnh ký kết hợp tác chiến lược với những nhãn hàng lớn trong mảng smartphone, laptop, điện tử gia dụng, phụ kiện. Nhiều sản phẩm dán nhãn “đặc biệt tại TGDĐ”, chỉ bán tại đại lý thuộc MWG xuất hiện. Mới nhất, hệ thống này hợp tác với Honor, nhãn smartphone mới quay lại Việt Nam không lâu. Trước đó, thương hiệu dành các sản phẩm chủ lực cho FPT Shop.
Trước sự cạnh tranh về giá và danh mục thiết bị, FPT Shop phải mở rộng sản phẩm kinh doanh. Chuỗi này thông báo bán thêm máy lạnh ở khoảng 600 cửa hàng, trong mùa cao điểm nắng nóng. Ngoài ra, FPT Retail cũng đang có ưu thế ở mảng kinh doanh dược phẩm với chuỗi Long Châu.
Tự mở đường, giảm phụ thuộc
Không chịu áp lực duy trì quy mô, tăng trưởng như các công ty đại chúng, nhóm đại lý vừa và nhỏ dễ dàng tối ưu hệ thống trong giai đoạn thấp điểm. Tuy nhiên, tính cạnh tranh của các doanh nghiệp này giảm sút nghiêm trọng khi thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Vấn đề chính của các đơn vị này trong giai đoạn hiện tại là không đủ nguồn lực tài chính để cạnh tranh giá bán với đại lý lớn. Đồng thời, danh mục hàng hóa bị ảnh hưởng khi nhiều hãng chọn đưa sản phẩm lên kệ hàng của một bên bán lẻ duy nhất.
Nhiều giải pháp được các hệ thống đưa ra, nhằm giải quyết khó khăn trước mắt. Ví dụ Hoàng Hà Mobile chủ động lập pháp nhân để phân phối sản phẩm. Công ty này xử lý việc thiếu model tốt bằng cách tìm kiếm đối tác, nhãn hiệu nước ngoài để nhập hàng, bán trực tiếp đến người dùng cuối.
Thiết bị đầu tiên được công ty này bán ra là chiếc Oscal Tiger 12. Đây không phải sản phẩm đến từ thương hiệu lớn, nhưng có hiệu suất/giá tiền (p/p) rất tốt. Bằng cách tinh giản các quy trình trung gian, doanh nghiệp có thể thiết lập mức cạnh tranh cho sản phẩm. Có 12 GB RAM, màn hình 120 Hz và sạc nhanh 33 W với giá 3,9 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc tự phân phối sản phẩm cũng không phải dễ dàng với các bên trước giờ chuyên bán lẻ. Ngoài thủ tục nhập hàng, công ty phải phụ trách cả trách nhiệm bảo hành, truyền thông quảng cáo cho thiết bị.
Trong khi đó, đại lý CellphoneS đẩy mạnh nhóm sản phẩm gia dụng thông minh như robot hút bụi, máy lọc không khí. Công ty tận dụng tập khách hàng trung thành ở mảng smartphone để chuyển đổi sang thiết bị khác trong hệ sinh thái của các hãng.
Những hệ thống khác như Di Động Việt, Minh Tuấn Mobile chọn thêm các ngành hàng ngách như điện thoại siêu sang (Vertu), thiết bị quay chụp, studio để kinh doanh, bớt phụ thuộc vào smartphone khi mức độ cạnh tranh quá cao.