Giúp học sinh Hà Nội làm tốt đề thi Tiếng Anh vào lớp 10 từ 2025

Cô Nguyễn Thị Thiết, giáo viên Trường THCS-THPT Phenikaa chia sẻ giải pháp giúp học sinh Hà Nội làm tốt đề thi vào lớp 10 đổi mới.

Học sinh Trường THCS-THPT Phenikaa.

Học sinh Trường THCS-THPT Phenikaa.

Những việc nhà trường, giáo viên cần làm

Chia sẻ những việc nhà trường, giáo viên nên làm để hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, cô Nguyễn Thị Thiết nhắc đến 6 đầu việc: phân tích chi tiết đề minh họa do Sở GD&ĐT công bố; luyện tập có hệ thống; tổ chức thi thử; cung cấp tài liệu ôn tập; hướng dẫn kỹ năng làm bài thi; tư vấn và hỗ trợ tâm lý.

“Giáo viên tiếng Anh nhà trường đã phân tích chi tiết đề minh họa của Sở GD&ĐT Hà Nội, giải thích từng phần của đề thi, bao gồm ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng đọc hiểu, viết, và nghe (nếu có). Nhấn mạnh các điểm mới hoặc thay đổi trong cấu trúc đề thi so với những năm trước, giúp học sinh nắm bắt kịp thời”, cô Nguyễn Thị Thiết thông tin.

Về hoạt động luyện tập, nhà trường thiết kế các buổi học chuyên đề, trong đó học sinh được luyện tập các dạng bài tập tương tự như trong đề minh họa. Thầy cô cho học sinh làm các bài tập theo từng dạng bài trong đề thi, sau đó phân tích lỗi sai và hướng dẫn cách khắc phục.

Nhà trường sẽ tổ chức các buổi thi thử tiếng Anh với đề tương tự đề minh họa để học sinh làm quen với áp lực thời gian và cách làm bài trong điều kiện thi cử thật. Sau mỗi kỳ thi thử, giáo viên chấm bài và cung cấp phản hồi chi tiết để học sinh hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình.

Việc cung cấp tài liệu ôn tập cũng rất cần thiết. Nhà trường và giáo viên cung cấp tài liệu ôn tập phù hợp với cấu trúc đề minh họa, bao gồm các bài tập bổ trợ, các bài đọc hiểu, bài viết, các câu hỏi trắc nghiệm ngữ pháp và từ vựng.

Đồng thời, giáo viên hướng dẫn học sinh cách phân bổ thời gian khi làm bài, đặc biệt là các mẹo làm bài trắc nghiệm, cách đọc hiểu nhanh, viết bài luận ngắn trong thời gian hạn chế. Khuyến khích học sinh rèn luyện khả năng suy luận và phản xạ nhanh khi gặp các câu hỏi khó.

Cuối cùng, nhà trường tổ chức các buổi tư vấn tâm lý để giảm bớt áp lực thi cử, giúp học sinh cảm thấy tự tin và bình tĩnh hơn khi đối diện với kỳ thi thật.

Những lưu ý cho học sinh

Với học sinh, cô Nguyễn Thị Thiết đưa ra 6 lưu ý như sau:

Thứ nhất: Nắm vững cấu trúc đề thi. Học sinh cần nắm rõ từng phần của đề thi tiếng Anh, bao gồm số lượng câu hỏi, dạng bài tập, và thời gian làm bài cho từng phần.

Thứ hai: Ôn tập kỹ ngữ pháp và từ vựng. Học sinh tập trung ôn tập kỹ các cấu trúc ngữ pháp thường gặp và mở rộng vốn từ vựng, đặc biệt là từ vựng liên quan đến các chủ đề thường xuất hiện trong đề thi.

Thứ ba: Luyện kỹ năng đọc hiểu và viết. Cụ thể, luyện tập các bài đọc hiểu và viết theo mẫu, tập trung vào việc nắm bắt ý chính và viết luận ngắn gọn, súc tích.

Thứ tư: Làm đề thường xuyên. Học sinh nên làm các đề thi mẫu thường xuyên, đặc biệt là các đề minh họa từ Sở GD&ĐT và các nguồn tài liệu uy tín khác.

Thứ năm: Phân tích kết quả và cải thiện. Sau mỗi lần làm đề, học sinh nên phân tích kết quả, tìm ra các lỗi sai phổ biến và lên kế hoạch cải thiện những kỹ năng còn yếu.

Thứ sáu: Giữ vững tinh thần và sức khỏe. Học sinh nên duy trì tinh thần thoải mái và sức khỏe tốt trong quá trình ôn tập và thi cử, không nên quá căng thẳng hoặc ôn tập quá sức.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-hoc-sinh-ha-noi-lam-tot-de-thi-tieng-anh-vao-lop-10-tu-2025-post699852.html