Giúp con lớn lên từ những trải nghiệm

'Giáo dục trải nghiệm', 'giáo dục kỹ năng' những năm qua không còn là cụm từ quá xa lạ với mọi người. Song song với học văn hóa, các ông bố, bà mẹ ngày càng quan tâm, tìm kiếm trung tâm giáo dục và đầu tư cho con tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm để con được phát triển một cách toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần.

Hoạt động trải nghiệm trở nên thú vị hơn khi bố mẹ đồng hành với con - Ảnh: ZUNA EDU CUNG CẤP

Hoạt động trải nghiệm trở nên thú vị hơn khi bố mẹ đồng hành với con - Ảnh: ZUNA EDU CUNG CẤP

Rèn kỹ năng cho trẻ

Hai ngày cuối tuần luôn là khoảng thời gian Trung tâm Gieo tại địa chỉ số 54B Tôn Thất Thuyết, Phường 5, TP. Đông Hà nhộn nhịp nhất. 8 giờ sáng, anh Trần Thiện Thanh, cán bộ Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị đưa cô con gái nhỏ đến đây để tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Tại Gieo, cùng với các bạn nhỏ khác, con gái anh Thanh được tự tay trang trí mặt nạ nhân dịp tết Trung thu, làm móc khóa... Mỗi hoạt động sẽ có 1 - 2 giáo viên phụ trách. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên , các bạn nhỏ tự do lựa chọn màu sắc, thỏa sức sáng tạo hình dáng mặt nạ theo ý tưởng của mình; được nhào, cán bột, tạo hình bánh quy bằng những hình thù dễ thương. Hay từ bức hình do các em nhỏ vẽ ra, đó có thể là hình một loại trái cây, hình em bé, ông bà, cha mẹ, công chúa... các cô giáo sẽ giúp “khò nhựa”, gắn thêm chiếc móc khóa xinh xắn.

Nhìn thấy nét mặt thích thú của con gái khi hoàn thành xong chiếc mặt nạ của mình, anh Thanh không giấu được niềm hạnh phúc. Anh biết đến Gieo qua facebook cách đây không lâu. Lúc trước, anh cũng đã tìm hiểu về các hoạt động giáo dục trải nghiệm và lợi ích của nó nhưng đa phần trung tâm chuyên tổ chức các hoạt động này chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn nên anh chưa có điều kiện cho con tham gia.

“Con tôi mới đi vài buổi thôi nhưng có vẻ rất thích được đến trung tâm. Con bảo thích đến chơi tại ngôi nhà có màu xanh lá (màu nhận diện của Trung tâm Gieo). Từ khi đến đây, con không chỉ chơi vui và hòa đồng hơn với các bạn, được tự tay làm những điều trước nay con chưa biết. Quan trọng hơn là con dần tách rời với ti vi hay điện thoại thông minh. Tôi sẽ cố gắng thu xếp công việc để thường xuyên đưa con đến với Gieo”, anh Thanh nói.

Được biết, Gieo là trung tâm chuyên tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, cách quản lý cảm xúc. Mục đích của trung tâm là tạo môi trường giúp học viên, chủ yếu là các bạn nhỏ trang bị đầy các kỹ năng ứng phó hiệu quả với các tình huống, thách thức trong cuộc sống; biết cách điều chỉnh cảm xúc, hành vi theo hướng tích cực.

Hiện trung tâm đang tổ chức các hoạt động trải nghiệm dành cho mọi đối tượng, lứa tuổi, thông qua các nhóm hoạt động như nhóm sáng tạo nghệ thuật; nhóm làm bếp; nhóm làm đồ handmade; nhóm học lập trình...

Chị Trần Thị Hóa, Quản lý của Trung tâm Gieo cho hay: “Khác với người lớn, trẻ con khó tiếp nhận, ghi nhớ những thông điệp, bài học nào quá lớn. Thay vì dạy các con phải ngoan ngoãn, hòa đồng với bạn bè hay cần phải cẩn thận, tỉ mỉ hơn thì chúng tôi tập trung cho trẻ được trải nghiệm trực tiếp từ các hoạt động rồi rút ra bài học.

Ví dụ như khi làm bánh, chúng tôi lồng vào đó những câu chuyện thú vị liên quan đến bài học về sự cẩn thận, để trẻ chú trọng hơn khi nhào bột, cán bột và tạo hình, để chiếc bánh làm ra sẽ trông đẹp mắt hơn, ăn ngon hơn.

Quá trình làm bánh cũng sẽ rèn cho trẻ tính khéo léo, từ tốn. Tương tự với các nhóm hoạt động khác, sau mỗi lần tham gia, các em sẽ tự rút ra bài học cho riêng mình và có sự tiến bộ hơn trong những lần tham gia tiếp theo”, chị Hóa bộc bạch.

Chia sẻ thêm, chị Hóa cho hay, nhiều trẻ đã gắn bó với trung tâm ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Một số phụ huynh vui mừng khoe với cô rằng sau khi tham gia học tập tại trung tâm, trẻ đã biết cách kiềm chế cảm xúc, biết yêu thương, gắn kết nhiều hơn với các thành viên trong gia đình. Những lời tâm tình ấy chính là động lực để các cán bộ, giáo viên tại Trung tâm Gieo nỗ lực làm việc tốt hơn mỗi ngày.

Các con được tự tay nhào bột làm bánh - Ảnh: T.P

Các con được tự tay nhào bột làm bánh - Ảnh: T.P

Thành lập từ năm 2016, Trung tâm Sáng tạo - Kỹ năng Zuna Edu tại địa chỉ 21 Nguyễn Thượng Hiền, Phường 2, TP. Đông Hà được biết đến là một trong những trung tâm giáo dục kỹ năng sống đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Anh Trần Trung Dũng, Giám đốc Zuna Edu cho hay, bên cạnh việc học văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống từ sớm cho trẻ cũng là một trong những cách giúp trẻ hoàn thiện bản thân. Định hướng của giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là giúp trẻ làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, thích nghi, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực trong các tình huống của cuộc sống. Kỹ năng sống luôn gắn bó với các giá trị sống như sự tôn trọng, sống có trách nhiệm, yêu thương, luôn tự tin, sáng tạo và ham hiểu biết...

Các giá trị này được truyền lại nhằm giáo dục cho mọi người sống có chuẩn mực và góp phần vào sự tiến bộ của xã hội. Kỹ năng sống thúc đẩy sự phát triển cá nhân, cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp con người xây dựng một xã hội có văn hóa. Giáo dục trải nghiệm cũng là cách hiệu quả để giúp trẻ tránh xa các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh.

Những năm qua, Zuna Edu đã triển khai rất nhiều hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng cho trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau bằng những tình huống giả định sát với thực tế nhất. Đó có thể là cách thoát khỏi một đám cháy hay cách tự nổi khi không may bị đuối nước...

Theo anh Dũng, thông qua những tình huống này, trẻ sẽ rút ra được những bài học, có được phản xạ từ trong tiềm thức, biết được cách xử lý trong các tình huống bất ngờ xảy ra, qua đó giúp tăng các chỉ số EQ (cảm xúc), IQ (trí tuệ), AQ (khả năng vượt khó), CQ (sáng tạo) ở trẻ.

Trải nghiệm cùng con

Vì bận rộn với công việc, vợ chồng chị L.P.H., hiện đang sống tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, để con trai mình tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ khi còn rất nhỏ. Vậy nên mới chỉ gần 5 tuổi nhưng bé đã sử dụng thành thạo remote ti vi hay điện thoại thông minh để tìm kiếm các chương trình mình yêu thích. Theo thời gian, con chị thích làm bạn với ti vi, điện thoại di động hơn là chơi chung với bạn bè như bao đứa trẻ khác.

Các học viên nhí phát huy tính sáng tạo thông qua hoạt động trang trí mặt nạ - Ảnh: T.P

Các học viên nhí phát huy tính sáng tạo thông qua hoạt động trang trí mặt nạ - Ảnh: T.P

Để giúp con thoát ra khỏi sự “cám dỗ” của các thiết bị điện tử, thông qua lời giới thiệu của bạn bè, chị H. đưa con đến tham gia 1 buổi workshop sáng tạo tranh giấy xoắn - Quilling Paper tại Trung tâm Gieo với chủ đề: “Ngồi xuống đây chơi”. Tranh giấy xoắn là một loại hình nghệ thuật dùng các loại giấy nhiều màu sắc cuốn lại và nắn tạo hình, sau đó dán lên các bề mặt, vật liệu khác nhau nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị nghệ thuật.

Nhìn qua thì có vẻ đơn giản nhưng mẹ con chị H. phải mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành tác phẩm của mình. Kết quả là không chỉ tạo ra một bức tranh đẹp mà buổi workshop đó còn tạo ra không gian, thời gian để mẹ con chị H. trao đổi, chia sẻ với nhau nhiều hơn. “Con trai tôi thực sự được vui cười thoải mái mà không cần chơi điện thoại.

Ngay cả bản thân tôi cũng nhận ra rằng vợ chồng mình đã quá ham công, tiếc việc mà quên mất là phải đồng hành, dành thời gian chơi cùng con, khiến khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa”, chị H. tâm sự.

Tại Gieo, bên cạnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm theo lịch cố định, trung tâm sẽ tổ chức các buổi workshop với sự tham gia của ba mẹ và con để gắn kết tình cảm gia đình. Nhiều bậc phụ huynh sau khi được trải nghiệm cũng dần hiểu được con mình hơn, lý giải được vì sao đôi khi con cái không chịu nghe lời mình để từ đó điều chỉnh hành vi tốt hơn.

Không chỉ tập trung vào việc giáo dục trải nghiệm, giáo dục kỹ năng cho trẻ mà Trung tâm Sáng tạo - Kỹ năng Zuna Edu cũng rất quan tâm đến việc kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Giám đốc Zuna Edu Trần Trung Dũng cho hay, sự bận rộn của cuộc sống hiện đại khiến việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái gặp rất nhiều khó khăn. Muốn trẻ phát triển một cách toàn diện, ngoài đầu tư cho con đi học ở trường này lớp nọ, bản thân phụ huynh phải là những người đầu tiên hiểu rõ về con mình. “Một số phụ huynh than vãn rằng con mình chỉ vâng lời khi có ti vi hay điện thoại mà không nhận ra rằng, chính họ là người vô tình tạo thói quen đó cho con. Chẳng hạn như khi còn nhỏ, con biếng ăn liền “dí” cho con điện thoại; con quấy khóc, làm ồn thì mở ti vi cho con xem...

Trên thế giới hiện có rất nhiều phương pháp nuôi con hiệu quả, tuy nhiên để áp dụng, phụ huynh nhất định phải hiểu con trước. Cùng con tham gia các hoạt động trải nghiệm cũng là một cách hay để ba mẹ hiểu con nhiều hơn”, anh Dũng chia sẻ.

Hiện, Trung tâm Zuna Edu tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa nhân các dịp đặc biệt để ba mẹ có cơ hội trải nghiệm cùng con, như chương trình “Xuân trải nghiệm khám phá” (năm 2020) hay chương trình “Hạnh phúc bên con” nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6 . Ở mỗi chương trình chính, khi tham gia cả ba mẹ lẫn con cái đều tương tác trực tiếp, gần gũi, chân thành, cùng nhau sống trong một môi trường không có điện thoại, laptop hay mạng internet.

Theo anh Dũng, sau các chương trình ngoại khóa, giáo dục trải nghiệm, không chỉ có các em nhỏ mà ngay chính các bậc phụ huynh cũng đã tiếp thu được bài học bổ ích cho mình. Có thể thấy, giáo dục trải nghiệm, giáo dục kỹ năng thông qua các hoạt động chơi mà học, học mà chơi giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo, tính năng động và thích ứng, từ đó phát triển năng lực cá nhân và tăng cường sự tự tin.

Quan trọng hơn cả, việc học trải nghiệm với trẻ giờ đây trở nên thú vị hơn khi có sự đồng hành của ba mẹ. Tham gia hoạt động trải nghiệm để không chỉ có con trẻ mà ba mẹ cũng học hỏi được rất nhiều.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/giup-con-lon-len-tu-nhung-trai-nghiem/180383.htm