Giữa thương chiến, dịch bệnh, người TQ bán hàng bằng lòng yêu nước

Theo SCMP, trong bối cảnh những bất ổn liên tiếp giáng đòn mạnh lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lòng yêu nước được đẩy cao, người Trung Quốc chuyển sang mua hàng nội địa.

"Người Trung Quốc bán hàng bằng lòng yêu nước", cây bút Pearl Liu của South China Morning Post bình luận.

Cuộc chiến thương mại kéo dài Mỹ - Trung và căng thẳng địa chính trị với các nước láng giềng châu Á đã đẩy cao tinh thần dân tộc của thế hệ millenials (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) tại Trung Quốc, khiến họ đổ tiền vào các thương hiệu đến từ quê nhà.

Thời của hàng nội địa Trung Quốc

Xu hướng mới này đã thúc đẩy doanh số của các doanh nghiệp địa phương, bao gồm hãng mỹ phẩm Shanghai Jahwa United và hãng sản xuất hàng may mặc Bosideng International Holding, vượt xa những thương hiệu quốc tế như MAC và Canada Goose trong ngày hội mua sắm 11/11.

Thương hiệu chăm sóc da Dr Yu, một trong những tên tuổi hàng đầu tại Trung Quốc, chứng kiến doanh số tăng 700% lên 60 triệu NDT (khoảng 8,6 triệu USD) vào tháng 12/2019.

“Thế hệ millennials có niềm tin rằng các thương hiệu nội địa có chất lượng tương đương các sản phẩm đến từ những cường quốc nước ngoài. Càng trẻ, họ càng tự hào. Đó là cơ hội để chúng tôi phát triển nhanh chóng”, South China Morning Post dẫn lời giám đốc tiếp thị cấp cao Xue Ying của Dr Yu nhận định.

 Người Trung Quốc chuyển sang xu hướng sử dụng hàng nội địa. Ảnh: South China Morning Post.

Người Trung Quốc chuyển sang xu hướng sử dụng hàng nội địa. Ảnh: South China Morning Post.

Một số thương hiệu lớn tại Trung Quốc đang mong chờ làn sóng yêu nước sẽ có tác dụng lâu dài trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng. Một trong số đó là Three Squirquir có trụ sở ở Thâm Quyến - đối thủ của nhà sản xuất bánh quy Oreo và Mars.

Nhà sản xuất đồ ăn vặt này đang trông đợi vào sự tăng lên của thế hệ millennials ở Trung Quốc đại lục - 415 triệu người, tương đương 31% dân số vào năm 2017 - để nâng doanh số hàng năm lên 100 tỷ NDT trong 10 năm tới.

Làn sóng tẩy chay thương hiệu ngoại

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump châm ngòi cuộc chiến thương mại vào tháng 7/2018, lòng yêu nước gia tăng đã ảnh hưởng đến một số chính sách đối ngoại của chính phủ Bắc Kinh, hành vi tiêu dùng trong nước và xu hướng của các doanh nghiệp.

Một số bất đồng địa chính trị với các đối tác châu Á và Canada cũng làm dấy lên lời kêu gọi tẩy chay hàng nước ngoài.

Một số thương hiệu nước ngoài cũng bị kéo vào cuộc chiến. Chẳng hạn như Versace và Coach đã hứng chịu phản ứng dữ dội vì ngụ ý rằng Hong Kong tách biệt với Trung Quốc trên các sản phẩm thời trang của mình.

Hãng thời trang Italy Dolce & Gabbana cũng hứng chịu chỉ trích sau loạt quảng cáo có người phụ nữ Trung Quốc đang cố ăn pizza và spaghetti bằng đũa hồi năm 2018. Một hồ sơ gửi đến Phòng Thương mại Italy của hãng dự kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc sẽ sụt giảm trong năm tài chính 2019.

 Quảng cáo gây tranh cãi của Dolce & Gabbana. Ảnh: Jing Daily.

Quảng cáo gây tranh cãi của Dolce & Gabbana. Ảnh: Jing Daily.

Virus Vũ Hán giáng đòn mạnh

Giờ đây, sự bùng phát của virus corona khiến ngành du lịch và bán lẻ điêu đứng. Virus chết người khởi nguồn từ Vũ Hán đã gây ra hàng chục nghìn ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe có tác động tiêu cực đến lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài Trung Quốc, theo báo cáo của Moody’s Investors Service hôm 30/1.

Công ty đánh giá dự báo tăng trưởng ở mức 5,8% trong năm 2020 và cho biết con số này sẽ còn thay đổi dựa trên diễn biến của dịch bệnh.

Dịch SARS bùng phát vào năm 2003 đã làm suy yếu thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Sau 16 năm, du lịch, vận chuyển, lưu trú, bán lẻ, nhà hàng và các mảng dịch vụ khác là những lĩnh vực bị ảnh hưởng.

“Sự đóng góp của tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Do vậy, ảnh hưởng của virus corona thông qua kênh tiêu dùng có thể cao hơn”, Moody’s nhận định.

Trước khi dịch virus corona bùng phát, các thương hiệu nội địa ở Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ. Kể từ năm 2016, doanh số của các thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc tăng 9%, trong khi các đối thủ Trung Quốc tăng 15% cùng thời kỳ.

“Hàng hóa tiêu dùng Trung Quốc đang mở rộng nhanh hơn so với các đối thủ nước ngoài, chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc đã thúc đẩy điều đó. Quan trọng hơn, các thương hiệu Trung Quốc không còn thua kém đối thủ nước ngoài về chất lượng hay thiết kế”, South China Morning Post dẫn lời Derek Deng bình luận.

Bosideng, nhà sản xuất áo khoác Trung Quốc, cũng ghi nhận doanh số gia tăng sau khi Canada Goose bị tẩy chay sau vụ kiện Huawei và Meng Wanzhou.

Perfect Diary, hãng mỹ phẩm được thành lập ở Quảng Châu, ghi nhận doanh số 100 triệu NDT sau 13 phút mở bán vào ngày 11/11.

China Feihe cũng vượt mặt những người chơi toàn cầu như Nestle và Danone để trở thành nhà sản xuất sữa bột lớn nhất Trung Quốc.

Công ty tư vấn McKinsey & Co. nhận định bên cạnh nền tảng dân tộc, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang làm tốt hơn đối thủ nước ngoài bằng cách thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng trẻ, đặc biệt là ngành công nghiệp thực phẩm.

“Thị hiếu ở Trung Quốc đại lục thay đổi nhanh chóng hơn bất cứ nơi nào khác. Các thương hiệu địa phương đã làm rất tốt trong việc bắt kịp xu hướng và giữ kết nối với người dùng địa phương”, Daniel Zipser nhận định.

“Chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm hấp dẫn được đổi mới thường xuyên. Người dùng trẻ dễ chán với hương vị cũ và thích thử những thứ mới”, Yin Xiang, phát ngôn viên của hãng sản xuất hạt Three Squirrels, khẳng định.

 Các hãng hàng Trung Quốc thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng trẻ, đặc biệt là ngành công nghiệp thực phẩm. Ảnh: South China Morning Post.

Các hãng hàng Trung Quốc thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng trẻ, đặc biệt là ngành công nghiệp thực phẩm. Ảnh: South China Morning Post.

Roman Li, nhà sáng lập kiêm CEO của Heyshop, điều hành một cửa hàng cung cấp các sản phẩm từ 50 công ty khởi nghiệp gia đình sản xuất mỹ phẩm, giày dép, quần áo, đồ ăn cho thú cưng, đồ ăn nhẹ và đồ trang trí nhà cửa. Cửa hàng đầu tiên của anh Li có doanh số 800.000 NDT/tháng, anh đang chuẩn bị mở thêm cửa hàng thứ hai.

“Trước đây, chúng tôi nhận thấy hai mặt hàng bán chạy nhất là các sản phẩm nước ngoài có giá tốt và những sản phẩm giá rẻ được bán trên Taobao.com. Từ giờ trở đi, các mặt hàng phát triển nhanh sẽ thuộc về những thương hiệu có giá hợp lý, chất lượng tốt, chưa được người dùng biết đến rộng rãi. Các thương hiệu nội địa hoàn hảo với những tiêu chí này”, anh Li nhận xét.

“Người dùng mua hàng Trung Quốc vì chúng đáng mua. Vì sao? Vì chúng không những được sản xuất tại Trung Quốc mà còn thực sự tốt”, Zipser, đối tác của McKinsey, khẳng định.

Phương Thảo

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bat-on-thuong-chien-dich-benh-nguoi-tq-kinh-doanh-long-yeu-nuoc-post1041889.html