Giúp du lịch nông nghiệp, sinh thái phát triển bền vững

Du lịch nông nghiệp, sinh thái là một trong những loại hình du lịch được các ngành, doanh nghiệp du lịch và cả người dân TP Hồ Chí Minh cùng vào cuộc xây dựng, phát triển với nhiều giải pháp linh hoạt và phù hợp…

Hiện nay, thành phố có 114.580 ha đất nông nghiệp (chiếm khoảng 54,68% tổng diện tích đất tự nhiên); trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 66.000 ha, chủ yếu được phân bố tại năm huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Thành phố cũng đã xác định, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ. Trong đó, hoa, cây kiểng là một trong những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố. Ðây cũng chính là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch thành phố xây dựng, phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp thu hút du khách trong và ngoài nước. Ðồng thời, các chủ nhà vườn ở khu vực các huyện có thể nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát triển các vườn hoa, cây kiểng, nuôi cá, nuôi bò sữa trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng cho khách du lịch.

Mới đây, tại Festival Hoa lan TP Hồ Chí Minh 2019, đề cập về tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp từ các nhà vườn trồng hoa lan, đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố đã nhấn mạnh: Diện tích trồng lan các loại của thành phố từ 63 ha vào năm 2006, đã tăng lên 375 ha vào cuối năm 2018; cung ứng ra thị trường 80 triệu cành lan và hơn 5 triệu chậu lan các loại. Lan nhiệt đới đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chủ lực cùng với cây rau, cây kiểng, bon-sai… Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch thành phố thì: Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, công tác khảo sát, kết nối các điểm đến du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn mới, sinh thái đã được các ngành du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương và nhiều doanh nghiệp lữ hành triển khai. Chẳng hạn, tại huyện Củ Chi đã có một số điểm đến du lịch gắn với các giá trị lịch sử văn hóa, xây dựng nông thôn mới được khảo sát, như: Nông trang Xanh Green Noen - khu di tích địa đạo Củ Chi, bến Dược - bến Ðình - làng nghề bánh tráng Phú Hòa Ðông… Các doanh nghiệp lữ hành đã kết nối, triển khai một số chương trình du lịch kết hợp tham quan các nhà vườn sinh thái nông nghiệp như: vườn kiểng Minh Tân, vườn hoa lan, làng rau sạch Củ Chi. Tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè…, Sở Du lịch phối hợp các doanh nghiệp du lịch sinh thái tổ chức đoàn khảo sát một số điểm, tuyến du lịch như vườn cây kiểng bon-sai, vườn hoa lan, làng trồng hoa… Sở Du lịch cũng chủ động phối hợp các sở, ngành, quận, huyện, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp để khai thác, đưa vào phục vụ du khách một số chương trình tham quan như: tuyến du lịch trải nghiệm tại Nông trang Xanh Green Noen ở Củ Chi, tuyến du lịch đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ); tuyến du lịch đường thủy từ bến Bạch Ðằng đi huyện Nhà Bè… tuyến du lịch đường thủy đến Trung tâm triển lãm Yến Sào ở huyện Cần Giờ - Khu du lịch sinh thái Dần Xây, Khu du lịch Vàm Sát (huyện Cần Giờ)… Vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, Saigontourist đã có tua du lịch nông nghiệp đi địa đạo Củ Chi - vườn lan - vườn nấm trong thời gian một ngày, tạo thuận lợi cho nhiều du khách đến tham quan Festival Hoa lan và sau đó về ngoại thành, để có thêm những trải nghiệm thú vị tại vườn trồng hoa, trồng nấm… Ðể góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng, thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục khảo sát, hỗ trợ, hoàn thiện các điểm đến, hình thành sản phẩm và dịch vụ du lịch; kết nối các điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành. Ðồng thời, ngành du lịch sẽ tổ chức cho các hộ dân có tiềm năng và có nhu cầu phát triển du lịch cộng đồng (homestay) học tập mô hình này tại một số địa phương lân cận.

BND thành phố cũng đã có chỉ đạo đến các sở, ban, ngành, quận, huyện cần xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Trong đó, UBND thành phố lưu ý việc phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; lấy lợi ích của cộng đồng dân cư là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng từng vùng, miền là nền tảng về thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở thành phố. Cụ thể, giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, ngành có liên quan và UBND năm huyện của thành phố khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển du lịch nông thôn, nhất là chính sách liên quan các thủ tục quản lý người nước ngoài, quản lý lưu trú; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân làm du lịch ở nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển du lịch (nguồn vốn từ ngân hàng, các quỹ đầu tư, quỹ vốn vay từ các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp); chính sách hỗ trợ đào tạo cho người dân nông thôn làm du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ đặc trưng của mỗi địa phương, vùng, miền, làm cơ sở để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, tiêu thụ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/40645802-giup-du-lich-nong-nghiep-sinh-thai-phat-trien-ben-vung.html