Giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất

Triển khai thực hiện Dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất và xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ của nhân dân bản Ớt Chả, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn.

Mô hình trồng cà phê theo hướng hữu cơ của nhân dân bản Ớt Chả, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn.

Từ năm 2021 đến nay, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, được sự hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đã phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đưa giống cây trồng mới năng suất, giá trị kinh tế vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập cho nhân dân.

Sau khi tham gia các lớp tập huấn, năm 2022, anh Hoàng Văn Thiều, bản Ớt Chả, xã Nà Ớt, đã mạnh dạn cải tạo 2 ha cà phê của gia đình theo hướng hữu cơ. Anh Thiều cho biết: Từ khi áp dụng kỹ thuật bấm ngọn, tỉa cành, mỗi năm vườn cà phê cho thu hoạch gần 40 tấn quả, bán với giá trung bình 14.000 đồng/kg, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm, cao hơn 10 tấn so với trước đây.

Ông Lò Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Nà Ớt, cho biết: Từ nguồn hỗ trợ các chương trình giảm nghèo, hằng năm, xã và các tổ chức đoàn thể phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở ít nhất 1 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho nhân dân. Từ năm 2021 đến nay, xã chuyển đổi 92 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả lên 428 ha, chủ yếu là xoài Đài Loan, nhãn, mận hậu, sản lượng trên 5.000 tấn quả/năm; trồng mới 120 ha cà phê, nâng tổng số diện tích lên 1.000 ha cây cà phê, sản lượng trên 2.500 tấn quả/năm, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Còn tại huyện Phù Yên, được giao trên 31 tỷ đồng thực hiện các dự án, huyện đã triển khai hỗ trợ đồng bào trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết: Huyện đã hỗ trợ hơn 4,7 tỷ đồng trồng mới trên 400 ha rừng sản xuất; hỗ trợ 9,6 tỷ đồng bảo vệ 22.673 ha rừng tự nhiên phòng hộ, rừng sản xuất giao cho các chủ rừng trên địa bàn các xã thuộc khu vực II, III. Hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng bảo vệ rừng và trợ cấp gạo trồng rừng cho 305 chủ rừng là các hộ gia đình, cộng đồng tại 9 xã, với tổng diện tích hơn 5.000 ha, giúp đồng bào các dân tộc có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế từ rừng.

Bản Lềm, xã Huy Tân, nhận khoanh nuôi, bảo vệ hơn 400 ha rừng, cùng với tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ năm 2022, bản còn được nhận thêm 160 triệu đồng hỗ trợ bảo vệ rừng từ Dự án, góp phần nâng cao thu nhập, nhân dân yên tâm gắn bó, bảo vệ rừng. Anh Đinh Văn Mừng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Bản có 150 hộ, thành lập 10 tổ quản lý bảo vệ rừng, luân phiên tuần tra, bảo vệ, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, PCCCR. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, bản không có hiện tượng chặt phá rừng, không xảy ra cháy rừng.

Triển khai Dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ 50,7 tỷ đồng phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư bản, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình dân tộc Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã khu vực II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý tại huyện Vân Hồ. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi nghiệp và thu hút đầu tư trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 3%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 gần 49 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Dự án“Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” còn khó khăn. Ông Lường Văn Toán, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ban đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất kiến nghị với Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo từ 4-5%/năm; có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, có 44% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài, ảnh: Quàng Hưởng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-phat-trien-san-xuat-T00gDrWSg.html