Giúp con trốn nghĩa vụ quân sự: Bài học đắt giá

Nuông chiều con, hơn 30 phụ huynh ở Đắk Lắk đã tìm cách làm giấy tờ giả để 'giúp' con trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Toàn cảnh phiên xét xử 37 bị cáo liên quan vụ án tại thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk. Ảnh: THBH

Toàn cảnh phiên xét xử 37 bị cáo liên quan vụ án tại thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk. Ảnh: THBH

Cái giá phải trả là những bản án nghiêm khắc từ luật pháp, nhưng sâu xa hơn là “bản án lương tâm” về trách nhiệm với Tổ quốc và với chính tương lai của con cái mình.

Tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ

Ngày 9/12, ông Đặng Gia Duẩn, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) cho biết, TAND thị xã đã đưa 37 bị cáo ra xét xử sơ thẩm vụ án làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo cáo trạng, tháng 9/2023, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các xã, phường trên địa bàn thị xã Buôn Hồ tổ chức gọi, triệu tập công dân đến độ tuổi tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự để chuẩn bị cho đợt tuyển quân năm 2024.

Vì không muốn cho con mình tham gia khám tuyển, nhiều gia đình trên địa bàn phường Thống Nhất, Bình Tân đã trực tiếp, hoặc thông qua người khác liên hệ với Trịnh Thu Tâm (SN 1952) trú tại tổ dân phố Hợp Thành 4, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ để nhờ làm các giấy tờ giả (giấy báo trúng tuyển các trường đại học chính quy; giấy xác nhận sinh viên đang học tại trường đại học, cao đẳng).

Sau đó, những phụ huynh này nộp cho Ban Chỉ huy quân sự phường Thống Nhất và phường Bình Tân lừa dối rằng con họ đang học tập tại các trường để được tạm hoãn khám nghĩa vụ quân sự.

Tổng cộng, bị cáo Trịnh Thu Tâm đã làm giả 52 tài liệu là các bản gốc giấy báo nhập học, giấy trúng tuyển sinh và giấy xác nhận sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và tỉnh Đắk Lắk cho các bị cáo phụ huynh sử dụng. Tâm thu lợi bất chính số tiền 5.400.000 đồng.

Bị cáo Trần Thế Hùng (SN 1965) trú tại tổ dân phố Tân Hà 1, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ đã có hành vi đồng phạm với vai trò là người giúp sức tích cực cùng bị cáo Tâm làm giả 8 tài liệu giả thu lợi bất chính số tiền 8.500.000 đồng. Bị cáo Nguyễn Huy Hoàng (SN 1981) trú tại tổ dân phố Tân Hà 3, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ đã có hành vi đồng phạm, cùng Tâm làm giả 4 tài liệu thu lợi bất chính số tiền 11.000.000 đồng.

Sau khi có được các tài liệu làm giả từ Tâm, Hùng, Hoàng và Lưu Văn Quốc (đã chết), các bị cáo Phan Quang Hạnh, Nguyễn Văn Điển, Cao Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Hồng Lệ, Cao Thị Huyền Linh, Nguyễn Thanh Nhân, Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Bùi Thị Khiêm, Bạch Thanh Hiếu, Phan Huy Cương, Nguyễn Thị Mỹ Nguyệt, Lê Cẩm Hường, Nguyễn Thị Bích Hà, Võ Thị Thanh Thảo, Phan Thị Huệ, Võ Thị Ánh Nguyệt, Bùi Thị Vân Hạnh, Nguyễn Huy Thành, Hồ Thị Chung, Nguyễn Thị Thu Hằng, Bùi Thị Hồng Phương, Nguyễn Hoàng Thái Quốc, Nguyễn Xuân Hoàn, Phạm Văn Cẩn, Bùi Thị Thanh Hường, Phạm Thị Ngọc Phượng, Hoàng Thị Kim Thu, Cao Thị Diễm Sương, Nguyễn Thị Kim Ngân (cùng trú tại phường Thống Nhất) và các bị cáo Trần Văn Cường, Nguyễn Thị Kim Ngân, Cao Thị Hồng Loan, Nguyễn Thị Kim Anh, Hoàng Hậu, Nguyễn Hoàng Đỗ Quyên (cùng trú tại phường Bình Tân) nộp vào Ban Chỉ huy quân sự phường Thống Nhất và phường Bình Tân để trốn tránh nghĩa vụ quân sự cho con.

Tuy nhiên, qua rà soát, cơ quan chức năng phát hiện các loại giấy tờ nói trên là giả.

 Chỉ vì nuông chiều con, hơn 30 phụ huynh tại Đắk Lắk dính vòng lao lý. Ảnh: THBH

Chỉ vì nuông chiều con, hơn 30 phụ huynh tại Đắk Lắk dính vòng lao lý. Ảnh: THBH

Bản án của niềm tin và hy vọng

Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) khẳng định, ngay sau khi phát hiện vụ việc, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, đưa vụ án ra xét xử công khai.

“Chúng tôi kiên quyết phối hợp với các cơ quan chức năng đưa vụ việc ra ánh sáng nhằm mục đích, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân về công tác tuyển quân ở địa bàn trọng điểm. Đồng thời răn đe các đối tượng khác có ý định trốn tránh nghĩa vụ quân sự trên địa bàn và nghiêm trị những kẻ làm giấy tờ giả mạo vi phạm pháp luật”, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) chia sẻ quan điểm.

Cáo trạng khẳng định, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường và uy tín của các tổ chức, cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính về con dấu, các loại tài liệu, giấy tờ. Xâm hại đến trật tự quản lý hành chính, làm mất an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội tại địa phương.

Các bị cáo là những người cha, người mẹ cần phải có nhận thức đúng đắn để làm gương chấp hành các quy định pháp luật và giáo dục con em mình tự nguyện, tự giác nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng, vẻ vang của mỗi công dân đối với Tổ quốc.

Tuy nhiên, các bị cáo lại có hành vi làm giả và sử dụng giả các loại giấy tờ của cơ quan, tổ chức trái quy định của pháp luật, trốn tránh nghĩa vụ quân sự gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tuyển chọn công dân tham gia nghĩa vụ quân sự tại địa phương.

Vì vậy, HĐXX xét thấy cần xử phạt nghiêm để phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.

Trên cơ sở đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xem xét nhân thân của bị cáo và đề nghị của đại diện VKSND cùng cấp, HĐXX đã quyết định xử phạt bị cáo Trịnh Thu Tâm 3 năm 9 tháng tù; bị cáo Trần Thế Hùng 3 năm tù; bị cáo Nguyễn Huy Hoàng 2 năm tù; bị cáo Phan Quang Hạnh 9 tháng tù.

Các bị cáo còn lại cùng bị xử phạt 6 tháng tù. Chỉ duy nhất bị cáo Nguyễn Thị Bích Hà bị xử phạt 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng.

Bản án thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời là bài học cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong việc phối hợp, giáo dục, rèn luyện để con cái trưởng thành, thể hiện trách nhiệm công dân với quê hương, đất nước.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-con-tron-nghia-vu-quan-su-bai-hoc-dat-gia-post711688.html