Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng
Với sự quyết tâm của lực lượng Công an cùng sự chung tay đầy trách nhiệm của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã, các cơ quan, doanh nghiệp, mô hình 'Hội cựu chiến binh giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng'ở xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực.
Hải Lăng là địa bàn được đánh giá khá phức tạp về an ninh trật tự. Trong năm 2019, toàn huyện xảy ra 18 vụ phạm pháp hình sự, đã tiến hành khởi tố 15 vụ, chiếm tỉ lệ 89%. Chính vì vậy, những năm qua, huyện Hải Lăng phải tiếp nhận nhiều đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.
“Công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Trong đó, các ngân hàng chưa “cởi mở”, hạn chế về đối tượng và mức vốn vay. Một số doanh nghiệp e ngại giúp đỡ, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vì lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, công việc sản xuất, kinh doanh… Bên cạnh đó, không ít người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương chưa cố gắng học nghề, lao động, không vượt qua trở ngại tâm lý, mặc cảm với quá khứ lầm lỗi, nên số người chưa có việc làm, cuộc sống khó khăn còn nhiều. Những người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá chủ yếu là lao động thủ công, tay nghề thấp nên việc tìm, bố trí việc làm sau khi chấp hành xong án phạt gặp khó khăn…”, Trung tá Văn Khiêm, Đội trưởng Đội thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Hải Lăng, cho biết.
Mô hình “Hội cựu chiến binh giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” được triển khai thực hiện thí điểm ở xã Hải Thọ ngay từ những ngày đầu đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện tối đa của các cấp ủy chính quyền và sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía người dân. Việc ra đời của mô hình có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Thông qua mô hình sẽ giúp người chấp hành xong án phạt tù tránh sự kỳ thị của người xung quanh, giúp họ xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm, yên tâm lao động sản xuất để dần ổn định cuộc sống.
Sau khi đi vào hoạt động, được sự hướng dẫn của các đội nghiệp vụ Công an huyện, UBND xã Hải Thọ đã giao 9 trong 23 người chấp hành xong án phạt tù năm 2018 cho Hội Cựu chiến binh xã trực tiếp quản lý. Bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, các thành viên trong Hội Cựu chiến binh xã Hải Thọ đã không quản ngại khó khăn, vất vả để tận tình giúp đỡ, hỗ trợ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng bằng những việc làm thiết thực như: Định hướng nghề nghiệp; thường xuyên gặp gỡ, động viên tinh thần, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp cùng với mặt trận, các đoàn thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức hội, đoàn thể nơi cư trú…
Sau 1 năm triển khai thực hiện, những người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn xã đã có những chuyển biến rõ rệt, yên tâm lao động sản xuất, dần ổn định cuộc sống. Đã có 4 người được tạo điều kiện việc làm tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn với thu nhập ổn định; hỗ trợ vay vốn để kinh doanh, buôn bán... Như trường hợp của anh Phan Bá Hiếu ở Thôn 2, xã Hải Thọ là một ví dụ. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, anh trở về địa phương và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ tận tình của Hội Cựu chiến binh xã, đến nay đời sống kinh tế của anh đã dần ổn định. Từ đó, anh cũng yên tâm hơn với những dự định của mình trong thời gian tới.
Anh Phan Bá Hiếu chia sẻ: Từ ngày tôi được tha tù quay trở về địa phương, nhận được sự quan tâm của các cô, các chú, tôi quyết tâm làm lại cuộc đời từ đầu. Được hỗ trợ vay vốn và nhận được sự quan tâm của các ban, ngành địa phương, tôi đã mở quán cà phê để buôn bán, chú tâm làm kinh tế nuôi vợ, nuôi con, làm người có ích cho xã hội.
Anh Phan Minh, Chủ tịch UBND xã Hải Thọ cho biết thêm: Ngoài chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các trường hợp đã chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về địa phương xóa bỏ mặc cảm sớm ổn định cuộc sống, UBND xã đã phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với gia đình để nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, từ đó chủ động đưa ra những biện pháp quản lý, giúp đỡ phù hợp từng đối tượng cụ thể; đồng thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để họ chấp hành tốt nghĩa vụ của công dân, qua đó kịp thời ngăn chặn nguy cơ tái phạm.
Với những hiệu quả bước đầu cũng như ý nghĩa hết sức nhân văn, mang hiệu ứng xã hội cao, thiết nghĩ mô hình “Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” cần hơn nữa sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, người dân để phát huy hơn nửa hiệu quả của mô hình.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=146783