Giúp các làng nghề vượt qua khó khăn

Dịch Covid-19 xảy ra khiến các làng nghề ở Hà Nội, nhất là các làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn. Các nghệ nhân làng nghề đang tranh thủ thời gian 'rỗi việc' để tổ chức lại sản xuất, nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp làng nghề vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, rất cần có những biện pháp hỗ trợ cụ thể về tài chính.

Tìm biện pháp thích ứng

Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là một trong những làng nghề lớn nhất nước ta, với 200 doanh nghiệp và khoảng 1.000 xưởng sản xuất. Khi chưa xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tấp nập ra, vào làng nghề để vận chuyển nguyên, vật liệu, cũng như xuất hàng. Sáng sớm và chiều tối, hàng đoàn người lao động từ các địa phương đến đây làm công. Mỗi ngày, Bát Tràng còn đón hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khi dịch bệnh xảy ra, khung cảnh nhộn nhịp ấy đã biến mất. Quang cảnh xã trở nên yên ắng, vắng vẻ. Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: “Dịch bệnh xảy ra khiến hầu hết các doanh nghiệp, hộ gia đình gặp khó khăn trong sản xuất. Trong những ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, 100% số cửa hàng gốm sứ đóng cửa, hơn 90% số xưởng dừng hoạt động. Điều này ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của khoảng 5.000 lao động địa phương và 5.000 lao động từ các nơi khác đến làm thuê”. Làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) chuyên làm đồ thờ bằng gỗ cũng là một làng nghề lớn của Hà Nội. Thường ngày rộn rã tiếng cưa, tiếng đục, tiếng bào, nhưng hiện nay, cưa đục đều bỏ không. Nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, Chủ nhiệm Hiệp hội Làng nghề Gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng cho biết: “Xã có khoảng 2.000 xưởng sản xuất. Từ khi thực hiện cách ly xã hội thì công việc dừng hẳn, khiến chúng tôi đều lo lắng”.

TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề các loại. Dịch Covid-19 khiến nhiều làng nghề gặp khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn nhất thuộc về nhóm làng nghề sản xuất mỹ nghệ - nhóm mặt hàng không thiết yếu. Nhiều hộ gia đình hiện đã chuyển sang công việc khác. Qua khảo sát của phóng viên, các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như: Mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)... đều điêu đứng vì dịch bệnh.

Trước thực tế đó, nhiều làng nghề đã thích ứng, thay đổi cách tiếp cận khách hàng và bán hàng thông qua kênh bán hàng trên mạng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Khiêm - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát, các thành viên làng nghề ngoài bán hàng qua mạng còn có sáng kiến lập nhóm bán hàng qua mạng để tăng cường thông tin, giúp khách có nhiều lựa chọn hơn thay vì làm việc một cách riêng lẻ.

Cần sự hỗ trợ để vượt khó

Dịch bệnh xảy ra khiến nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ gặp khó khăn, nhưng cũng góp phần tạo động lực đổi mới hoạt động. Ngoài việc nâng cao nhận thức về vai trò thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình còn tích cực đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Điển hình như ở làng nghề Bát Tràng, nhiều doanh nghiệp, xưởng sản xuất tranh thủ thời gian ít việc để đẩy mạnh sản xuất các mẫu mã mới.

Tuy nhiên, các giải pháp này phần lớn còn mang tính tình thế. Sản phẩm của các nghệ nhân thường là những sản phẩm độc đáo, có giá thành cao. Khi bán hàng qua mạng, khách hàng không xem trực tiếp được sản phẩm. Việc phát triển thương mại điện tử là cần thiết để ứng phó dịch bệnh cũng như phát triển làng nghề về lâu dài, nhưng hiện tại, các nghệ nhân đều lúng túng trong xây dựng thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu và nhận diện sản phẩm. Do đó, những sản phẩm bán chạy qua thương mại điện tử chủ yếu là những sản phẩm đơn giản, rẻ tiền, ít mặt hàng cao cấp. Thương mại điện tử chỉ thật sự phát triển nếu các nghệ nhân nhận được sự hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, nhận diện sản phẩm. Đây cũng là vấn đề chung của nhiều làng nghề Việt Nam hiện nay.

Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: “Nhiều hộ gia đình đã vay khá nhiều vốn để phục vụ cho sản xuất từ trước khi dịch bệnh. Nay sản xuất đình trệ, các doanh nghiệp, hộ gia đình đều mong muốn được giãn nợ, giảm lãi suất vốn vay. Chúng tôi được biết Chính phủ có gói hỗ trợ với doanh nghiệp, nhưng không biết các doanh nghiệp làng nghề liệu có tiếp cận được nguồn vốn này không”. Đại diện các làng nghề đều bày tỏ mong muốn, ngoài chính sách chung của Nhà nước, chính quyền thành phố nên có các gói hỗ trợ đặc thù, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh khối làng nghề.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44261102-giup-cac-lang-nghe-vuot-qua-kho-khan.html