Giữa xung đột Nga-Ukraine, giá khí đốt giảm, xuất hiện 'chồi xanh' tươi sáng, Ba Lan, Hungary và Czech có thực sự được hưởng lợi?
Theo bài viết mới đây trên schroders.com, các tác giả Andrew Rymer và Rollo Roscow nhận định, Ba Lan, Hungary và Czech là những quốc gia hưởng lợi từ việc giá khí đốt giảm, và các thị trường này đang có triển vọng tươi sáng.
Ngày 9/3, giá khí đốt tự nhiên giảm một cách đáng kinh ngạc, tới 87% kể từ mức cao nhất hồi cuối tháng 8/2022. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (tháng 2/2022), giá khí đốt đã tăng đột biến.
Triển vọng bớt ảm đạm
Đối với các thị trường mới nổi ở Trung Âu như Ba Lan, Hungary và Czech (được gọi là CE3), giá khí đốt giảm đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và ngành tài chính. Kể từ sau khi giá khí đốt tự nhiên đạt đỉnh, các thị trường CE3 đã hoạt động tốt hơn các thị trường mới nổi trên toàn cầu, trung bình 20% và nhiều nhất là 24% tại Ba Lan.
Việc giảm giá khí đốt rất quan trọng đối với các nền kinh tế này do tác động lạm phát của chi phí năng lượng cao hơn đối với ngành công nghiệp và hộ gia đình.
Thực tế cho thấy, dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất trong CE3 nhìn chung vẫn còn yếu, phản ánh tác động của lãi suất cao hơn và lạm phát tăng cao đối với thu nhập. Rủi ro địa chính trị bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine dường như vẫn còn là một đám mây mù phía chân trời.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy triển vọng đã bớt ảm đạm hơn và có thể khả quan hơn. Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu đã giảm bớt, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Hiện nay, so với mức trung bình của 10 năm qua, lượng khí đốt lưu trữ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang rất cao. Với mùa Xuân ở bán cầu Bắc đang diễn ra, dường như có rất ít nguy cơ thiếu nguồn cung hoặc cắt điện, cho đến ít nhất là mùa Đông tới. Những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn đã tan biến khi giá khí đốt tự nhiên giảm.
Mặc dù vậy, nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, tuy đã giảm bớt, vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Trước khi bước vào mùa Đông 2022-2023, và trước khi nguồn cung từ Nga bị cắt hoàn toàn, các kho chứa khí đốt ở châu lục này đã được lấp đầy.
Điều này sẽ không đơn giản vào mùa Hè tới. Lưu trữ khí đốt ở châu Âu thường bắt đầu tăng trở lại vào tháng 4, do nhu cầu giảm trong những tháng cuối mùa Xuân và mùa Hè.
Một mùa Đông khắc nghiệt hơn, lạnh hơn sẽ làm tăng nhu cầu về khí đốt. Mùa lạnh năm 2022-2023, nhu cầu về khí đốt giảm, một phần do ngành công nghiệp và hộ gia đình quản lý mức tiêu thụ và chi phí chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, việc thắt chặt nhu cầu hơn nữa sẽ có nguy cơ tác động lớn hơn tới nền kinh tế.
Năm 2022, EU và Anh đã tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lên 60% nhằm thay thế một số nguồn cung cấp của Nga. Điều này đã khiến nhu cầu toàn cầu tăng cao. Và với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, rủi ro về cú sốc giá trong vài năm tới được đánh giá không thể giảm bớt.
Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc vào năm 2022 do những hạn chế của chính sách Zero Covid khiến nhu cầu khí đốt tự nhiên giảm nhẹ. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay, kéo theo đó là nhu cầu khí đốt sẽ phục hồi.
CE3 hưởng lợi?
Giống như nhiều nơi trên thế giới, đối với các nước CE3, xung đột Nga-Ukraine cũng khiến giá năng lượng và lương thực cao hơn. Châu Âu, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt của Nga, bị ảnh hưởng sâu sắc. Kết quả là, lạm phát tăng vọt.
Như nhiều quốc gia khác, các ngân hàng trung ương tại CE3 đã phản ứng với lạm phát cao hơn bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ. Các ngân hàng trung ương của Ba Lan và Czech đã tăng lãi suất 6% trong năm qua, lên 6,75% và 7,0% tương ứng. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Hungary đã tăng lãi suất hơn 11% lên 13,0%.
Với việc lạm phát có dấu hiệu giảm bớt và giá xăng có xu hướng giảm kể từ tháng 8 năm ngoái, các ngân hàng trung ương tại CE3 đã giữ nguyên lãi suất trong những tháng gần đây. Việc giảm bớt lo ngại về khủng hoảng khí đốt cũng đã hỗ trợ các đồng nội tệ ở 3 nước này, làm giảm nguy cơ lạm phát từ chi phí nhập khẩu cao hơn.
Giá lương thực toàn cầu được dự đoán sẽ giảm trong các quý tới, điều này cũng sẽ hỗ trợ cho quá trình giảm lạm phát. Trong “rổ hàng hóa”, thực phẩm chiếm hơn 20% ở Ba Lan và hơn 30% ở Hungary và Czech, trong khi năng lượng chiếm khoảng 10% ở mỗi nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu để ngăn lạm phát, chẳng hạn như mức tăng 20% được công bố ở Ba Lan trong năm nay, có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương. Do đó, nếu không có sự thay đổi lớn, các ngân hàng trung ương dường như sẽ duy trì chính sách thắt chặt trong một thời gian trước khi quyết định cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo giảm do nhu cầu từ thị trường trọng điểm Đức giảm bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng khí đốt. Tình trạng tài khoản vãng lai xấu đi của cả ba nền kinh tế đã dẫn đến áp lực tiền tệ. Mặc dù vậy, với cuộc khủng hoảng hiện đang lắng xuống, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, xu hướng này đang đảo ngược.
Những “chồi xanh” trong dữ liệu kinh tế?
Lạm phát và lãi suất cao hơn ngày càng đè nặng lên hoạt động kinh tế trong những tháng gần đây. Nền kinh tế Ba Lan tăng trưởng -2,4% trong quý III/2022, trong khi Hungary và Czech cũng chứng kiến sự sụt giảm tương tự.
Các thị trường CE3 đã tiếp nhận một số lượng đáng kể người tị nạn Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Hơn 1,5 triệu người Ukraine đã đăng ký tạm trú ở Ba Lan, chưa tính tới hơn 3 triệu người khác đi qua quốc gia này để sang các nước khác ở châu Âu.
Ngoài những thách thức về tài chính và áp lực lạm phát bổ sung, điều này cũng hỗ trợ phần nào cho tiêu dùng. Vì vậy, mặc dù mức tiêu thụ yếu, nhưng chỉ số này cũng đã tăng hơn dự kiến.
Cho đến nay, tại Ba Lan và Czech, nơi lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh, niềm tin của người tiêu dùng cũng đang được cải thiện từ mức thấp. Tuy rằng chỉ số sản xuất công nghiệp (PMI) đang ở mức thấp, triển vọng thương mại toàn cầu yếu hơn, nhưng giá năng lượng đã giảm, quá trình phục hồi có thể bắt đầu diễn ra.
Các rủi ro khác cần theo dõi
Xung đột ở Ukraine, giáp biên giới Ba Lan và Hungary, vẫn là một rủi ro chính cần xem xét. Sự leo thang hơn nữa có khả năng làm tăng giá năng lượng và lương thực toàn cầu, ngay cả khi mức dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đang ở tình trạng tốt. Điều này sẽ nâng cao triển vọng lạm phát và có khả năng làm tăng phí bảo hiểm rủi ro trên toàn khu vực.
Bên cạnh đó, cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức tại Ba Lan vào ngày 11/11 năm nay. Vị trí dẫn đầu của chính phủ đương nhiệm trong các cuộc thăm dò dư luận tiếp tục bị thu hẹp. Mối quan hệ với EU đã xấu đi trong những năm gần đây. Do đó, Warsaw đã không thể tiếp cận nguồn tài trợ phục hồi của EU.
Ở Hungary, quan hệ với EU cũng đang không được tốt. Nước này không được nhận tài trợ từ gói ngân sách phục hồi của EU cho đến khi đạt được thỏa thuận về giám sát chi tiêu. Trong khi đó, Budapest đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để không đồng tình với các biện pháp trừng phạt Nga của Liên minh.
Tại Ba Lan, triển vọng kinh tế vĩ mô đang được cải thiện, trong bối cảnh có dấu hiệu lạm phát lên đến đỉnh điểm.
Tại Hungary, triển vọng kinh tế tiếp tục đối mặt với những thách thức, mặc dù gần đây đã có một số nới lỏng vừa phải. Rủi ro chính trị đang diễn ra, nhưng diễn biến kinh tế tốt đang bù đắp cho những tiêu cực này.
Tuy nhiên, với Czech, triển vọng không được tích cực bằng 2 nước trên.
Dù vậy, bức tranh toàn cảnh về kinh tế CE3 đã lành mạnh hơn một năm trước. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã giảm bớt ở một mức độ nhất định và nếu tình trạng giảm phát diễn ra như dự kiến, triển vọng có thể dần cải thiện khi bước qua năm 2023.
Xung đột Nga-Ukraine sẽ vẫn là một rủi ro nhưng nếu giá năng lượng vẫn ở mức thấp và giá lương thực hạ nhiệt như dự kiến, các nền kinh tế CE3 có triển vọng sáng sủa hơn năm cũ.