Giúp dân thoát nghèo bền vững

Những năm gần đây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Qua rà soát vào cuối năm 2024, xã chỉ còn 16 hộ nghèo, chiếm 0,41% trong tổng số hộ dân; còn 72 hộ cận nghèo, chiếm 1,8%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, bao gồm cả hộ nghèo và hộ cận nghèo là 1,93%. Ðây là kết quả của cả quá trình nỗ lực hỗ trợ từ chính quyền và sự cố gắng của người dân”.

Trong công cuộc giảm nghèo, nhiều mô hình hỗ trợ thiết thực đã được triển khai. Một trong những điểm nhấn là chương trình hỗ trợ hệ thống tưới tự động dành cho các hộ khó khăn, giúp cải thiện hiệu quả canh tác, giảm chi phí và tăng thu nhập mà địa phương được thụ hưởng từ dự án.

Các cấp hội phụ nữ của xã Khánh Bình Tây quan tâm chia sẻ các mô hình hay để hội viên trên địa bàn tham quan, học hỏi.

Các cấp hội phụ nữ của xã Khánh Bình Tây quan tâm chia sẻ các mô hình hay để hội viên trên địa bàn tham quan, học hỏi.

Hộ bà Nguyễn Thị Yến, ấp Cơi 5, xã Khánh Bình Tây, một trong những hộ dân được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ này. Chồng bà qua đời vì bệnh tim, người con trai là lao động chính, cháu gái mắc bệnh tan máu bẩm sinh, hằng tháng phải đi TP Hồ Chí Minh thay máu, khiến chi phí sinh hoạt và điều trị trở thành gánh nặng lớn. Bà trồng rau trên khoảng 200 m² để cải thiện bữa ăn và bán kiếm thêm thu nhập, nhưng vì không có hệ thống tưới nên mỗi ngày bà phải vất vả xách nước tưới, nhất là khi vào mùa khô. Từ khi được hỗ trợ hệ thống tưới tự động, việc trồng rau của bà Yến trở nên nhẹ nhàng hơn.

“Tôi chỉ cần bật công tắc là nước tự động phun đều khắp vườn, tiết kiệm nước, công sức. Tiền điện mỗi tháng chỉ khoảng 120 ngàn đồng. Tôi cũng có thêm thời gian làm việc nhà và chăm sóc cháu, đi bỏ mối rau ở chợ, hằng tháng kiếm trên 7 triệu đồng từ trồng rau”, bà Yến xúc động nói.

Bà Nguyễn Thị Yến phấn khởi với khoản thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng từ trồng rau.

Bà Nguyễn Thị Yến phấn khởi với khoản thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng từ trồng rau.

Không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận hỗ trợ, người dân Khánh Bình Tây còn thể hiện tinh thần chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ðiển hình là hộ chị Nguyễn Thị Ðoàn ở ấp Cơi 6A, trước đây thuộc diện cận nghèo, sau khi được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tự động, chị mạnh dạn chuyển sang trồng rau diếp cá. Với 2 công đất, mỗi ngày chị bán trên 25 kg rau diếp cá, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Vợ chồng chị Ðoàn còn tự tìm hiểu trên mạng để cải tiến thêm. “Chồng tôi mua điều khiển từ xa với giá chỉ 225 ngàn đồng rồi gắn vào hệ thống tưới. Giờ chỉ cần bấm nút là nước tự chảy, không cần kéo cầu dao như trước. Khoảng cách điều khiển tới 50 m, rất tiện lợi”, chị Ðoàn phấn khởi kể.

Những kết quả tích cực này không thể có được nếu thiếu sự quan tâm sát sao từ chính quyền địa phương. Xã Khánh Bình Tây luôn chú trọng việc kết nối người dân với các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, địa phương còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Cảnh Hạnh chia sẻ: “Kế hoạch năm 2025, xã đặt mục tiêu giảm số hộ nghèo còn 4 hộ. Ban đầu chúng tôi dự tính xóa hoàn toàn hộ nghèo, nhưng thực tế có những trường hợp người neo đơn, không khả năng lao động nên rất khó thoát nghèo. Tuy vậy, chúng tôi phấn đấu giúp ít nhất 8 hộ thoát nghèo và từ 25-35 hộ cận nghèo vươn lên ổn định kinh tế trong năm 2025”.

Ngoài ra, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng nhà ở, tạo sinh kế cho các nhóm yếu thế như: phụ nữ đơn thân, người dân tộc thiểu số, người già không nơi nương tựa. “Chúng tôi luôn đặt mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn,” ông Hạnh nhấn mạnh./.

Hoàng Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/giup-dan-thoat-ngheo-ben-vung-a38715.html