Giúp bà con Ea Lâm trồng lúa nước

Người dân xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh được làm quen với cách trồng lúa nước. Ảnh: NGÔ XUÂN

UBND huyện Sông Hinh vừa triển khai mô hình trồng lúa nước vụ hè thu 2022 tại cánh đồng mới san ủi thuộc khu vực công trình trạm bơm Ea Lâm 2, nhằm tạo điều kiện cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn xã Ea Lâm phát triển kinh tế.

Tạo sinh kế cho đồng bào

Đầu năm 2022, UBND xã Ea Lâm đã vận động 25 hộ dân có diện tích đất hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả tại khu vực bán ngập quanh lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ hiến đất để san ủi, cải tạo, chuyển đổi sang trồng lúa nước. Với gần 26ha đất, địa phương đã chia cho 104 hộ dân người đồng bào DTTS của xã để bà con làm quen với cây lúa nước. Tuy nhiên, do các hộ dân này đều chưa có kinh nghiệm canh tác, nên xã Ea Lâm đã phối hợp Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai mô hình trình diễn sản xuất lúa nước tại cánh đồng này trong vụ hè thu 2022.

Cụ thể, địa phương đã hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp và các thiết bị thiết yếu; đồng thời tập huấn, chuyển giao kỹ thuật thâm canh sản xuất lúa nước trên cánh đồng mới cho nông dân cũng như kiểm tra, theo dõi trong suốt quá trình canh tác. Tất cả các khâu đều được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cụ thể theo hình thức cầm tay chỉ việc, để người dân nắm bắt kỹ thuật sản xuất.

Ma Giá ở buôn Bưng, xã Ea Lâm cho biết: Gia đình tôi được chia 1,3 sào đất trồng lúa nước. Lúc đầu, ai cũng lo vì trước giờ tôi chưa từng trồng lúa. Sau đó, nhờ được hỗ trợ lúa giống, phân bón và được cán bộ huyện chỉ cách làm lúa rất cụ thể theo từng khâu nên mọi người đã yên tâm hơn. Đám ruộng nhà tôi sạ được hơn 10 ngày, đến nay lúa đã lên xanh tốt. Hôm nay cán bộ huyện lại đến hướng dẫn cách cấy lúa, cả nhà tôi cùng nhau ra đồng làm theo, ai nấy đều rất phấn khởi.

Còn Ma Thiên ở buôn Bai cùng với 4 người trong nhà ra đồng cấy lúa từ sáng sớm. Chỉ trong một buổi sáng, cả nhà đã cấy xong mấy sào ruộng. Ma Thiên phấn khởi nói: Trước đây, gia đình tôi sống nhờ vào mấy sào sắn và nuôi thêm mấy con bò cỏ. Cứ vài ba tháng, tôi mua nợ 1 bao gạo, cứ mua như vậy cho đến khi nào có tiền bán sắn thì trả. Có năm, sắn bị hư thối, mất mùa, không có tiền thì đành khất nợ đến mùa sau. Năm nay có đất trồng lúa, mong rằng sẽ giải quyết được nhu cầu gạo ăn hàng ngày.

Phát huy hiệu quả công trình trạm bơm

Theo UBND huyện Sông Hinh, công trình trạm bơm Ea Lâm 2 được đầu tư xây dựng năm 2020, gồm 2 tổ máy hoạt động và 1 tổ máy dự phòng; hệ thống kênh dẫn gồm 1 kênh chính và 8 kênh nhánh có tổng chiều dài gần 2,6km. Dự án có tổng mức đầu tư trên 11,4 tỉ đồng nhằm phục vụ tưới cho 72ha lúa và hoa màu, giúp ổn định đời sống bà con Nhân dân xã Ea Lâm. Ngoài ra, xã cũng đầu tư hơn 2km đường bê tông dẫn vào cánh đồng hồ chứa nước Ea Lâm 2 để tạo điều kiện thuận tiện cho bà con sản xuất.

Ông Nay Y Lé, Chủ tịch UBND xã Ea Lâm cho biết: Xã có hơn 90% dân số là người đồng bào các DTTS như Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng… Trong đó, rất nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất, là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo của xã. Việc vận động người dân hiến đất để phát triển mô hình trồng lúa nước giúp bà con làm quen với cây lúa, chủ động nguồn cung cấp lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con người đồng bào DTTS của xã. Thời gian tới, địa phương vận động người dân tiếp tục mở rộng mô hình này. Dự kiến trong năm nay, địa phương sẽ nâng diện tích đất trồng lúa tại khu vực trạm bơm Ea Lâm 2 lên khoảng 40ha và đặt mục tiêu đạt khoảng 70-80ha trong những năm tiếp theo để tận dụng tối đa nguồn nước từ công trình trạm bơm Ea Lâm 2.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Việc cải tạo đất hoang hóa để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng lúa nước được triển khai rất thành công trên địa bàn huyện Sông Hinh. Mục tiêu của mô hình này nhằm tận dụng, khai thác tối đa một số diện tích đất hoang hóa, đất sản xuất kém hiệu quả tại các khu vực đã được đầu tư các công trình thủy lợi, tưới tiêu. Việc triển khai mô hình này còn giúp chuyển giao công nghệ thâm canh sản xuất lúa nước để bà con học tập và thực hành các biện pháp kỹ thuật trồng lúa nước. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ, mà còn góp phần tăng thu nhập cho bà con đồng bào DTTS khó khăn trên địa bàn huyện.

Việc cải tạo đất hoang hóa để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng lúa nước đã được triển khai rất thành công trên địa bàn huyện Sông Hinh. Mục tiêu của mô hình này nhằm tận dụng, khai thác tối đa một số diện tích đất hoang hóa, đất sản xuất kém hiệu quả tại các khu vực đã được đầu tư các công trình thủy lợi, tưới tiêu.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/420/277663/giup-ba-con-ea-lam-trong-lua-nuoc.html