Giúp đoàn viên bớt khó khăn

Nhiều giải pháp cụ thể đã được các cấp Công đoàn đề xuất để hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như vận động giảm giá thuê nhà trọ, điện nước, tiền gửi trẻ

"Dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến đời sống của đoàn viên và người lao động (NLĐ). Ở nhiều doanh nghiệp (DN), NLĐ chỉ nhận lương chờ việc, có DN đã phải cho 50% NLĐ tạm nghỉ việc. Ngoài kịp thời đề xuất các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ DN ổn định sản xuất, các cấp Công đoàn (CĐ) cần phải có những giải pháp cụ thể san sẻ khó khăn với NLĐ". Bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM, góp ý như vậy tại Hội nghị trao đổi, đề xuất giải pháp chăm lo đoàn viên CĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM tổ chức vào sáng 5-3.

Phải hành động thiết thực

Thảo luận tại hội nghị, đại diện nhiều CĐ cấp trên cơ sở cho biết số DN và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là khá lớn, tập trung ở các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giáo dục, dệt may. Việc DN gián đoạn sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng khiến NLĐ đối diện với nguy cơ mất việc làm.

Để hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống, trước mắt, theo bà Đỗ Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức, các cấp CĐ phải hành động quyết liệt và có trọng tâm. "Ngoài vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê cho công nhân (CN), cần tính toán tổ chức các "Phiên chợ 0 đồng" để san sẻ gánh nặng sinh hoạt phí cho NLĐ" - bà Hiền đề xuất. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, cho rằng việc vận động chủ nhà trọ xem xét giảm tiền thuê nhà, miễn hoặc giảm tiền điện - nước cho CN trong thời điểm này là việc làm thiết thực nhất. Tuy nhiên, để hoạt động chăm lo có chiều sâu, LĐLĐ TP nên kiến nghị với Tổng LĐLĐ Việt Nam điều chỉnh mức chăm lo theo hướng tăng lên, đồng thời tăng tỉ lệ điều tiết kinh phí CĐ về cơ sở.

Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP, việc các trường học và cơ sở giáo dục chưa mở cửa trở lại khiến CN gặp khó khăn trong việc gửi con. Do đó, CĐ cơ sở cần chủ động khảo sát để nắm số lượng bị ảnh hưởng, từ đó đề xuất người sử dụng lao động bố trí ngày nghỉ phép năm phù hợp hoặc có chính sách hỗ trợ cho nữ CN có con nhỏ. "Việc chung tay giám sát kiểm soát dịch tại DN cũng có ý nghĩa quan trọng không kém, nhất là đối với các đơn vị có sử dụng chuyên gia Trung Quốc, Hàn Quốc. CĐ cơ sở phải tham gia rà soát, đề nghị cách ly với những trường hợp từ vùng dịch trở về để tạo sự yên tâm trong tập thể NLĐ" - ông Tuấn lưu ý.

Bà Phạm Thị Thủy Tiên - chủ nhà trọ ở quận Thủ Đức, TP HCM - dạy học cho con công nhân tại nhà trọ. Ảnh: HỮU QUYỀN

Bà Phạm Thị Thủy Tiên - chủ nhà trọ ở quận Thủ Đức, TP HCM - dạy học cho con công nhân tại nhà trọ. Ảnh: HỮU QUYỀN

Ổn định quan hệ lao động

Theo đại diện các CĐ cấp trên cơ sở, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Tây Âu là các thị trường quan trọng của DN trong nước. Tình hình dịch bệnh tại các nơi này diễn biến hết sức phức tạp kéo theo những hệ lụy trong quan hệ lao động tại DN. Do vậy, ngoài sớm triển khai giải pháp chăm lo đồng bộ cho đoàn viên và NLĐ, các cấp CĐ phải làm tốt công tác dự báo tình hình để có thể giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, ưu tiên hàng đầu của các cấp CĐ là nâng cao kỹ năng thương lượng cho cán bộ CĐ cơ sở. Ông Hải nêu tình huống thực tế: "NLĐ nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh là nghỉ chờ việc, nghỉ việc do DN tạm ngưng hoạt động hay ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh? Cán bộ CĐ phải nắm thật chắc tình huống này để có cơ sở đề xuất DN giải quyết chế độ hợp lý cho NLĐ". Ông Hải cũng đưa ra ý tưởng kết nối thông tin giữa LĐLĐ các quận, huyện trong việc nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN để từ đó giới thiệu việc làm cho CN bị mất việc.

Nhiều ý kiến đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ về thuế (miễn, giảm hoặc giãn nợ) cho các DN bị thiệt hại do bệnh dịch để tái sản xuất, như vậy mới bảo đảm được việc làm cho NLĐ. Ông Phạm Văn Hoa, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, nhận định: "Rơi vào khó khăn, nhiều DN không có khả năng đóng bảo hiểm thất nghiệp và điều này sẽ gây thiệt thòi cho NLĐ. Dịch bệnh không ai mong muốn, do đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm kiến nghị với Quốc hội ban hành nghị quyết phù hợp, trong đó xem thời gian NLĐ nghỉ do dịch bệnh là thời gian có đóng bảo hiểm thất nghiệp để NLĐ đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời các cấp CĐ phải hướng dẫn NLĐ để họ hiểu và hưởng quyền lợi của mình" - ông Hoa nhấn mạnh.

“Dịch bệnh Covid -19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của đoàn viên, NLĐ. Là tổ chức đại diện cho NLĐ, đây là lúc CĐ cần thể hiện vai trò của mình, tìm kiếm những giải pháp phù hợp, cụ thể để hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Song song với đề xuất của CĐ cấp trên, LĐLĐ TP sẽ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chăm lo, hỗ trợ phù hợp để san sẻ khó khăn với đoàn viên và NLĐ” - ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM , nhấn mạnh.

THANH NGA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/giup-doan-vien-bot-kho-khan-2020030521372227.htm