Giúp học sinh sử dụng và phát triển thư viện số miễn phí
Chương trình tập huấn sử dụng, phát triển nội dung của thư viện số miễn phí cho học sinh Việt Nam diễn ra ngày 8/4, tại Lào Cai.

Học viện hào hứng tương tác, trao đổi tại buổi tập huấn.
Chương trình do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNICEF và Sở GD&ĐT Lào Cai tổ chức, thu hút 100 thầy, cô giáo đến từ 9 huyện, thị của tỉnh Lào cai tham gia.
Phát biểu tại chương trình, ông Đỗ Đức Lân - Phó trưởng phòng quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh, dự án Thư viện số toàn cầu (Global Digital Library - GDL) là sáng kiến thuộc Liên minh Sách Toàn cầu, nhằm cung cấp tài liệu đọc và học miễn phí cho trẻ em trên toàn thế giới.
Dự án bắt đầu được phát triển từ năm 2014 với sự phối hợp tổ chức "Tất cả Trẻ em đều Đọc" (ACR) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (Norad). GDL được xây dựng dựa trên các tài nguyên hiện có từ các tổ chức lớn như: Bookdash, Let's Read, Storyweaver và tiếp tục mở rộng nội dung thông qua dịch và bản địa hóa. Thư viện số toàn cầu cam kết mang đến sách và tài liệu học tập cần thiết cho trẻ em ở mọi nơi, đảm bảo mọi trẻ em có cơ hội học đọc và đọc để học.

Ông Đỗ Đức Lân - Phó trưởng phòng quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) phát biểu.
Ông Đỗ Đức Lân cho hay, dự án Thư viện số miễn phí cho trẻ em Việt Nam được khởi động từ năm 2021. Đây là kết quả hợp tác đáng tự hào giữa Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Thư viện số Toàn cầu và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES), với sự tài trợ từ Chính phủ Na Uy.
Dự án cung cấp hơn 3.000 sản phẩm sách điện tử với định dạng và ngôn ngữ đa dạng trên nền tảng web và App Học vui – Vui học. Không chỉ tập trung vào Tiếng Việt, thư viện còn cung cấp sách bằng tám ngôn ngữ dân tộc thiểu số như: Ba Na, Chăm, Ê-đê, Gia Rai, Khmer, Mơ Nông, Mông, Thái, cùng với tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu, đảm bảo tất cả trẻ em, bao gồm cả dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật, đều có cơ hội tiếp cận kiến thức một cách bình đẳng.
Một trong các sản phẩm của dự án, Bộ sách “NHỮNG ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC” (10 cuốn) là những câu chuyện đời thường đầy ý nghĩa của các bạn nhỏ thuộc các dân tộc Việt Nam: Kinh, Thái, Hà Nhì, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Mơ Nông, Mông, Chăm, Khơ Me.
Mỗi bạn nhỏ đều gặp những “thử thách” để rồi trở thành những đứa trẻ hạnh phúc và lan tỏa niềm hạnh phúc tới mọi người. Bộ sách đã đoạt Giải Khuyến khích - Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2023.

Bà Trần Phượng Anh - Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai.
Dự án Thư viện số miễn phí không chỉ là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ giúp trẻ em, đặc biệt là những em ở vùng khó khăn, dễ dàng tiếp cận tri thức, mà còn thúc đẩy phong trào đọc sách sôi nổi, khuyến khích sự tham gia của các em học sinh, giáo viên, nhà trường và các bậc phụ huynh. Từ đó, cùng xây dựng một cộng đồng đọc sách tích cực và thúc đẩy văn hóa đọc, không chỉ trong nhà trường mà còn lan rộng ra toàn cộng đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ tiến hành tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 600 giáo viên cốt cán cấp mầm non và tiểu học tại các tỉnh: An Giang, Sóc Trăng, Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai và Kon Tum.
Tại buổi tập huấn, giáo viên được giới thiệu về về nguồn học liệu phong phú và đa dạng do thư viện số cung cấp. Buổi trình bày sẽ đi sâu vào việc sử dụng website thư viện số cũng như ứng dụng học tập “Đọc Vui - Vui Học”, nhằm tích hợp những công cụ này một cách hiệu quả vào phương pháp giảng dạy và học tập.

Báo cáo viên chia sẻ tại buổi tập huấn.
Thông qua việc trang bị kiến thức và kỹ năng mới, dự án khuyến khích sự sáng tạo và hưởng ứng tích cực từ các trường học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, lan tỏa mô hình phát triển văn hóa đọc.

Buổi tập huấn có nhiều nội dung hữu ích.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc về sáng tác truyện tranh với mục đích khuyến khích sự sáng tạo, trí tưởng tượng và năng khiếu trong hội họa, kể chuyện và viết truyện.
Cuộc thi tập trung tìm kiếm và bồi dưỡng học sinh có tài năng sáng tác truyện tranh, từ đó thúc đẩy văn hóa đọc và nghệ thuật truyện tranh. Đồng thời, sau khi tập huấn các thầy, cô giáo sẽ là nhân tố quan trọng để tham mưu, thực hiện Ngày hội sách trong trường mình.