Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thực sự hưởng lợi từ những Quyết sách mang tính lịch sử

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang triển khai một số dự án quan trọng, cấp thiết để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số phát triển sản xuất

Toàn huyện Hương Khê có 293 hộ/1.061 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc thiểu số Lào, Mường và Chứt. Riêng đồng bào dân tộc Chứt hiện có 62 hộ/210 nhân khẩu, nằm trong khu vực địa giới hành chính của xã Hương Liên và xã Hương Vĩnh.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xuống đồng giúp bà con gieo cấy.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh xuống đồng giúp bà con gieo cấy.

Người Chứt là một nhóm nhỏ của dân tộc Mã Liềng, trước đây đồng bào dân tộc Chứt sống du canh, du cư bằng cách săn bắt, hái lượm, sống trong các hang động hoặc các lều tạm bợ bằng lá cây rừng. Trải qua các giai đoạn khác nhau, đến nay, đồng bào dân tộc Chứt đã sống định cư ổn định trên vùng đất Ka Đay - xã Hương Liên và được đặt tên là bản Rào Tre.

Hiện nay bản Rào Tre có 46 hộ, 156 nhân khẩu sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo 90,3%, cận nghèo 9,7%; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em 26%.

Những năm qua, các cấp, ngành, tổ chức luôn ưu tiên dành nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn vùng đồng bào sinh sống. Đơn cử như công trình điểm trường mầm non với tổng mức đầu tư 2 tỷ đồng; đường giao thông nông thôn 1,75 tỷ đồng… Các đơn vị, tổ chức cũng thường xuyên hỗ trợ cây giống, kỹ thuật sản xuất, triển khai các hoạt động sinh kế hỗ trợ đồng bào ổn định sản xuất, đời sống.

Nhiều chính sách được đưa ra để hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều chính sách được đưa ra để hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, năm 2022, thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Hương Liên đã thành lập Tổ sản xuất bản Rào Tre gồm 20 hộ, trong đó có 5 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, 3 hộ thoát nghèo.

Từ nguồn chính sách hỗ trợ, địa phương đã tập trung cải tạo đồng ruộng, đất canh tác tại khu vực ven sông Ngàn Sâu với diện tích 2,65 ha. Đồng thời, tổ chức làm đất, xây dựng hàng rào, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con trồng cỏ, trồng ngô để chăn nuôi bò nái sinh sản. Ngoài ra, tổ sản xuất sẽ được hỗ trợ 1 máy cày. Bà con dân bản được hỗ trợ mua sắm nông cụ phục vụ sản xuất như cuốc đào, cuốc bàn, cào sắt. Cùng đó, xây dựng 20 chuồng trại cho 20 hộ dân tham gia dự án. Hiện địa phương đang tìm kiếm nguồn con giống chất lượng để tổ chức bàn giao cho bà con.

Chị Hồ Thị Bình, người dân bản Rào Tre phấn khởi nói: "Người dân tộc Chứt vẫn còn nghèo lắm. Bà con không có vốn, kiến thức về phát triển kinh tế còn hạn chế, đất ruộng, rẫy quá ít nên vẫn phải nhận gạo trợ cấp của Nhà nước để duy trì cuộc sống. Khi biết có dự án hỗ trợ bà con chăn nuôi bò, chúng tôi rất vui. Hi vọng chúng tôi sẽ biết cách làm ăn, sẽ có cơ hội thoát nghèo, tự lập trong cuộc sống".

Đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc Chứt ngày càng được nâng lên, các em nhỏ được đến trường đầy đủ.

Đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc Chứt ngày càng được nâng lên, các em nhỏ được đến trường đầy đủ.

Tại bản Giàng II thuộc địa bàn xã Hương Vĩnh (có 12,8 km đường biên giới), có 15 hộ/56 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo 86%, suy dinh dưỡng ở trẻ em 20%.

Ông Trần Văn Thị, Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh cho hay, thu nhập của bà con dân tộc Chứt vẫn chủ yếu dựa vào nghề đi rừng, sản xuất nông nghiệp và dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

"Thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, UBND xã đã lựa chọn 7 hộ dân trong bản xây dựng chăn nuôi bò sinh sản. Đến nay, chúng tôi đã quy hoạch, cải tạo khu vực sản xuất mới với diện tích gần 1 ha để bà con trồng cỏ. Đồng thời, xã cũng đã lên phương án, dự kiến tháng 10 sẽ bàn giao bò nái cho bà con” - lãnh đạo xã Hương Vĩnh thông tin.

Lãnh đạo huyện Hương Khê chung vui Tết Lấp lỗ cùng bà con dân tộc Chứt.

Lãnh đạo huyện Hương Khê chung vui Tết Lấp lỗ cùng bà con dân tộc Chứt.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, do đặc thù quá trình phát triển của đồng bào dân tộc Chứt, thời gian qua, mặc dù được địa phương, các nhà hảo tâm luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người dân nơi đây nhưng nhìn chung đời sống của bà con dân bản vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo huyện Hương Khê, từ khi có nhiều chủ trương, chính sách đến với dân bản nơi đây đã giúp bà con dân tộc có một bước phát triển mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, các em trong độ tuổi được đến trường đầy đủ và theo từng cấp học.

Hiện nay bà con dân bản đã từng bước biết sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ đã có nhà ở kiên cố, mái ngói đỏ tươi, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới và có đủ nước sạch sử dụng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc được quan tâm. Đặc biệt, tình trạng hôn nhân cận huyết đã chuyển biến tích cực, cơ bản đồng bào đã nhận thức được hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Hương Khê đang triển khai một số dự án quan trọng, cấp thiết như “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”; “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt”; “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”; “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”.

Khám, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào thiểu số

Đoàn Thanh niên Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh vừa phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chương trình khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân tại xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê.

Tỉnh đoàn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh tổ chức chương trình khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc Chứt, các trường hợp chính sách và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hương Liên.

Tỉnh đoàn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh tổ chức chương trình khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc Chứt, các trường hợp chính sách và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hương Liên.

Chương trình khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí là hoạt động ý nghĩa, thiết thực, nhằm góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Qua thăm khám, các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đã tư vấn cách phòng và điều trị một số nhóm bệnh chủ yếu mà người dân thường gặp, như tăng huyết áp, bệnh lý dạ dày, tim mạch, hô hấp, bệnh về mắt, tai ở người có tuổi. Bên cạnh đó, tuyên truyền giúp bà con nhân dân nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Dịp này đoàn đã khám, tư vấn cho 150 người thuộc hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, cấp 150 cơ số thuốc trị giá hơn 40 triệu đồng.

Chương trình "Nâng bước em đến trường"

Chương trình “Nâng bước em đến trường” và mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” của Bộ đội Biên phòng đã và đang tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho học sinh nghèo ở vùng biên được đến trường.

Mỗi dịp khai giảng năm học mới, những người Bố Biên phòng lại mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho các con và thủ thỉ những lời căn dặn các con trước khi đến trường.

Chương trình “Nâng bước em đến trường” và mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” của Bộ đội Biên phòng tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho học sinh nghèo ở vùng biên được đến trường.

Chương trình “Nâng bước em đến trường” và mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” của Bộ đội Biên phòng tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho học sinh nghèo ở vùng biên được đến trường.

Hơn 5 năm qua, em Hồ Thị Hằng, học sinh lớp 9 cùng 3 học sinh khác là người đồng bào dân tộc Chứt được Đồn Biên phòng Bản Giàng bố trí ăn ở, học tập, sinh hoạt ngay trong Tổ công tác Biên phòng cắm bản.

Còn đối với em Mai Nữ Quỳnh Anh, học sinh lớp 11A4, Trường THPT Lê Quảng Chí, thị xã Kỳ Anh, em chỉ có mẹ nhưng người mẹ không có việc làm lại phải nuôi 2 chị em ăn học, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bảy năm học vừa qua em được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng, trong chương trình “nâng bước em đến trường”, tạo động lực rất lớn cho em trong học tập, nhiều năm liền Quỳnh Anh đạt học sinh giỏi toàn diện.

Chương trình “Nâng bước em đến trường”,“ Con nuôi đồn Biên phòng” được BĐBP Hà Tĩnh triển khai từ nhiều năm nay nhằm hỗ trợ các em học sinh nghèo, học sinh vùng dân tộc thiểu số gặp hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Đến nay, đã có 68 học sinh được hỗ trợ với số tiền mỗi tháng 500 ngàn đồng, tính từ khi nhận hỗ trợ đến khi học hết bậc THPT.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã Hương Liên, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Tổ công tác bản Rào Tre luôn quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Chứt. Đã có nhiều chủ trương, chính sách đến với dân bản nơi đây, điều này đã giúp đỡ bà con dân tộc có một bước phát triển mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, các em trong độ tuổi được đến trường đầy đủ và theo từng cấp học. Công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới được đảm bảo.

Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giup-dong-bao-dan-toc-thieu-so-thuc-su-huong-loi-tu-nhung-quyet-sach-mang-tinh-lich-su-169230910161418038.htm