Giúp học sinh định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 10
Ngày 3/8/2022, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 13 sửa đổi, bổ sung Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó, có 2 nội dung mới đáng chú ý, đó là đưa Lịch sử trở thành môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh THPT; điều chỉnh còn 9 môn học tự chọn và học sinh được chọn 4/9 môn học bất kỳ để học. Theo nhiều ý kiến, những điểm mới này đã đáp ứng nguyện vọng của người dân và tạo thuận lợi cho học sinh trong việc lựa chọn các môn tự chọn theo định hướng nghề nghiệp.
Chương trình GDPT 2018 trước đây quy định, học sinh THPT học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương.
5 môn học khác được lựa chọn từ 10 môn thuộc 3 nhóm (mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn), gồm nhóm môn KHXH (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật), nhóm môn KHTN (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Hiện nay, với Thông tư 13, môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc thứ 8 đối với học sinh THPT với thời lượng 52 tiết/năm và 35 tiết/năm chuyên đề học tập lựa chọn; còn 9 môn tự chọn và học sinh được chọn 4/9 môn học bất kỳ theo năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp.
Theo Bộ GDĐT, việc điều chỉnh một số nội dung tại Thông tư 13 thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản: Tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình GDPT tổng thể và đặc điểm môn Lịch sử; không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học; bảo đảm dung lượng kiến thức phù hợp với nhận thức của tất cả đối tượng học sinh; bảo đảm tính cơ bản, hệ thống; đồng thời, giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp THPT...
Ngay sau khi Thông tư 13 được ban hành đã thu hút sự quan tâm và tạo được sự đồng thuận trong đại đa số người dân, nhất là các nhà trường và phụ huynh, học sinh. Chị Đỗ Thị Bích Liên, có con gái học lớp 10 năm học 2022 - 2023 cho biết: "Tôi rất phấn khởi khi Bộ GDĐT đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục cấp THPT, đáp ứng nguyện vọng giáo dục cho học sinh về truyền thống, cội nguồn dân tộc, lịch sử dựng nước – giữ nước của cha ông. Về nội dung điều chỉnh các môn học tự chọn cũng tạo thuận lợi cho học sinh lớp 10 lựa chọn các môn học tự chọn".
Học sinh cũng nhận thấy, Thông tư 13 của Bộ GDĐT giúp các em dễ dàng lựa chọn các môn học tự chọn theo năng lực, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp. Em Khổng Đức Anh, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Thái Học, thành phố Vĩnh Yên cho biết: "Trước đây, em muốn theo học khối A sẽ học các môn Vật lý, Hóa học và 3 môn tự chọn khác, trong đó, phải có 1 môn ở nhóm KHXH, 1 môn ở nhóm Công nghệ và Nghệ thuật.
Nhưng theo Thông tư 13, em sẽ được chọn 2 môn Vật lý, Hóa học và 2 môn tự chọn bất kỳ. Như vậy, sự lựa chọn của em không bị giới hạn trong nhóm môn, số môn học của em giảm, em học chuyên sâu hơn sẽ thuận lợi khi thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học".
Thông tư 13 cũng giúp các trường THPT thuận lợi triển khai Chương trình GDPT 2018. Hiện, 29 trường THPT trên địa bàn tỉnh đã phổ biến Thông tư 13 đến học sinh lớp 10 và tổ chức tư vấn, định hướng học sinh lựa chọn 4 môn học tự chọn đảm bảo phù hợp với khả năng, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của các em sau THPT; đồng thời, cân bằng với điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của nhà trường.
Ngày 23/8/2022, Trường THPT Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên đã tổ chức tập trung 420 học sinh lớp 10 để phổ biến về điểm mới của Thông tư 13 và hướng dẫn các em đăng ký các môn học tự chọn; sau đó, nhà trường tiến hành cho học sinh làm bài khảo sát.
Trên cơ sở đó, nhà trường tiếp tục định hướng cho học sinh và có hơn 30 em đã điều chỉnh lựa chọn của mình. Kết quả, nhà trường có 4 lớp lựa chọn các môn học tự chọn theo ban KHTN và 6 lớp lựa chọn các môn tự chọn theo ban KHXH.
Thầy giáo Phan Hồng Quân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường rất đồng thuận khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc. Giáo viên môn Lịch sử của trường đã và sẽ tiếp tục được tập huấn thực hiện chương trình 70 tiết/năm đối với môn Lịch sử nên đủ năng lực để dạy 52 tiết/năm. Đối với các môn học tự chọn, nhà trường và học sinh đều thuận lợi trong tổ chức dạy và học do học sinh được mở rộng phạm vi chọn lựa".
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số phụ huynh, học sinh băn khoăn về việc sau một thời gian, học sinh lựa chọn lại môn tự chọn thì sẽ phải làm sao? Khi học sinh chuyển trường có ảnh hưởng gì tới việc học các môn học tự chọn không? Trường hợp học sinh du học, các nhà trường yêu cầu có các môn học tự chọn thì học sinh đáp ứng ra sao? Khi thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2025 sẽ như thế nào?...
Những vấn đề này đã được đồng chí Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GDĐT giải đáp: Nếu lựa chọn lại môn học tự chọn, học sinh phải chủ động học tập kiến thức môn tự chọn mới và sẽ được nhà trường hỗ trợ học tập.
Khi học sinh chuyển trường cũng không cần lo lắng vì các trường đều triển khai giảng dạy các môn học tự chọn như nhau. Trường hợp học sinh du học, các trường học ở nước ngoài cũng có định hướng nghề nghiệp nên lựa chọn của các em không có giới hạn biên giới, tuy nhiên, học sinh phải có định hướng sớm và lựa chọn các trường phù hợp.
Về việc thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, học sinh yên tâm vì "học gì thi nấy"; hơn nữa, các trường đại học được giao quyền tự chủ và có các ngành, nghề đào tạo tương ứng, do đó, các trường đại học sẽ căn cứ vào chương trình GDPT 2018 để xây dựng các phương án tuyển sinh nhằm tuyển chọn được những học sinh có năng lực tốt nhất.