Giúp doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ sản phẩm

Doanh nghiệp 2 tỉnh tìm hiểu sản phẩm của nhau tại Hội nghị “Kết nối giao thương Phú Yên - Lâm Đồng năm 2020”. Ảnh: KHANG ANH

Hội nghị “Kết nối giao thương Phú Yên - Lâm Đồng năm 2020” vừa được tổ chức tại Phú Yên. Đây được xem là cơ hội hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của 2 tỉnh, góp phần thúc đẩy cung ứng và tiêu thụ hàng hóa.

Thêm cơ hội cho doanh nghiệp

Tại hội nghị “Kết nối giao thương Phú Yên - Lâm Đồng năm 2020” năm nay, 2 tỉnh có gần 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối, cửa hàng tiện lợi tham gia, trưng bày nhiều sản phẩm đặc trưng như thủy, hải sản 1 nắng, nước mắm, cà phê, thực phẩm khô, trà, thảo dược, rau quả tươi, sấy khô... Bà Trần Hồng Tươi, Giám đốc Công ty TNHH Rau hoa Sông Bill (Lâm Đồng) cho biết: “Sản phẩm chính của công ty tôi là đông trùng hạ thảo được trồng và phân phối tại Đà Lạt với doanh thu mỗi tháng khoảng 400 triệu đồng. Các sản phẩm chủ yếu phân phối ra thị trường là nấm tươi, nấm sấy khô, con nhộng tươi, nhộng sấy khô… Tham gia chương trình này, chúng tôi muốn giới thiệu sản phẩm cho doanh nghiệp Phú Yên, với hy vọng sản phẩm do chính công ty sản xuất đến được với người tiêu dùng Phú Yên”.

Là một trong những cơ sở sản xuất diệp hạ châu ở Phú Yên tham gia giới thiệu sản phẩm lần này, ông Hoàng Xuân Lâm, đại diện Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất dược liệu Miền Trung (phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa) cho hay: “Các sản phẩm sản xuất tại trung tâm phần lớn ở dạng thô, bột, cao… đều được làm từ lá cây diệp hạ châu. Hiện đơn vị đã cung cấp nguyên liệu từ diệp hạ châu cho một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở TP Đà Lạt. Tuy nhiên, trung tâm rất muốn tìm thêm đối tác ở Lâm Đồng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi cũng mong được tham gia nhiều hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp các tỉnh với nhau để vừa giới thiệu sản phẩm, vừa chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh”.

Trao đổi về hội nghị “Kết nối giao thương Phú Yên - Lâm Đồng năm 2020”, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Triển khai đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sở đã phối hợp với các tỉnh tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, để doanh nghiệp Phú Yên và các tỉnh có điều kiện tiếp cận, phối hợp kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Nhận thấy sản phẩm đặc trưng của Phú Yên và Lâm Đồng có sự khác biệt, có thể hỗ trợ tiêu thụ nên đơn vị đã nhiều lần tạo cơ hội cho doanh nghiệp 2 tỉnh gặp gỡ, tìm hiểu lẫn nhau. Mỗi lần kết nối là có nhiều doanh nghiệp mới tham gia, là cơ hội cho các doanh nghiệp tìm thêm đối tác. Trong đợt này, doanh nghiệp Lâm Đồng và Phú Yên đã ký kết một số bản hợp tác ghi nhớ cung ứng, phân phối hàng hóa lâu dài, góp phần tạo nguồn lợi cho nhau, thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao khả năng cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại.

Tăng cường hỗ trợ

Theo hội doanh nghiệp 2 tỉnh, đa số doanh nghiệp sản xuất, phân phối của Phú Yên và Lâm Đồng có quy mô nhỏ và vừa, năng lực quảng bá còn yếu và chưa có nhiều đối tác làm ăn lớn. Do đó, cùng với sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp, các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ trong hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm để cộng đồng doanh nghiệp có nhiều cơ hội phát triển hơn.

Ông Bùi Phát, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Hàng năm, Sở Công thương Lâm Đồng luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương tham gia hoạt động xúc tiến nội địa để tăng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong số các tỉnh thành khác thì Phú Yên là đối tác được doanh nghiệp Lâm Đồng lựa chọn phối hợp kết nối kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Chúng tôi cũng mong tỉnh Phú Yên, Sở Công thương Phú Yên tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Lâm Đồng có những thuận lợi trong quá trình làm ăn với doanh nghiệp Phú Yên”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, sở cũng như các doanh nghiệp mong muốn ngày càng có nhiều sản phẩm Lâm Đồng có mặt ở Phú Yên và ngược lại. Để việc sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, các doanh nghiệp cần nắm bắt thêm quy trình sản xuất, bảo quản sản phẩm, cách thức đưa sản phẩm ra thị trường đạt hiệu quả cao.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình. Đồng thời chú trọng xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm, chủ động hơn trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Yên

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/241177/giup-doanh-nghiep-mo-rong-tieu-thu-san-pham.html