Giúp dân ứng phó với triều cường, sạt lở
Từ giữa tháng 10-2024 đến nay, trên địa bàn huyện Nhà Bè liên tục xuất hiện nhiều đợt triều cường đạt đỉnh, khiến nhiều khu dân cư và các tuyến đường: Lê Văn Lương, Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát... bị ngập sâu, mức ngập phổ biến từ 0,3m đến 0,6m.
Triều cường thường xuất hiện từ 16 giờ đến 19 giờ, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đi lại của người dân, nhất là học sinh lúc tan trường. Ban CHQS huyện Nhà Bè đã tổ chức lực lượng dân quân ứng trực tại các điểm ngập kịp thời hỗ trợ người dân và các em học sinh.
Địa bàn huyện Nhà Bè trũng thấp, có nhiều sông, kênh, rạch cùng hệ thống đê, cầu, cống...; là một trong những khu vực trọng điểm của TP Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nặng từ các đợt triều cường. Ghi nhận từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 9 đợt triều cường lớn, làm nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập sâu.
Triều cường không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, giao thông của người dân mà còn có nguy cơ gây tràn, vỡ bờ bao tại nhiều điểm xung yếu ở các khu vực dân cư, khu nuôi trồng thủy sản. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm sẽ xuất hiện nhiều đợt triều cường đạt đỉnh, vượt mức báo động 3. Trên cơ sở nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, Ban CHQS huyện Nhà Bè đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên, đơn vị, đồng thời xây dựng quy chế làm việc cụ thể. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, các đơn vị, địa phương chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất, phương án tại chỗ sát từng địa bàn.
Xác định vai trò là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, Ban CHQS huyện Nhà Bè đã chủ động xây dựng, huấn luyện lực lượng nòng cốt với quân số hơn 200 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cùng nhiều phương tiện, bảo đảm ứng phó nhanh, hiệu quả với tình huống địa bàn ngập sâu trên diện rộng. Đơn vị đã tổ chức tập huấn, huấn luyện, luyện tập cho hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về phương pháp chằng chống, gia cố nhà cửa; phương pháp, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án sơ tán, di dời, bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và bảo đảm sản xuất, đời sống của người dân.
Ban CHQS huyện còn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, phát hiện 16/35 điểm, vị trí bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao, trong đó có 5 điểm nguy hiểm và 4 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Trên cơ sở khảo sát, đơn vị kịp thời phối hợp huy động cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tổ chức gia cố, xây dựng kè chống sạt lở và tham mưu triển khai xây dựng những dự án, công trình ứng phó với thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân.